Chữa lao xương trong 1 năm

Bài thuốc dân gian - 11/24/2024

Với tiến bộ của những phương pháp điều trị, bệnh lao xương có thể chữa khỏi hoàn toàn trong 9-12 tháng.

Câu hỏi 1: Em tôi mới đi khám, Bác sĩ chẩn đoán bị lao xương. Xin hỏi, có phải bệnh này chữa khỏi trong 1 năm không ạ?

ThS. Vũ Thị Tuyết Mai, Bộ Y tế, trả lời:

Chào em,

Với tiến bộ của những phương pháp điều trị, bệnh lao xương có thể chữa khỏi hoàn toàn trong 9-12 tháng. Dù vậy, trong thực tế còn một tỉ lệ nhỏ bệnh không chữa khỏi, đưa đến hậu quả đáng tiếc. Việc chữa trị chắp vá, gián đoạn, để vi khuẩn kháng thuốc là nguyên nhân thất bại trong điều trị.

Chữa lao xương trong 1 năm

Ảnh minh họa

Trong 2-3 tháng đầu, phác đồ điều trị lao xương gồm:

- Isoniazit (INH Rimifon 150 mg) với liều 5mg cho 1kg thể trọng trong 24 giờ.

- Rifampicin 300mg (Rifadin, Rimactan) liều 12mg/kg/24 giờ.

- Ethambutol 400mg (Myambutol, Syntomen…) liều 20mg/kg/24 giờ.

- Streptomycin 1g tiêm bắp thịt 1g/ngày. Người trên 60 tuổi tiêm ngày 0,75g (2/3 liều).

Tất cả 3 loại thuốc uống và một loại thuốc tiêm phải sử dụng tập trung cùng lúc. Sau liều trị đầu tiên, bệnh chuyển biến tích cực, phác đồ nối tiếp chỉ cần duy trì Isoniazit và Rifampicin trong suốt thời gian còn lại.

Trường hợp khác đã tổn thương, cũng cần có chỉ định cố định khớp. Người bị tổn thương cột sống nên dùng giường bột. Trường hợp vị trí tổn thương ở khớp tay, chân, phải dùng máng bột mới thực sự an toàn.

Nếu người bệnh tổn thương cột sống cổ, cũng có độ lệch cao và có nguy cơ chèn ép tuỷ, rễ thần kinh, cần bó bột trong 3-6 tháng.

Để phát hiện sớm bệnh lao xương khớp, khi có dấu hiệu nghi ngờ, cần nhanh chóng khám và xét nghiệm X-quang (phổi, cột sống hoặc vị trí xương khớp tổn thương), soi vi khuẩn (chọc hút từ vị trí tổn thương). Tùy tình trạng cụ thể, có thể tiến hành tìm kết quả Mantoux, tốc độ lắng máu, công thức máu…

Câu hỏi 2: Chào SongKhoe.vn. Bác tôi năm nay 78 tuổi, đi khám ở bệnh viện tỉnh kết luận bị lao xương. Do bác sống độc thân nên tôi muốn đưa bác về chăm sóc nhưng hiện tôi đang có con nhỏ. Bác sĩ cho tôi hỏi bệnh lao xương có bị lây không? Và nếu có thì tôi cần phải làm gì để bảo vệ con mình mà vẫn chăm sóc được bác.Tôi xin chân thành cảm ơn!

Chữa lao xương trong 1 năm

Ảnh minh họa

BS. Đinh Thị Thu Hương, Bộ Y tế, trả lời:

Chào bạn,

Bệnh lao là bệnh gây ra bởi trực khuẩn Mycobacterium tuberculosis tấn công bất cứ phần nào của cơ thể. Phần lớn vi khuẩn lao được lây truyền trong không khí do bệnh nhân ho khạc, hắt hơi, thậm chí là nói chuyện. Người khỏe hít phải các giọt bệnh phẩm nhỏ li ti bay lơ lửng trong không khí và nhiễm bệnh. Nó cũng có thể truyền qua các vết cắt hoặc sây sát trên da và niêm mạc mắt họng. Người mẹ truyền trực khuẩn lao cho thai nhi qua tĩnh mạch rốn.

