Chuyên gia Việt tiên lượng ca ghép đầu người thất bại

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

'Mổ nối tủy sống gần như trên thế giới chưa đâu làm được, đặc biệt là nối để có chức năng thì không dễ dàng gì'.

Rất khó khăn và thành công ở mức độ thấp

Trước thông tin, ca ghép đầu người đầu tiên trên thế giới dự kiến diễn ra vào năm 2017 với bệnh nhân Trung Quốc, trao đổi với Đất Việt, ngày 17/5, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên giám đốc Bệnh viện Việt Đức, chuyên gia đầu ngành trong ghép tạng khẳng định đây không phải chuyện xa vời nhưng sẽ rất khó khăn và thành công ở mức độ thấp.

Theo BS Quyết, hiện nay, về mặt tiến trình khoa học kỹ thuật, đây là thành tựu mà thế giới phải vươn đến, nhưng lúc này, sự hiểu biết rất sâu về cơ chế hoạt động tế bào thần kinh còn nhiều vấn đề còn bàn cãi.

Hơn nữa, mổ nối tủy sống gần như trên thế giới chưa đâu làm được, đặc biệt là nối để có chức năng thì không dễ dàng gì, nên tỷ lệ thành công không cao.

'Tách tủy sống ra ở dưới sẽ liệt nên theo tôi tiến trình này có thể thành công nhưng còn cần thời gian lâu dài, vì nền khoa học nói chung và nền y học nói riêng chưa hiểu đến tận ngọn ngành thấu đáo chức năng của hệ thần kinh. Xử lý ca này khá khó khăn.

Tôi lấy ví dụ như ghép gan, tim, phổi, thận thì đã có nhiều thực nghiệm, mà tất nhiên phải ở mức độ thành công rất cao rồi thì mới thực hiện trên người. Hơn nữa, ở đây là nối mạch máu đơn giản, nhưng nối thần kinh thì không như vậy, nó không đơn thuần về ngoại khoa mà phải hiểu sâu về thần kinh.

Trong khi thực nghiệm ghép đầu vẫn ở mức nghiên cứu, thực nghiệm ít, nên ghép ngay trên người thì kết quả thành công tôi chưa thực sự tin tưởng.

Vì thế, tôi tin về mặt tiến trình khoa học kỹ thuật loài người có thể ghép được đầu, lúc này nghĩ đến kết quả thành công cao thì quá sớm', BS Quyết phân tích.

Chuyên gia Việt tiên lượng ca ghép đầu người thất bại

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Nguyên giám đốc BV Việt Đức

Không phải đơn giản để tiến hành

Về mặt đạo đức y khoa, theo BS Quyết, những trường hợp nhận hỗ trợ ghép đầu cũng đã được sự nhất trí rất cao từ những người tự nguyện hiến ghép.

Dẫu sao đây cũng là cách để cứu vớt một cơ thể, nên y học rất cố gắng để có thể thành công, nhưng cũng không nên quá mong chờ vào tỷ lệ thành công cao.

'Tôi tin thế giới, loài người sẽ ghép được đầu, nhưng lúc này nghĩ đến tỷ lệ thành công cao là quá sớm', BS Quyết khẳng định.

Trong ca ghép đầu người theo dự kiến thực hiện tại Trung Quốc năm 2017, các bác sĩ thực hiện cho biết sẽ cần một con dao đặc biệt và 'thành phần ma thuật' giúp gắn kết đầu với thân.

Chuyên gia Việt tiên lượng ca ghép đầu người thất bại

Nhà giải phẫu thần kinh người Ý Sergio Canavero công bố kế hoạch cấy ghép đầu người đầu tiên trên thế giới vào năm 2017

Sử dụng một chất hóa học được gọi là 'thành phần ma thuật', trên thực tế nó là một chất keo polyethylene glycol dùng để nối hai đầu tủy sống giữa đầu người ghép và cơ thể hiến tặng.

Theo BS Quyết bây giờ hầu như nước nào cũng sử dụng keo dính, Việt Nam hiện nay cũng làm như vậy, những trường hợp đứt đám rỗi thần kinh, nối thần kinh mặt rất nhỏ, BV Việt Đức cũng đã dùng, nên những yếu tố trên cũng chưa nói lên được điều gì, đối với chuyên khoa ghép nối thần kinh.

Và việc nghiên cứu, nối đầu chuột của một trong những bác sĩ tham gia ca mổ sẽ là cơ sở để các bác sĩ dựa vào đó đưa ra phương án tối ưu cũng chỉ là một phần vô cùng nhỏ.

Đối với Việt Nam nói riêng, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức bày tỏ, nhiều bác sĩ Việt Nam từng học ở nước ngoài nên hoàn toàn có thể học được cách ghép, nhưng chưa thể thực hành.

Ông nói: 'Việt Nam sẵn sàng có bác sĩ ngoại khoa và thần kinh để đi học nhưng xin nói là thế giới ghép thận năm 1952, ghép gan từ năm 1963 nhưng Việt Nam ghép thận 1992, và mới đây 2004 mới ghép gan. Do đó, cũng không phải đơn giản để tiến hành. Thế giới thành công, Việt Nam có bác sĩ sẵn sàng học nhưng để Việt Nam ghép thành công còn phải lâu dài'.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!