Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh tim mạch
Kiêng cữ trong ăn uống được xem là một biện pháp điều trị các bệnh tim mạch. Ðối với một số bệnh như cao huyết áp, suy tim, hay tiểu đường, suy thận, chế độ kiêng cữ hợp lý sẽ giúp cải thiện triệu chứng của bệnh, giảm bớt lượng thuốc cần phải uống hàng ngày, tăng tác dụng của một số thuốc điều trị. Tuy nhiên trên thực tế, biện pháp điều trị này hầu như chưa được thực hiện đúng để đem lại hiệu quả cho bệnh nhân.
Chế độ ăn
Trước hết cần phải hiểu rõ quan niệm về kiêng cữ của Tây y. Dân gian ta thường cho rằng kiêng cữ nghĩa là phải tránh dùng một vài loại thức ăn nào đó, chẳng hạn không được ăn thịt bò, cá lóc, trứng vịt, rau muống v.v... Thật ra, Tây y quan tâm nhiều hơn đến loại chất trong thức ăn, chẳng hạn chất đạm (thịt, cá...), chất béo (dầu, mỡ...), chất tinh bột (gạo, khoai...), chất xơ (rau củ), hay kali (có nhiều trong nho, chuối) v.v... Do đó, nếu bác sĩ khuyên nên kiêng bớt chất đạm nghĩa là bạn phải hạn chế ăn thịt cá, bất kể loại thịt hoặc cá nào. Nếu bạn không ăn thịt nhưng vẫn ăn nhiều cá thì cũng không đạt được hiệu quả gì.
Ðối với phần lớn các bệnh tim mạch, bác sĩ thường khuyên bạn kiêng ăn mặn và chất béo. Hạn chế ăn mặn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nếu bạn bị suy tim, cao huyết áp. Ăn mặn ở đây không phải là chay-mặn mà là mặn-lạt, nghĩa là bạn phải hạn chế muối. Muối có nhiều trong nước chấm, các loại thức ăn khô như cá khô, chà bông, mắm... Tóm lại là bạn phải tránh những thức ăn có vị mặn. Một câu hỏi thường được đặt ra là phải hạn chế đến mức độ nào? Xin nêu một ví dụ, người bệnh suy tim nặng chỉ nên ăn tối đa 5g muối NaCl (tương đương với 2 muỗng cà phê muối ăn) cho cả ngày, tính cả lượng nêm nếm trong khi nấu. Chế độ ăn như vậy sẽ làm thay đổi khẩu vị nên đa số mọi người (nhất là ở nông thôn) có thói quen ăn mặn hầu như không thể thực hiện được. Như vậy phải làm sao? Cách tốt nhất là bạn phải hạn chế ăn mặn đến mức tối đa có thể được. Hãy tập thay đổi từ từ, đầu tiên đừng dùng nước chấm khi ăn, tránh các loại mắm, cá thịt khô, nếu cần hãy nấu ăn riêng. Nên nhớ rằng nếu thực hiện được chế độ kiêng cữ tốt thì không những bệnh thuyên giảm mà còn giúp bạn giảm bớt được thuốc men, đỡ tốn tiền chữa bệnh.
Nếu bác sĩ cho biết bạn bị rối loạn mỡ máu hay béo phì, bạn nên hạn chế ăn chất béo như thịt mỡ, phô mai, kem, bơ. Các loại thức ăn này làm tăng lượng cholesterol trong máu, đọng lại trong mạch máu gây nhiều bệnh như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não...
Người bệnh tim không cần phải kiêng ăn chất đạm nếu không bị bệnh khác kèm theo (như bệnh thận) vì đây là nguồn cung cấp năng lượng cần thiết cho cơ thể. Ðặc biệt là các bệnh nhân bị bệnh tim nặng, suy kiệt càng cần phải ăn nhiều chất đạm để tạo đủ năng lượng cho cơ thể. Bạn nên tư vấn bác sĩ về chế độ ăn của mình, loại thức ăn nào cần phải kiêng và loại nào không cần để có một chế độ hợp lý.
