Sao không tin tưởng vào bác sĩ công?
Tôi bị mất ngủ kéo dài mấy tháng liền, vẫn uống seduxen hay diazepam (mua chui ở mấy hiệu thuốc lẻ, theo chỉ dẫn của mấy người quen) và chưa xảy ra chuyện gì nghiêm trọng, mặc dầu mặt mũi nhăn nhúm, ăn uống chểnh mảng, chẳng mấy khi muốn cười. Nhưng trong dịp Tết, những thuốc kể trên chẳng còn tác dụng. Có hôm, nghĩ đến cứ thao thức hoài trong đêm, rồi nghĩ linh tinh, cái hay chẳng nghĩ, nghĩ cái dở, sợ quá bèn uống hẳn 2 viên, vẫn không ngủ được. Đành quyết định đi đến bác sĩ.
Ban đầu, định đến phòng khám của bác sĩ tư. Nhưng nghĩ năm trước nữa, cũng bệnh này theo đơn của ông ấy, uống, tối đã ngủ được, nhưng mệt kinh khủng, mà hết đơn, chứng mất ngủ lại tiếp tục. Nghĩ tiếp đến Đông y, gọi cho thầy quen, nhưng thầy còn đang đi vắng, mà chữa Đông y thì cũng mất nhiều công và nhiều thời gian. Cuối cùng tôi mới đến bệnh viện. Sẵn thẻ bảo hiểm y tế, tôi vào xếp hàng lấy số. Sốt ruột vô biên vì đông vô kể xiết. Trong lúc chờ đợi, bỗng nảy sinh ý nghĩ, hãy một lần để tâm xem vì sao mà thầy thuốc công bị người đời ‘soi xét và lên án’. Tôi giở cuốn sách mang theo ngồi đọc. Hành lang thông thoáng nhưng mà gió thổi rét buốt, các cán bộ y tế đi lại nghiêm trang, có người cau có, có người chỉ cười với đồng nghiệp. Khác hẳn với bệnh viện tư, nhà thầy thuốc tư cứ là ấm cúng, từ nụ cười thân thiện đến hơi nóng phả ra từ chiếc quạt sưởi. Chờ chừng 1 giờ mới đến lượt, mặc dù tôi xếp hàng từ 7 giờ 18 phút sáng. Sớm hơn giờ bác sĩ khám 40 phút. Hỏi, mới biết, có người đi từ 5 giờ sáng xếp sổ.
Ảnh minh họa - Internet
Đến lượt tôi, tôi kể bệnh với bác sĩ nội khoa. Bác sĩ hỏi, bà có ho không, có sốt không, bệnh thể hiện ra là thế nào, trông bà không thấy biểu hiện gì đặc biệt, huyết áp không có gì bất ổn, vậy bà muốn gì? Tôi bảo: Tôi không biết tôi bị bệnh gì, nhưng tôi cho rằng mất ngủ là dấu hiệu của nhiều bệnh. Nếu được, bác sĩ cho tôi thử máu, thử nước tiểu, siêu âm gan và chụp đốt sống cổ. Bác sĩ ghi các phiếu. Phải mất 1 ngày nữa, với tất cả các xếp hàng, tôi đã có kết quả xét nghiệm trong tay. Quay trở lại với bác sĩ nội khoa. Bà nói tôi bị viêm các đốt sống cổ, giãn tĩnh mạch chi dưới, gây ra thiếu máu não và suy nhược thần kinh. Bà kê đơn và nói tôi thử điều trị theo đơn của bà, nếu không ổn thì quay lại. Tất cả chừng 7 phút. Tôi muốn hỏi thêm mấy câu, nhưng thấy ở ngoài cửa đã có mấy người nhìn vào, tỏ ý sốt ruột. Tôi đành đứng lên. Sau đó làm các thủ tục thanh toán 5% viện phí và nhận thuốc. Tổng số tiền thuốc được phát chừng dưới 200.000 đồng. Nhìn đơn thuốc, tôi ngao ngán. Được 200.000 đồng mà mất mấy ngày. Trong khi, nếu đi khám tư chỉ mất 1 giờ là nhiều (dĩ nhiên là tiền thì gấp 10 lần tổng một đợt điều trị).
