Có kháng thể tự nhiên chống lại vi-rút Ebola?

Kỹ năng sống - 05/08/2024

Kháng thể này xuất hiện ở một bộ phận người dân Cộng hòa Gabon (Trung Phi) dù chưa từng được xác nhận mắc Ebola.

Hiện nay, cả thế giới đang dõi theo diễn biến dịch bệnh Ebola tại 4 nước Tây Phi. Con số tử vong ngày một tăng lên và chưa có dấu hiệu dừng lại. Hiện đã có 1069 người tử vong vì căn bệnh này. Lật lại ‘hồ sơ’ căn bệnh, người ta thấy có một nghiên cứu về sự tồn tại của một kháng thể tự nhiên có khả năng chống lại vi-rút chết người này. Bài viết của ThS. Nguyễn Kiên Cường, Viện Y học Dự phòng Quân đội dưới đây sẽ trình bày rõ hơn về nghiên cứu này. SongKhoe.vn trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

Một quần thể người Trung Phi có kháng thể chống vi-rút Ebola

Một điều đáng ngạc nhiên là có một tỷ lệ khá cao trong quần thể của người dân nước Cộng hòa Gabon (Trung Phi) có kháng thể chống lại vi-rút Ebola. Kháng thể chống lại vi-rút Ebola được tìm thấy trong 15,3 % dân số của cộng đồng tại một số vùng nông thôn mà ở đó chưa từng xảy ra dịch sốt xuất huyết do vi-rút Ebola hay chưa từng có dấu hiệu đặc trưng của căn bệnh này. Các nhà nghiên cứu của IRD (Institut de recherche pour le développement, một Viện nghiên cứu của Pháp) phát hiện ra rằng có một số lượng không nhỏ người mạnh khỏe có mang vi-rút (người lành mang trùng) trong quần thể người Gabon, mặc dù những người đó sống trong vùng chưa bao giờ ghi nhận có dịch sốt xuất huyết do vi-rút Ebola.

Những nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng, những người này có thể tình cơ bị nhiễm vi-rút Ebola do ăn những hoa quả đã bị nhiễm vi-rút từ nước bọt của loài dơi. Tuy nhiên cơ chế chính xác tại sao con người lại bị lây nhiễm bệnh còn chưa rõ.

Có kháng thể tự nhiên chống lại vi-rút Ebola?

Vị trí của nước Cộng hòa Gabon

Sốt xuất huyết do vi-rút Ebola đã tấn công các nước của châu Phi hơn 30 năm. Các nhà khoa học cho rằng loài dơi là là nguồn bệnh quan trọng của bệnh dịch này, và có thể gây nhiễm bệnh cho con người một cách trực tiếp.

Vụ dịch đầu tiên năm 1976 đã tấn công một số người và một số loài linh trưởng ở Gabon, Congo, Sudan và Urganda. Người ta đã phát hiện nguồn bệnh tự nhiên là loài dơi, tuy nhiên cơ chế chính xác làm sao để gây bệnh cho người còn chưa rõ. Điều gì sẽ quyết định liệu dịch có thể xảy ra hay không vẫn là những câu hỏi chưa có lời giải đáp thỏa đáng đối với các nhà khoa học.

Tỷ lệ 15,3 % dân số của người Gabon có kháng thể kháng lại vi-rút Ebola làm sửng sốt trong giới khoa học. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, những người mang kháng thể kháng vi-rút Ebola chắc chắn đã từng nhiễm vi-rút nhưng chưa bao giờ có các biểu hiện lâm sàng, đó là những người nhiễm trùng không có triệu chứng.

Câu hỏi chưa có lời giải đáp

Để có những hiểu biết sâu hơn về việc lưu hành vi-rút Ebola và khả năng lây truyền vi-rút cho con người, các nhà khoa học thuộc IRD đã tiến hành một nghiên cứu huyết thanh học trong thời gian 3 năm. Một nhóm các nhà khoa học đa ngành (bao gồm các nhà nghiên cứu về bệnh học, dịch tễ, vi-rút, sinh học, thú y…) cùng phối hợp và tiến hành thực hiện một nghiên cứu sàng lọc cho tất cả người dân thuộc các vùng nông thôn trên khắp đất nước Gabon. Họ đã thu được hơn 4000 mẫu máu và phân tích tìm sự có mặt của kháng thể kháng lại vi-rút Ebola.

