Nhiều người mắc các bệnh lý mạn tính lo ngại việc tập thể dục sẽ làm tăng nhịp tim, tổn thương cơ xương khớp hay khó thở.
Tuy nhiên, BS. Phan Vương Huy Đổng, phó chủ tịch Hội Y học thể thao TP HCM, khẳng định: ‘Khi mắc các bệnh lý mạn tính lại càng cần phải tập thể dục. Vấn đề là luyện tập đúng, để không chỉ giúp tăng cường sức khỏe, cải thiện bệnh lý đang mắc mà còn ngăn ngừa được những căn bệnh khác’.
Ảnh minh họa
‘Lắng nghe’ cơ thể
Sự khác biệt trong luyện tập thể dục (so với vận động trong công việc) là có cường độ chủ định, tần suất tăng dần phù hợp với tình trạng sức khỏe và có sự phối hợp của nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể. Ví dụ, khi đi bộ đều, chậm, hít thở sâu trong một điều kiện không gian thoáng đãng, không chỉ luyện tập cơ bắp mà hệ hô hấp, tim mạch, tuần hoàn cũng được tăng cường trao đổi.
Luyện tập còn là phương thức để chữa bệnh. Nếu một người bị mỡ máu cao, cholesterol cao mà không luyện tập, chỉ ngồi lỳ trong văn phòng, công việc căng thẳng, ít hoạt động, chắc chắn sẽ khiến các mạch máu xơ vữa nhanh. Ngược lại, nếu họ có luyện tập, các mạch máu co bóp tốt, sẽ hạn chế sự hình thành các mảng xơ vữa.
Như vậy, liệu người bệnh có thể tự luyện tập? BS. Phan Vương Huy Đổng cho biết: hoàn toàn có thể tự tập. Hãy bắt đầu với những bài đơn giản như tập thở, tập thư giãn, căng cơ ngay tại giường, ngay khi bạn nghỉ ngơi. Nguyên tắc chung là nên khởi đầu bằng những bài tập nhẹ ở tư thế nằm, ngồi rồi mới tới đứng như đi bộ, đạp xe hoặc đi bơi (nếu có điều kiện).
Điều quan trọng khi tự tập là chú ý lắng nghe cơ thể, nếu tập mà thấy cơ thể khỏe, tinh thần thoải mái, các triệu chứng bệnh giảm dần (mỡ máu giảm, bớt đau lưng, đau cổ…) thì cứ theo đó tiếp tục. Tập từng bước, từ từ. Trước khi tập một động tác mới, nên hỏi ý kiến của chuyên viên hoặc bác sĩ (về y học thể thao). Trường hợp không có tư vấn thì khi xuất hiện dấu hiệu lạ (mệt, tức thở, mỏi gối, đau lưng, đau cổ, mỏi vai…) cần ngưng ngay. Bất cứ lúc nào trong quá trình tập, nếu thấy khó, thấy đau, mệt mỏi và hiện tượng đó lặp lại sau khoảng 2 lần tập thì ngừng ngay, đặc biệt là với người lớn tuổi. Nếu mệt, bạn có thể tạm nghỉ 1 ngày hoặc giảm xuống 20-30% cường độ luyện tập.
Mỗi ngày duy trì luyện tập khoảng 1 giờ. Ban đầu nên chia ra nhiều lần tập, mỗi lần khoảng 30 phút. Khi sức khỏe tốt hơn thì tăng dần thời gian tập. Mẹo để duy trì việc luyện tập lâu dài là hãy chọn những môn mình yêu thích.
Ảnh minh họa
Lưu ý cho từng nhóm bệnh lý
BS Phan Vương Huy Đổng hướng dẫn: mỗi nhóm bệnh lý mạn tính sẽ có những lưu ý riêng, song đều có chung đặc điểm là không nên tập những môn đòi hỏi tốc độ cao như điền kinh; đòi hỏi tăng sức mạnh đột ngột như cử tạ; những môn chạy nhảy, đối kháng như bóng rổ, bóng chuyền, bóng đá, cầu lông, quần vợt…
Bệnh lý tim mạch:khi luyện tập quá mạnh, vận động nhiều, áp lực tăng khiến nhu cầu oxy của mô tăng cao, cơ thể sẽ tăng cường bơm máu, vận chuyển máu nhưng khả năng tải của hệ thống mạch máu lại kém, áp lực bơm mạnh quá sẽ dẫn đến vỡ mạch máu. Vì vậy, người bệnh nên luyện tập với cường độ nhẹ. Các môn phù hợp để tập là bơi lội, đi bộ nhẹ, tập dưỡng sinh, đạp xe tại chỗ, yoga (cần được tư vấn với những động tác khó, phức tạp).
Bệnh lý cơ xương khớp: nguyên tắc là chỉ tập những tư thế, động tác không tạo sức nặng, không gây tác động mạnh lên các vị trí tổn thương. Ví dụ: đau khớp gối nên nằm tập, đi bơi, đi bộ ngắn nhẹ nhàng, vận động các khớp nhẹ nhàng; tránh các động tác quỳ, ngồi xổm, đứng một chân, chạy nhảy, trèo cầu thang... Nếu đã bị thoái hóa khớp nặng thì không nên đi bộ.
Bệnh lý hô hấp: người bị các bệnh lý hô hấp khả năng hấp thụ oxy kém, việc vận động nhiều sẽ khiến cơ quan hô hấp làm việc quá sức. Do đó, nên lựa chọn những môn cần hít thở sâu như hít thở dưỡng sinh, tập thiền, thở sâu giúp tăng hô hấp một cách nhẹ nhàng. Luyện tập không chỉ là vận động tay chân mà còn vận động cả hệ thống các cơ quan nội tạng, cơ hoành, dạ dày, ruột co bóp… Nên tập ở những nơi khuất gió, gió lạnh bất ngờ có nguy cơ gây nên những cơn co thắt.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!