Các loại rau quả, trái cây chứa nhiều chất xơ, vitamin và các khoáng chất vi lượng. Nói chung loại thức ăn này thường chỉ có lợi chứ không hại gì đối với cơ thể, ngoài ra chất xơ còn giúp hoạt động của hệ tiêu hóa dễ dàng, tránh được táo bón. Một số trái cây còn chứa các chất có tác dụng tốt đối với bệnh tim mạch, như bưởi có thể làm giảm mỡ trong máu, cà chua có thể giảm nguy cơ bị tai biến mạch máu não... Tuy nhiên trước những thông tin như vậy, người bệnh thường lại hay áp dụng một cách quá đáng, như mỗi ngày ăn tới vài ký bưởi, uống đến chục ly nước cà chua. Xin nhớ rằng nguyên tắc quan trọng nhất trong vấn đề ăn uống vẫn là điều độ. Ngoài ra một chất rất quan trọng đối với tim là kali có nhiều trong các loại quả như nho, chuối, dừa. Ðể tim hoạt động tốt, lượng kali trong máu phải ổn định, không quá nhiều hay quá ít. Trong các thuốc chữa bệnh tim, có loại thuốc làm giảm kali, có loại lại làm tăng lượng kali trong máu. Do đó, bạn phải hỏi kỹ bác sĩ xem mình có cần kiêng cữ các loại trái cây này hay không?
Nước uống
Nhiều người cho rằng uống càng nhiều nước càng tốt vì giúp lọc sạch cơ thể. Thật ra, quan niệm này không hẳn là đúng, nhất là với bệnh tim hay bệnh thận. Ðối với một người khỏe mạnh, khi uống nhiều nước, tim và thận phải tăng hoạt động để thải bớt nước ra ngoài, giữ sự cân bằng trong cơ thể. Ngược lại, ở người đã có bệnh tim hay bệnh thận, hai cơ quan này không còn hoạt động tốt nên nước sẽ bị giữ lại trong cơ thể gây triệu chứng khó thở, phù, thậm chí còn gây ra tình trạng "ngộ độc nước", biểu hiện qua triệu chứng lơ mơ, hôn mê. Nói chung, người bị bệnh tim nên uống nước theo nhu cầu cơ thể, nghĩa là chỉ uống khi cảm thấy khát. Nếu bệnh của bạn chỉ ở mức độ nhẹ, việc hạn chế uống nước là không cần thiết. Những trường hợp suy tim nặng chỉ nên hạn chế uống khoảng 1 lít nước mỗi ngày. Nên nhớ rằng uống quá ít nước cũng rất nguy hiểm vì có thể gây tụt huyết áp, choáng váng, chóng mặt. Bác sĩ sẽ cho biết nhu cầu nước thế nào là phù hợp với mức độ bệnh của bạn.
Chất kích thích
Y học đã chứng minh việc nghiện rượu bia có ảnh hưởng rất xấu đối với sức khỏe nói chung và bệnh tim mạch nói riêng. Nhưng đối với những người chỉ uống ít thì sao? Các nghiên cứu cho thấy uống ít hơn 60ml rượu nguyên chất (khoảng 680ml bia, 95ml rượu whiskey, 285ml rượu vang) mỗi ngày không ảnh hưởng xấu đối với bệnh tim mạch. Rượu vang đỏ còn có tác dụng tốt đối với cholesterol máu. Như vậy, người bệnh tim không cần phải kiêng cữ bia rượu tuyệt đối. Tuy nhiên cần nhắc lại điều độ luôn là nguyên tắc quan trọng nhất để giữ gìn sức khỏe. Rượu bia có thể không ảnh hưởng đến bệnh tim nhưng lại gây bệnh dạ dày, bệnh gan. Ngoài ra, có một thể bệnh tim đặc biệt gọi là bệnh cơ tim do rượu. Nếu bị bệnh này, bạn phải kiêng cữ rượu bia hoàn toàn.
Còn thuốc lá là thứ cần phải kiêng cữ tuyệt đối khi bị bệnh tim mạch. Thuốc lá ảnh hưởng rất xấu đối với các bệnh do nguyên nhân xơ vữa động mạch như thiếu máu não, thiếu máu cơ tim. Nếu không bỏ thuốc lá, bạn có thể bị tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim...Và nhất thiết bạn phải cố gắng bằng mọi cách bỏ hút thuốc lá ngay khi biết mình bị bệnh tim mạch.
Theo BS. Hoàng Công Đương
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!