Có kháng thể tự nhiên chống lại vi-rút Ebola?

Ảnh minh họa (Internet)

Kết quả nghiên cứu cho thấy một số vùng có dịch xảy ra, nhưng một số vùng thì không có dịch bệnh. Kết quả phân tích mẫu máu cho thấy có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ có kháng thể kháng với vi-rút Ebola tùy theo từng vùng, nhưng tỷ lệ trung bình có kháng thể kháng Ebola trong quần thể là 15,3%. Khu vực Savan và vùng đồng bằng có tỷ lệ có kháng thể lần lượt là 10,5 % và 12,4%, những người sống ở các khu vực có nhiều hồ nước, đầm lầy thì tỷ lệ có kháng thể chỉ chiếm 2,7%. Trong khi đó những người ở vùng rừng núi tỷ lệ có kháng thể kháng với vi-rút Ebola là 19,4%, thậm chí trong một số ngôi làng tỷ lệ này là 33,8 %.

Tiếp tục nghiên cứu sâu hơn trên thực nghiệm, các tác giả nhận thấy có sự gia tăng đáng kể về số lượng tế bào limpho T8 (tế bào bạch cầu chịu trách nhiệm tiêu diệt tế bào bị nhiễm mầm bệnh) sản xuất cytokine IFN-g, một chất có liên quan đến đáp ứng miễn dịch. Đáp ứng miễn dịch này cũng tương tự với những kết quả nghiên cứu về đáp ứng miễn dịch sau tiêm vắc-xin trên động vật thực nghiệm.

Bằng chứng huyết thanh học cho thấy một điều chắc chắn rằng, những người có kháng thể kháng lại vi-rút Ebola đã từng bị nhiễm vi-rút này trước đó. Tuy nhiên, cuộc điều tra cho thấy nhiều người trong số họ không có các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết do vi-rút Ebola. Do đó, những nhà nghiên cứu cho rằng, người có kháng thể kháng lại vi-rút Ebola có thể đã xuất hiện những triệu chứng nhẹ của bệnh hoặc đã có nhiễm trùng nhưng không có triệu chứng.

Hơn nữa, khi không có các triệu chứng của bệnh xuất hiện thì có thể coi: đường tiếp xúc làm lây truyền vi-rút từ người sang người (thông qua tiếp xúc với máu, dịch tiết, hay chất nôn…) trong cộng đồng người Gabon là hiếm gặp. Con đường này có thể bỏ qua và không phải là con đường chủ yếu.

Có kháng thể tự nhiên chống lại vi-rút Ebola?

Ảnh minh họa (Internet)

Cũng không có mối liên quan cụ thể cũng như yếu tố nguy cơ nào Ebola (như tuổi, giới, đi săn hay tiếp xúc với động vật hoang dã…) được chỉ ra đối với người đã từng nhiễm vi-rút. Điều đó có nghĩa là nguồn gốc của việc truyền nhiễm vi-rút có thể xuất phát hoặc tồn tại ở gần hoặc ngay trong ngôi làng mà họ đang sinh sống.

Như vậy, sự thật là tồn tại một bộ phận những người chưa bao giờ có biểu hiện lâm sàng của nhiễm vi-rút Ebola hoặc sống trong vùng không có dịch nhưng lại có khả năng phát triển đáp ứng miễn dịch chống lại vi-rút Ebola. Tại sao lại như vậy? Câu hỏi này đến nay vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Tuy nhiên không thể phủ nhận, kết quả nghiên cứu của cuộc điều tra giúp sáng tỏ hơn về đặc điểm dịch tễ học của vi-rút Ebola và mở ra những hướng nghiên cứu tiếp theo về việc phòng chống căn bệnh nguy hiểm này./.

  Xem thông tin về Ebola tại đây

 

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!