Sau khi vi khuẩn lao xâm nhập cơ thể, bệnh diễn biến qua 2 giai đoạn: lao nhiễm và lao bệnh. Đầu tiên, cơ thể huy động ‘đội quân bảo vệ’ đến, gồm đại thực bào, bạch cầu đa nhân trung tính và lympho. Đại thực bào có nhiệm vụ ăn các vi khuẩn lao (nếu nó không giết được vi khuẩn thì sẽ bị chúng phá hủy). Các lympho hình thành miễn dịch. Quá trình nhiễm lao kết thúc khi cơ thể thắng thế, tổn thương trở thành xơ hóa, vôi hóa, vi khuẩn lao phần lớn bị tiêu diệt, phần còn lại ở trong trạng thái không chuyển hóa và là nguồn gốc của bệnh lao nội sinh sau này.

Nếu cơ thể không thắng thế, vi khuẩn lao tiếp tục sinh sôi, xâm nhập vào đường bạch huyết rồi hạch bạch huyết. Các triệu chứng sơ nhiễm lao xuất hiện. Bệnh lao có thể xảy ra rất sớm ngay trong giai đoạn nhiễm lao. Trẻ càng nhỏ, bệnh lao sơ nhiễm càng dễ xảy ra. Nếu phát hiện và điều trị chậm, vi khuẩn lao sẽ xâm nhập vào máu, gây tổn thương ở nhiều bộ phận như màng não, hạch, xương khớp... và nặng nhất là lao kê. Người cao tuổi cũng có thể mắc những bệnh lao thể nặng.

Lao xương khớp là tình trạng nhiễm khuẩn của hệ thống xương khớp do trực khuẩn lao. Đây là tình trạng lao ngoài phổi phổ biến. Lao xương khớp được coi là lao thứ phát, do vi khuẩn lao sau khi đã qua phổi hoặc hệ thống tiêu hoa sẽ theo đường máu hoặc hạch bạch huyết đến khu trú tại một bộ phận nào đó của hệ thống cơ xương khớp gây bệnh. Bệnh lao xương khớp có thể bị đơn độc hoặc kèm theo lao tại phổi hay tại cơ quan khác.

Tất cả các thể lao đều dẫn đến lây nhiễm cho người khác nếu có hiện tượng phát tán vi khuẩn lao ra ngoài, trong đó lao phổi dễ lây truyền nhất.

Do đó trong tình huống của bạn:

Bạn nên cho bác bạn đánh giá xem bác ngoài lao xương còn lao ở cơ quan nào khác không (chú ý lao phổi). Bạn nên cho bác uống thuốc lao đều đặn theo chỉ định chặt chẽ của Bác sĩ, luôn che miệng với khăn giấy hoặc khuẩn trang mỗi khi ho, hắt hơi, cười. Nên cho bệnh nhân sống cách ly, không nên cho con bạn tiếp xúc trong ít nhất khoảng thời gian khoảng 2-3 tuần kể từ khi điều trị thuốc lao. Bệnh nhân nên ở phòng thoáng khí nghỉ ngơi nâng cao thể trạng.

Lao ở người già thường nặng, nếu có điều kiện bạn nên cho bác vào bệnh viện điều trị và những người tiếp xúc với bệnh nhân lao nên khám và chụp X quang phổi để phát hiện sớm tình trạng nhiễm lao, từ đó có biện pháp điều trị và quản lý hợp lý, tránh lây lan.

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến cho chúng tôi. Chúc bạn và gia đình luôn khỏe mạnh!

 

SongKhoe.vn cung cấp tính năng gửi câu hỏi cho các Chuyên gia, Bác sĩ uy tín miễn phí. Bấm vào đây để gửi câu hỏi. Tham khảo hàng ngàn câu hỏi đã được Chuyên gia, Bác sĩ trả lời tại đây.

 

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!