Ngay từ khi ra đời bé dùng tã vải và miếng lót bằng vải xô giống các cụ ngày xưa để cảm nhận được kết quả hành động mình vừa làm là gì. Bé tè sẽ cảm thấy ướt. Bé ị sẽ thấy khó chịu. Về mặt tâm lý, trẻ dùng bỉm sẽ sẵn sàng tự đi vệ sinh khi khoảng một tuổi.
Khi bé tè hãy nói: ‘Con tè ra tã rồi này. Ướt hết cả mông. Ướt hết cả miếng xô. Ướt hết cả tã. Bố/mẹ giúp con thay tã cho khỏi khó chịu nhé. Ướt thế này thì khó chịu lắm đúng không? Bố/mẹ cầm chân con lên để nhấc miếng xô ướt ra nhé. Cái này phải ngâm giặt ngay cho vệ sinh để còn dùng lại. Bố/mẹ giặt khăn xô nước ấm lau cho con sạch sẽ nhé. Đi vệ sinh xong thì ai cũng phải lau chùi sạch sẽ mà’.
Cứ như thế, khi làm bất cứ cái gì, hãy chuẩn bị cho bé, hỏi ý kiến bé, miêu tả việc bạn làm từng bước để bé biết chuyện gì đang xảy ra. Bố/mẹ thể hiện sự tôn trọng con, tôn trọng cơ thể của con, giúp con học ngôn ngữ, giúp con học về cơ thể mình, học trật tự của công việc. Mai sau khi bé tự đi vệ sinh bé đã biết trật tự những việc cần làm vì đã được hướng dẫn cẩn thận hết ngày này sang ngày khác từ thủơ bé xíu.
Ảnh minh họa: Internet
Hãy để bé xem bố/mẹ đi vệ sinh vì việc học phải bắt đầu từ quan sát người khác làm rồi bắt chước. Đi vệ sinh là bản năng, bố/mẹ sinh ra bé đâu có gì phải xấu hổ khi bé nhìn bạn làm việc đó.
Chuẩn bị chỗ đi vệ sinh cho bé. Theo trật tự từ trái sang phải đặt một cái ghế thấp cho bé tự ngồi cởi quần, rồi đến một cái xô để quần bẩn, tiếp theo là một cái bô. Tốt nhất là nên để bô trong nhà vệ sinh nếu đủ rộng và đảm bảo luôn khô ráo an toàn cho bé. Nếu không thì để những vật này cạnh nhà vệ sinh. Như thế bé học được trật tự phòng vệ sinh là để đi vệ sinh. Đừng di chuyển bô của bé khắp nhà vì bé sẽ không hiểu được trật tự và không biết nên đi vệ sinh ở đâu.
Khi bé bắt đầu biết ngồi, giúp bé ngồi bô trước khi đi ngủ và khi ngủ dậy, trước và sau mỗi bữa ăn, trước khi ra ngoài và khi về đến nhà. Thường bé luôn tè khi ngủ dậy và chỉ cần một lần bé tè ra bô bé sẽ hiểu bô là chỗ để đi tè và khi tè có cảm giác như thế. Nếu bạn quan sát kỹ con mình bạn sẽ thấy nét mặt, ngôn ngữ cơ thể cho thấy bé sắp đi vệ sinh, ngay lập tức giúp bé ngồi bô. Để bé xem ‘sản phẩm đầu ra’ cũng giúp bé hiểu chuyện gì vừa xảy ra. Dần dần bé sẽ hiểu cơ thể mình để kiểm soát cơ thể hành động theo ý bé.
Khi bé biết đi, hãy chọn quần cạp chun đúng cỡ để bé có thể tự cởi khi cần thay vì quần cài khóa, quần yếm. Luôn để bé mặc quần lót cotton. Có riêng loại quần lót dành cho các bé tập tự đi vệ sinh nhưng ở Việt Nam chúng ta chỉ cần dùng quần cotton đóng bỉm thay thế cũng được.
