Cứu sống kịp thời bé gái 2 tháng tuổi bị sốc phản vệ

Cần biết - 11/24/2024

Các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang đã cấp cứu thành công cho bệnh nhi 2 tháng tuổi bị sốc phản vệ nguy kịch.

Bệnh nhi là Đ. T. A. 2 tháng tuổi trú tại xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Theo lời kể của gia đình, trước đó, bệnh nhi được các bác sĩ Bệnh viện đa khoa khu vực Lục Ngạn khám và điều trị bệnh viêm tiểu phế quản bằng thuốc kháng sinh Rocephin .

Trong quá trình điều trị, 5 ngày đầu, bệnh nhi được tiêm thuốc Rocephin không xảy ra vấn đề gì. Đến ngày thứ 6, trước khi xuất viện về nhà bệnh nhi được tiêm mũi Rocephin cuối cùng vào lúc 10h sáng. Sau khi tiêm hết thuốc, bệnh nhi xuất hiện dấu hiệu tím tái toàn thân, khó thở, mạch nhanh và được các bác sĩ phát hiện sốc phản vệ.

Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa khu vực Lục Ngạn đã tiêm Adrenalin theo phác đồ cấp cứu sốc phản vệ nhưng trẻ vẫn không thoát sốc nên bệnh nhân nhanh chóng được chuyển xuống Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang để xử trí.

Cứu sống kịp thời bé gái 2 tháng tuổi bị sốc phản vệ

Mẹ của bé Đ.T.A chăm sóc tại Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc sau khi đã được các Bác sĩ cấp cứu thoát sốc thành công. Ảnh BVCC.

Tại đây, bệnh nhi ở trong tình trạng kích thích vật vã, tím tái toàn thân, chi lạnh, mạch nhanh nhỏ khó bắt, thở oxy, bão hòa oxy động mạch qua da chỉ đạt 85%, nhịp tim nhanh 200 chu kỳ/phút...

Các bác sĩ tiếp tục thực hiện điều trị sốc phản vệ theo phác đồ cấp cứu chống sốc của Bộ Y tế, nhanh chóng cho bé thở máy, đặt Catheter động mạch và theo dõi huyết áp liên tục.

Tuy nhiên, sau 20 tiếng điều trị, bệnh nhi bị tái sốc phản vệ pha 2: da tái toàn thân, huyết áp không ổn định, mạch nhanh nhỏ khó bắt... tình trạng rất nguy kịch.

Ngay lập tức các y, các bác sĩ của bệnh viện đã hội chẩn với các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương và xác định tình trạng bệnh của bệnh nhi rất nặng cần phải tiến hành các thủ thuật tại chỗ và hồi sức tích cực như đặt Catheter tĩnh mạch, thở máy, hồi sức tim phổi...

Sau 3 giờ cấp cứu tích cực, bệnh nhi thoát sốc, da hồng hào trở lại và tiếp tục được theo dõi sát sao tại Phòng Hồi sức tích cực.

Sau 48 giờ kể từ lúc nhập viện, bệnh nhi được cai máy thở, sức khỏe ổn định hơn. Bệnh nhi được theo dõi sát sao cho tới khi xuất viện.

Theo thông tin từ phía gia đình, hiện sức khỏe cháu phục hồi tốt và ăn ngủ ngon, tái khám tim phổi của cháu hoàn toàn bình thường.

Các chuyên gia cảnh báo, phản ứng có hại từ thuốc kháng sinh gây ra dị ứng ở cơ thể người nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Đoàn, nguyên Giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai), trong các nhóm thuốc có khả năng gây dị ứng thì kháng sinh đứng ở vị trí đầu tiên.

Cụ thể, nghiên cứu tại Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân bị dị ứng với kháng sinh chiếm tới gần 78%, tiếp theo là các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs chiếm 5,28%), thuốc điều trị lao (3,78%), thuốc chống động kinh (3,04%), thuốc điều trị bệnh gout (1,5%).

Trong nhóm kháng sinh, nhóm beta-lactam gây dị ứng nhiều nhất (45,91%), sau đó là nhóm aminoglycosid (8,33%), nhóm cyclin (7,23%), nhóm phenicol (3,96%) và macrolid (3,69%).

Theo các bác sĩ, dị ứng thuốc thường gây nên một số biểu hiện lâm sàng như nổi mề đay, ban da lan rộng, bong vảy khô, bong vảy ướt, mụn nước, viêm da tróc vảy,... nặng nhất là sốc phản vệ.

Đáng nói, biểu hiện dị ứng kháng sinh thường xảy ra sau khi tiêm tĩnh mạch, nhưng cũng có thể xảy ra khi dùng dạng uống, bôi ngoài da, nhỏ mắt với các biểu hiện như: choáng váng, nôn nao, khó chịu, da nhợt nhạt, mạch nhanh, huyết áp giảm ngay khi sử dụng kháng sinh. Trong một số trường hợp sốc phản vệ có thể gây ra tử vong ngay nếu không được cấp cứu kịp thời.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!