Nhưng, một điều không thể ngờ là ngay hôm đó, tôi dùng thuốc trong đơn và thấy hiệu nghiệm. Ngủ được mà không mệt. Tôi giở cuốn y bạ cũ, của thầy thuốc tư cho. Trong 5 mục thuốc, chỉ thấy khác một mục. Và nhất là câu dặn của bà: Tuổi của bác, như một cỗ máy dùng đã lâu, mọi thứ đều ở mức suy, vậy bác nên làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi điều độ... Có những bệnh không thể dùng thuốc cấp tập để khỏi ngay, mà phải đúng liều lượng và đúng chỉ dẫn, nhất là ở quãng tuổi đã xế chiều. Tôi nhớ ra rằng, trước đây do chủ quan, ngoài đơn của thầy thuốc, cứ bạ ai mách gì thì tôi mua uống thêm vào. Có lẽ vì thế mà bệnh không khỏi...
Bệnh lần này khỏi, ngủ được, đơn giản quá, công bác sĩ đấy thôi. Muốn quay lại, biếu bác sĩ cái gì đó, nhân tiện cho bác sĩ biết kết quả điều trị. Nhưng lại tặc lưỡi, thầy thuốc bây giờ cũng chẳng nhớ bệnh nhân, phòng khám tư thì lấy tiền là xong, phòng khám công thì đã có lương nhà nước. Còn đang lưỡng lự, thì hàng xóm có người bị bỏng. Tôi vội đưa bà ấy đi, vì bà chẳng có người thân nào. Đến nơi, làm thủ tục bảo hiểm xong, rồi vào khám cũng phải chờ chừng hơn nửa giờ. Mặc dù bỏng nhẹ do cồn, nhưng bà kêu đau rát và khá hoảng loạn. Bác sĩ kê đơn, y tá xử lý ngay theo phác đồ của bác sĩ, trong đó có hỏi: Bác ơi, cháu sẽ quấn bằng băng loại R nhé. Tôi và bệnh nhân không hiểu băng đó là loại gì, ý là thế nào, nhưng thấy hỏi thì vâng. Rửa vết thương, băng bó, xong, được về. Trước khi về, cô y tá gọi tôi sang một phòng nhỏ hơn, không có bác sĩ ở đó. Cô y tá bảo: Bác ơi, cháu đã làm tất cả theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tất cả thuốc bác ấy sẽ được cấp phát theo đơn này ạ. Nhưng bác thanh toán cho cháu cái băng R, đó là loại băng không có trong chỉ dẫn của bác sĩ ạ. Tôi bảo, trong này hơi tối, mà mùi thuốc quá, cứ ra ngoài kia rồi tôi đưa tiền. Cô ấy bảo, bác thông cảm cho cháu, ngoài ấy có camera, mà cháu nói thật, phải sử dụng băng R thì bệnh nhân mới đỡ khó chịu. Tôi hỏi bao nhiêu: tổng số 2 loại, một loại thuốc nữa, là 60.000 đồng. Tôi trả, kèm lời cảm ơn, đưa bà hàng xóm đi lĩnh thuốc rồi về. Trên đường tôi nói với bà chuyện 60.000 đồng, bà bảo, lẽ ra tôi không nên thanh toán kiểu thiếu công khai như vậy, hơn nữa, với bà 60.000 đồng cũng là cả một vấn đề. Tôi cười cười, nói dỗi để bà yên tâm, là em kể cho bà nghe thôi chứ em chưa trả cho cô ấy đâu. Bà bảo, đúng rồi, trả thế làm nó hư đi.
Ảnh minh họa - Internet
Chưa kịp nghĩ thêm về y đức thì lại có điện thoại của bà bạn thân, con dâu đẻ, mà bà bạn đang bị tăng áp huyết. Đúng là đầu năm, có duyên với ngành y quá cơ. Tôi đưa cháu đến bệnh viện. Trên đường, nó bảo tôi, thực ra còn 3 ngày nữa cháu mới sinh. Nhưng cháu đã lên lịch với bác sĩ B. rồi. Cháu vờ đau để vào đẻ cấp cứu, đúng lịch trực của bác sĩ B. Đến nơi, sau khi làm thủ tục cấp cứu, chúng tôi ‘may mắn’ được xếp bác sĩ B. trực tiếp mổ. Mẹ tròn con vuông. Nằm phòng riêng giá dịch vụ. Vẫn là bảo hiểm y tế, vẫn đóng thêm phần trăm của người bệnh theo quy định, nhưng cháu đưa cho tôi một phong bì và bảo đưa cho bác sĩ B. Tôi mở trộm ra xem thấy 2 triệu. Trong mấy ngày ở viện, các hộ lý, y tá mỗi ngày mỗi người 50.000 đồng, tiền phòng dịch vụ giá gấp 3...