Ngôn ngữ cũng rất quan trọng khi giúp bé học tự đi vệ sinh. Luôn gọi đúng từ của mọi hành động để bé biết chính xác đó là gì. Đi tè, đi ị, đi vệ sinh, nhà vệ sinh, bô để đi vệ sinh, rửa tay xà phòng sau khi đi vệ sinh, con ngồi bô để đi vệ sinh... để bé biết miêu tả chính xác sau này.
Khi bé tè dầm chỉ cần nhắc ‘Con vừa tè ra quần rồi. Lần sau khi cần đi tè con vào nhà vệ sinh, ngồi bô nhé’. Nếu bé biết đi đúng lúc, khuyến khích bé ‘Con biết tự đi vệ sinh rồi đấy. Con lớn rồi có khác’.
Khi thay quần/bỉm ị đùn đừng nhận xét, đừng phàn nàn, đừng làm bộ kinh quá, thối quá bịt mũi vì như thế bạn sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân của bé, cách bé nghĩ về mình. Chẳng nhẽ mình lại kinh tởm đến thế? Sao người ta lại phải nhăn mặt khổ sở khi thay bỉm cho mình thế nhỉ? Đừng để bất cứ ai lêu lêu con mình khi bé quên. Danh dự của bé cần phải được tôn trọng, đừng tạo áp lực với bé: ‘Lớn thế này mà còn tè dầm à’.
Nước tè, quần bẩn cần được xử lý đúng cách. Bé tè xong, lau khô nước tè bằng khăn lau, sau đó lau nhà lại bằng nước xà phòng diệt khuẩn. Đừng bao giờ lấy quần của con lau nhà. Thế là bạn coi thường con. Quần lót bẩn xả sạch phân trong bồn cầu rồi thả vào chậu nước xà phòng ngâm luôn. Xả xà phòng quanh bồn cầu rồi cọ sạch, tráng sạch. Đừng bao giờ xả quần bẩn của bé ở sàn nhà vệ sinh, vì như thế cả sàn nhà và dép đi trong nhà vệ sinh đã bị nhiễm khuẩn. Nếu nhà vệ sinh bẩn đó sẽ là nguồn lây bệnh cho bé và mọi người trong nhà. Người lớn luôn rửa tay xà phòng diệt khuẩn sau khi dọn vệ sinh.
Khi bé lớn hơn, mua miếng đặt lên bồn cầu, mua ghế thấp để bé trèo lên dùng chung nhà vệ sinh với người lớn. Bé tự hào thấy mình cũng làm được như người lớn. Khi đi du lịch cũng mang theo tấm lót đó để bé luôn có thể tự làm việc riêng của mình không phải bế xi.
Thời tiết, khí hậu và điều kiện ở Việt Nam khác nên khi các bố mẹ chuẩn bị cho con hãy lưu ý đến nhiệt độ theo mùa. Việc giúp bé tự đi vệ sinh bắt đầu bằng ban ngày trước. Tùy theo điều kiện các bố mẹ có thể chọn dùng tã xô ban ngày, bỉm ban đêm hay luôn dùng tã xô. Dùng tã xô sẽ vất vả hơn, mất thời gian hơn, cần chỗ phơi hay máy sấy. Tuy nhiên nếu dùng tã xô em bé sẽ học tự đi vệ sinh nhanh hơn.
Cho dù thế nào đi nữa hãy luôn kiên nhẫn với con. Học tự đi vệ sinh sẽ mất một thời gian và bố mẹ chỉ có thể trợ giúp bé học theo tiến độ của mình chứ không thể dạy con được. Hãy giúp bé tự làm việc cần làm trong thời gian bé cần để bé luôn tự tin ‘Mình hoàn toàn có thể điều khiển được cơ thể mình. Mình làm được. Mình biết là mình tự làm được’ - một bài học kỹ năng sống giá trị theo bé suốt cả cuộc đời.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!