Theo một nghiên cứu của BS. Đàm Trọng Nghĩa - Trưởng khoa Ngoại đầu cổ, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội và cộng sự, bệnh mũi sư tử ít gặp ở người Việt Nam hơn người da trắng. Tại bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, các bác sĩ mới gặp một trường hợp đầu tiên. Tại bệnh viện Trung ương Quân đội 108, có 2 bệnh nhân.
Bệnh mũi sư tử thường gặp ở người da trắng (ảnh: Internet)
BS. Đàm Trọng Nghĩa cho biết, bệnh mũi sư tử là một tình trạng bệnh lý ngoài da tại mũi, làm mũi đặc biệt là phần dưới có màu đỏ, lỗ tuyến bã và lỗ chân lông nở to, da mũi gồ ghề tạo nhiều múi với nhiều mức độ. Bệnh tiến triển chậm, thường xảy ra ở nam giới, thường là tuổi trung niên (40 - 60 tuổi). Bệnh mũi sư tử gây ra bất lợi lớn cho bệnh nhân trên phương diện thẩm mỹ, tạo ra sự mặc cảm, xấu hổ, lo âu, xa cách với cộng đồng dẫn đến những ảnh hưởng trên sức khỏe tinh thần. Những đường nét trên mũi bị biến dạng, tiển trụ mũi bị phình to, da trên mũi gồ ghề. Những trường hợp nặng gây bít tắc 1 hoặc hai lỗ mũi dẫn đến tình trạng khó thở mạn tính, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của bệnh nhân.
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh như nhiễm trùng mạn tính gây ra do Dermodex folliculorum, rối loạn nội tiết tố nam androgen; nghiện rượu, cà phê, sự dụng nhiều gia vị cay.
Điển hình như trường hợp bệnh nhân Trần Quán Ng., 68 tuổi, bệnh sử khoảng 8 năm, bệnh nhân thấy da vùng mũi đỏ dần, tăng tiết nhiều bã nhờn, ngày càng tiến triển, da trên mũi gồ ghề tăng nặng tạo thành từng múi thòng xuống hai bên cửa mũi, gây nhiều mặc cảm về tâm lý. Bệnh nhân đã đi khám nhiều nơi uống nhiều đợt thuốc không thấy thuyên giảm. Đầu mũi ngày càng to lên, không đau nhức, không nóng bề mặt. Bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt u và chuyển vạt da tại viện 103. Hiện nay tái phát sau khi mổ 6 tháng. Khó thở khi nằm. Tiền sử của người bệnh nghiện rượu, thuốc lá, bị cao huyết áp.
Các bác sĩ đã dùng dao 15 phẫu thuật cắt gọt từng bên mũi, nơi có phần khối mô tăng sinh của mũi sư tử, từng lát da mỏng khoảng 0,5 mm, mô dưới da, tuyến bã tăng sinh được lạng dần dần cho đến khi tái hiện phần khung mũi ban đầu, với các tuyến bã nằm sâu, khung sụn mũi vẫn được giữ nguyên. Trong quá trình phẫu thuật lượng máu mất khoảng dưới 15 ml...
Một trường hợp bị bệnh mũi sư tử (ảnh: Internet)
Theo BS. Trọng Nghĩa, thông thường có nhiều phương pháp để lấy đi phần mô tăng sinh quá mức, trả lại hình dạng ban đầu của mũi, phòng ngừa tái phát; có phương pháp cần dùng đến máy móc đắt tiền như máy laser, máy bào mô, máy đốt cao tần, máy đốt áp lạnh...
Riêng với trường hợp bệnh nhân Ng., ca bệnh này cho thấy với phương diện đơn giản, da phẫu thuật thông dụng khi lấy bỏ mô tăng sinh bằng dao sẽ không gây ra tổn thương da do bỏng, giảm thiểu các yếu tố gây sẹo xấu trên mũi. Trong trường hợp này khi dùng tê co mạch 1/50.000 lượng máu mất ghi nhận dưới 15 ml là không đáng kể. Việc kết hợp phẫu thuật với điều trị nội khoa mang lại kết quả tốt cho bệnh nhân.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!