Sau 3 câu chuyện tôi trực tiếp có mặt và ‘thưởng thức’ ở trên, tôi vẫn thấy cần phải thêm một lần nữa đến bệnh viện. Thế là tôi đến một bệnh viện nổi tiếng ở trung tâm Hà Nội. Mới đầu năm mà bệnh nhân đã rất đông. Lân la, biết, hầu hết là người nghèo bệnh nặng, chữa dài ngày. Các bác sĩ không đủ 7 phút để vấn bệnh và kê đơn như nơi tôi đến, vì người bệnh nhiều vô kể. Thuốc trong đơn đều đắt tiền, mà điều trị nhiều người cũng khỏi. Bệnh này thế giới cũng vậy thôi. Không nhìn thấy một nụ cười nào ở bác sĩ cũng như ở bệnh nhân. Phòng khám cũ kỹ, dù sạch sẽ nhưng vẫn có cảm giác bẩn thỉu, vì hơi người, mùi thuốc và các thể loại mùi... Phòng khám dịch vụ sạch hơn, bác sĩ cũng ân cần hơn, nhưng nhiều ánh mắt ghen tỵ đổ vào phía đó (và dĩ nhiên tiền bệnh nhân phải trả cũng nhiều gấp mấy lần).
Trên thế giới người ta ứng xử thế nào?
Ảnh minh họa - Internet
Kể ra ở đây, đọc xong, bạn đọc có thể tự kết luận. Nhưng tôi muốn nói thêm: Ở bất kỳ đâu, chuyện chênh lệch giàu nghèo và chênh lệch các kết quả ứng xử là chuyện rất thường xảy ra. Mỗi người là mỗi lựa chọn, có người không kể giàu nghèo khi bị bệnh lựa chọn đầu tiên của họ là dành tiền cho chữa bệnh. Song, cũng không ít người cũng tiếc tiền, hoặc không có tiền. Người bệnh thông minh sẽ lựa chọn được dịch vụ tương thích với bệnh của mình. Người nghèo, dù thông minh, nhưng không có tiền có muốn lựa chọn dịch vụ tốt cũng không được, phải đến bệnh viện công, nhờ cậy bác sĩ công. Mấu chốt ở đây là bác sĩ công, ăn lương nhà nước đối xử với người bệnh nghèo như thế nào? Có nhiều người (vừa bắt đúng bệnh vừa tư vấn cặn kẽ) như tôi gặp hôm vừa rồi có nhiều trong hệ thống y tế của nhà nước không, hay đa số là những người cố ý gây phiền hà để trục lợi từ người bệnh? Những người đó có biết xấu hổ không? Hay hôm nay nhận của bệnh nhân, ngày mai lại đem tiền đó đi lễ chùa để mong được lương tâm thanh thản? Biện pháp đặt camera có chống được căn bệnh moi tiền của người bệnh cho dù đó là người nghèo hay giàu không? Câu trả lời là không. Các khẩu hiệu chống lấy tiền của bệnh nhân trên tường bệnh viện cũng không ngăn được lòng tham của bác sĩ. Mà tất cả đều nằm ở lương tâm thầy thuốc. Lương tâm xui khiến con người phải làm gì.
Về phía tôi, tôi nghĩ rằng, có 3 giải pháp cần đồng bộ cho việc này: Một là các bệnh viện phải được mở thêm, có rồi thì mở rộng để giảm tải số lượng người khám. Khi bác sĩ có thời gian để suy tư cho một xử lý khám chữa đúng mức cần thiết, họ sẽ vừa có ứng xử văn hóa, vừa bắt được đúng bệnh, vừa chẳng có lý do khiến cho bệnh nhân có tâm lý phải nhờ cậy mà đưa tiền hối lộ. Hai là, người bệnh phải tăng niềm tin của mình vào bác sĩ công, bằng cách hãy so sánh một vài lần với cách thức điều trị của các thể loại bác sĩ (phòng khám tư). Ba là, bác sĩ nói riêng và y tế nói chung cần được điều chỉnh mức lương (trong đó có phụ cấp dưỡng liêm) sao cho họ đủ sống, đừng bắt họ phải làm những việc đáng xấu hổ dưới con mắt người đời (như đằng sau cái camera, hay như những móc ngoặc ở phòng bà đẻ, bởi vì, họ dành thời gian cho móc ngoặc ấy là sẽ lấy thời gian công lẽ ra dành cho người không móc ngoặc).
Nói chuyện y tế, không có nghĩa chỉ là y tế mới có những chuyện ấy. Các ngành khác thì sao, nhà báo thì sao, tôi cũng là một trong số đó? Xin để dịp khác hầu chuyện bạn đọc và cũng là để tự răn mình. Cảm ơn các bạn đã đọc chia sẻ này.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!