Chuẩn bị cho con đi du học trước... 10 năm

Làm mẹ - 04/28/2024

Tiền không phải là vấn đề quan trọng nhất khi cho con đi du học. Điều quan trọng là bố mẹ phải dạy con kỹ năng sống tự lập.

Cho con đi du học là nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh và luôn phải chuẩn bị trước khá lâu. Nhưng nếu chỉ lo đến chuẩn bị tiền thì là quá sai lầm bởi nhiều gia đình giàu có cho con du học thì con lại học hành không ra gì vì không có động lực phấn đấu. Con cái cần phải được dạy nhiều kỹ năng sống, kỹ năng tự lập để chuẩn bị học tập và sinh sống ở nước ngoài. Nhưng nếu đợi con 17, 18 tuổi mới dạy thì hơi muộn. Cách trang bị tốt nhất mà phụ huynh có thể làm là dạy con các thói quen từ nhỏ.

Ví dụ, mỗi hè, bố mẹ cho trẻ đi chơi xa ở một nơi, khoảng 1-2 tuần để con tự trải nghiệm, khám phá. Nghe có vẻ tốn kém, nhưng nhiều em phải mất 1-2 năm mới có thể thích nghi với môi trường mới và bắt đầu học tập. Thời gian đó ở nước ngoài có khi còn mất nhiều tiền hơn những lần cho con du lịch trong nước mà còn đỡ mất thời gian sau này.

Có một số điều mà các bố mẹ nên dạy cho trẻ nếu có định hướng cho con mình du học sau này:

1. Thiết lập mối quan hệ bố mẹ - con cái tốt nhất

Bố mẹ tin tưởng con, con tin tưởng bố mẹ, mọi lúc mọi nơi.

2. Xác định mục tiêu

Chuẩn bị tâm lý đi du học xa nhà thì phải tự lập từ sớm, tốt nhất là từ lớp 10.

3. Chuẩn bị sức khỏe

Nhiều bà mẹ thường lo lắng con mình ăn món gì, uống sữa gì khiến trẻ bèo phì, lười hoạt động. Điều tốt hơn các bà mẹ có thể làm là dạy con chơi môn thể, nhạc cụ nào đó để trẻ năng động hơn. Thể thao và âm nhạc là cách giúp trẻ định hình, phát triển tính cách một cách tốt nhất. Càng sớm càng tốt, tốt nhất là cho trẻ bắt đầu luyện tập từ 4 tuổi.

Chuẩn bị cho con đi du học trước... 10 năm

4. Thiết lập nếp ăn và nếp ngủ của trẻ từ bé

Ăn uống phải có giờ giấc, bố mẹ không nên cho phép con cái thức khuya quá 10 giờ. Trẻ em có tâm sinh lý khác người lớn. Não và cơ thể chưa phát triển hết. Vì hoạt động cả ngày nên các em cần thời gian ngủ đủ dài để não phát triển và nạp năng lượng cho ngày hôm sau.

5. Bình thản với điểm chác, bài vở

Từ lúc còn nhỏ đến hết lớp 9, việc thi cử, điểm chác hầu như không có gì quan trọng. Đừng bao giờ so sánh con mình với mình ngày xưa hoặc với các bạn xung quanh. Con bạn kém môn này nhưng sẽ có thế mạnh ở nhiều môn khác. Hãy luôn để con bạn là chính mình, tự hào về con để trẻ có động lực phấn đấu.

6. Tin tưởng tuyệt đối vào con

Bố mẹ không tin con mình thì ai tin. Trẻ con không bao giờ thích trả lời trực tiếp. Chỉ có thể rủ rỉ tâm sự mới có thể hiểu lờ mờ con đang nghĩ gì, đang ghét gì, gặp khó khăn ức chế ở đâu. Rất nhiều trẻ em có ý nghĩ tự tử mà bố mẹ không biết. Bất kể con kể gì cũng phải bình tĩnh, đừng bao giờ mắng phủ đầu hay choáng váng.

