Mới đây, vụ việc 18 bệnh nhân chạy thận nhân tạo bị sốc phản vệ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đang gây xôn xao dư luận. Các chuyên gia y tế cho rằng, đây là sự cố y khoa nghiêm trọng. Vậy quy trình chạy thận nhân tạo diễn ra thế nào và có thể gây ra những biến chứng gì?
Bệnh nhân nào phải chạy thận?
Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chạy thận nhân tạo là lọc máu khi bệnh nhân bị suy thận - thận không còn chức năng để lọc máu nữa sẽ phải nhờ đến máy để làm thay chức năng này lọc các chất thải ra khỏi cơ thể.
Phương pháp này được chỉ định cho những bệnh nhân thận mạn tính và tổn thương thận cấp (suy thận cấp). Chạy thận nhân tạo, hay còn gọi là lọc máu, là một trong những cách điều trị tình trạng suy thận hiện nay ngoài phương pháp phẫu thuật ghép thận và lọc thận qua phúc mạc.
Hiện nay, theo TS Nguyễn Hữu Dũng – Trưởng Khoa thận Nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai cho biết thống kê bệnh nhân suy thận ở Việt Nam chưa có cụ thể nhưng ước tính có khoảng 6 – 7 % dân số bị suy thận trong đó có khoảng 90 – 100 nghìn người đang phải chạy thận nhân tạo.
Hiện nay có hai quy trình lọc máu chu kỳ, lọc máu cấp cứu để thực hiện cuộc lọc máu phức tạp nhiều quy trình.
Để thực hiện một quy trình lọc máu, bệnh nhân phải được bác sĩ sàng lọc, chuẩn bị máy móc và trong quá trình lọc máu, bác sĩ phải theo dõi bệnh nhân từ 3,5 – 4 tiếng đồng hồ trong suốt quá trình lọc.
Biến chứng thường gặp trong chạy thận nhân tạo
TS Nguyễn Hữu Dũng cho biết khi thực hiện kỹ thuật gì cũng cần biết nguyên nhân và biến chứng của nó.
Thống kê 20 biến chứng có thể xảy ra, các tai biến này xảy ra ngắn và nghiêm trọng nếu không tìm hiểu có thể tử vong với bất cứ ai. Ví dụ bệnh nhân trong quá trình lọc máu có thể tụt huyết áp, với biến chứng này không phát hiện trong vòng 10 phút có thể tử vong.
Biến chứng nguy hiểm nhất trong quá trình lọc là để khí lọt vào máu. Quá trình rút máu qua hệ thống lọc và bơm vào cơ thể bệnh nhân nếu có bọt khí lọt vào thì chỉ cần 10ml khí trở lên là có thể gây biến chứng tắc mạch hậu quả vô cùng kinh khủng, bệnh nhân không thể cứu được.
Tuy vậy TS Dũng cũng cho biết đây là biến chứng rất hiếm gặp, đặc biệt hiện nay các máy hiện đại hơn, có hệ thống cảnh báo. Tuy nhiên, vẫn phải đề phòng trường hợp máy hỏng bộ phận nào đó mình không kiểm soát được.
Ngoài ra, còn các biến chứng khác như chuột rút, buồn nôn, nôn, đau bụng và ngứa.
Nguyên nhân của chuột rút trong chạy thận nhân tạo hiện chưa rõ. Chuột rút thường xảy ra nhất liên quan đến tụt huyết áp, mặc dù chuột rút thường kéo dài dai dẳng sau khi huyết áp đã phục hồi đầy đủ. Chuột rút thường gặp ở tháng đầu của chạy thận hơn là giai đoạn về sau.
Phòng ngừa tụt huyết áp sẽ loại bỏ hầu hết chuột rút. Bài tập căng cơ, chương trình tập căng cơ dành cho nhóm cơ bị chuột rút có thể có ích.
Buồn nôn và nôn xảy ra lên tới 10% trường hợp chạy thận thường quy. Ở bệnh nhân ổn định, hầu hết do tụt huyết áp. Đây cũng có thể có triệu chứng sớm của hội chứng mất cân bằng.
Biến chứng đau ngực nhẹ hoặc khó chịu ở ngực, thường ít nhiều có đau lưng kèm theo hiện không rõ nguyên nhân, không có xử trí hay phòng ngừa đặc hiệu. Trong lúc chạy thận bệnh nhân còn bị ngứa và nhức đầu.
Qua vụ việc ở Hoà Bình, TS Dương Đức Hùng đánh giá đây là trường hợp bị biến chứng trong lúc chạy thận. Sau sự việc này, các đơn vị sẽ rà soát lại phác đồ chạy thận.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!