7. Đừng bao giờ nói các con bây giờ sướng hơn bố mẹ ngày xưa

Nhiều người lớn cho rằng trẻ con bây giờ sướng, chỉ phải ăn với học. Điều này hoàn toàn sai. Bởi vì chỉ ăn và học nên con mình mới 'kém'. Khoa học đã chứng minh để làm việc hiệu quả con người ta phải làm việc nhịp nhàng, phải có đủ thời gian để não và cơ thể thư giãn, phải làm nhiều việc khác nhau.

Một thí nghiệm đã chỉ ra rằng nếu 1 người xách nước liên tục từ sáng đến tối sẽ không xách được nhiều bằng vừa xách vừa nghỉ. Cũng có thể vì thế các em thủ khoa đều là các em 'nhà quê', bởi sau giờ học các em phải về 'hái rau, chăn trâu, đan nón'.

8. Đừng bao giờ khoe con giỏi

Chê bạn bè không giỏi bằng con, khen con giỏi giang là điều tối kị. Con mình giỏi nhưng con người khác còn giỏi hơn. Con làm được điều gì thì bố mẹ chỉ nên động viên và khích lệ con cố gắng hơn nữa. Nếu con làm điều gì chưa tốt thì giúp con phấn đấu làm được.

9. Đừng bao giờ kêu khổ, kể công

Nhiều ông bố bà mẹ hay có thói quen kêu than khổ sở vì con, 'Vì con mà bố mẹ phải thế này, thế nọ…'. Đừng bao giờ nghĩ rằng việc tạo áp lực tâm lý cho con theo cách đó mang lại hiệu quả cao. Chăm lo cho con cái không chỉ là tình cảm mà còn là trách nhiệm và nghĩa vụ bố mẹ phải làm. Hãy cho trẻ biết rằng, sự vất vả của bố mẹ là vì con và con cần phải lấy điều đó làm động lực phấn đấu.

Chuẩn bị cho con đi du học trước... 10 năm

10. Đừng bao giờ đè lên vai con gánh nặng

Bố mẹ nào cũng kỳ vọng ở con cái. Nhưng không phải đi học trường điểm, du học nước ngoài đều có thể thành giáo sư, tiến sĩ. Đừng đòi hỏi con mình ngay lập tức phải 'thành công thành phượng' trong khi bố mẹ chúng thực tế chưa là gì cả. Như thế là không công bằng, là tạo áp lực không cần thiết cho con.

11. Đừng bao giờ cáu giận quát tháo, tát đánh con

Nóng giận, quát mắng, đánh chửi con cái chỉ chứng tỏ sự bất lực trong việc dạy con. Bản thân người làm bố làm mẹ không có kỹ năng điều chỉnh cảm xúc đã chứng tỏ sự kém cỏi. Chẳng có gì quá động trời nếu con 13 tuổi có bầu hay chỉ có thể thi đỗ trường thường chứ không thể vào trường chuyên. Bố mẹ không bình tĩnh gỡ rối cho con thì còn ai khác nữa. Chuyện đã xảy ra rồi thì đừng cằn nhằn, ca cẩm vì sao mà hãy cùng con tìm cách giải quyết vấn đề.

Có nhiều thứ phụ huynh có thể làm mà không tốn một đồng tiền công nào. Điều quan trọng nhất là các ông bố, bà mẹ phải thay đổi tư duy và thay đổi nếp sống sinh hoạt cho con cái. Gia đình, bố mẹ là nơi ảnh hưởng, giáo dục trẻ tốt nhất, nhiều nhất. Không chỉ tạo thói quen tốt cho con đi học, mà các kỹ năng này cũng giúp con chuẩn bị hành trang vào đời tốt hơn.

>> Xem thêm: 5 kỹ năng sống cần thiết bố mẹ phải dạy cho con

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!