Đã nối liền 132 trường hợp bàn tay, ngón tay bị đứt rời

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Kết quả được đưa ra báo cáo trong hội nghị khoa học thường niên lần thứ tư của Viện Chấn thương chỉnh hình, diễn ra trong hai ngày 7,8/7 tại Hà Nội.

Thống kê của Viện Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Việt Đức) cho thấy, từ 8/2007 đến 4/2016, các bác sỹ của Viện đã tiến hành nối liền 132 trường hợp bàn tay, ngón tay đã bị đứt rời thông qua kỹ thuật vi phẫu rất thành công.

Nghiên cứu về Kỹ thuật vi phẫu, nối lại bàn tay, ngón tay tại Bệnh viện Việt Đức từ 8/2007 đến 4/2016 của nhóm các bác sỹ: Nguyễn Thị Hương Giang, Đào Văn Giang, Nguyễn Hồng Hà thực hiện.

Nghiên cứu trên được đánh giá dựa trên 132 trường hợp bàn tay, ngón tay đứt rời bằng kỹ thuật vi phẫu với 169 phần chi thể. Đã có 140 bệnh nhân và 169 phần chi thể được nối lại với thời gian theo dõi trung bình 2 năm với tỷ lệ thành công là gần 85%.

Nghiên cứu cho thấy, giới tính bị đứt rời bàn tay, ngón tay chủ yếu là nam giới, chiếm khoảng 87%. Tuổi trung bình là 30 tuổi, tuổi người thấp nhất là 16 tháng tuổi và người cao tuổi nhất là 69 tuổi.

Đặc biệt, có trường hợp bé gái 16 tháng tuổi bị đứt rời 4 ngón tay của bàn tay phải. Để phục hồi chức năng của bàn tay và hạn chế nguy hiểm tới tính mạng của bênh nhân nhi, các bác sỹ đã tiến hành nối mạch phục hồi lưu thông mạch máu thì 1 và nối gân phục hồi chức năng thì 2.

Đã nối liền 132 trường hợp bàn tay, ngón tay bị đứt rời

Các bác sỹ của Viện Chấn thương chỉnh hình hội chẩn về một ca bệnh khó. (Ảnh: TTXVN/Vietam+)

Sau phẫu thuật, kết quả có 51 chi thể có kết quả tốt, chiếm tỷ lệ 40%, trong đó chủ yếu gặp trên bệnh nhân có tập phục hồi chức năng đầy đủ (72%). Còn số bệnh nhân tập phục hồi chức năng không đầy đủ, chủ yếu đạt kết quả khá hoặc kém với 58% khá và 1,6% (2 bệnh nhân/127) kém.

Theo các chuyên gia, ở những bệnh nhân đã tiến hành nối liền bàn tay, ngón tay đã bị đứt rời, khâu tập phục hồi chức năng đầy đủ có ý nghĩa lớn đến chức năng của bàn tay về sau. Có hai trường hợp kết quả kém như trên đều là những trường hợp có chức năng không tốt do bị khớp cứng nhưng tất cả các bệnh nhân đều hài lòng với kết quả phẫu thuật về mặt chức năng và thẩm mỹ. Tất cả các bệnh nhân trên đều trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường, không có trường hợp nào đòi hỏi phải tháo bỏ chi nối.

Đại diện Viện Chấn thương chỉnh hình cho hay, đứt rời ngón tay là tổn thương thường gặp tại Bệnh viện Việt Đức. Nguyên nhân nhiều nhất là do tai nạn lao động (64%), tiếp đó là do tai nạn sinh hoạt, và các nguyên nhân khác.

Các chuyên gia về chấn thương chỉnh hình khuyến cáo, với những bệnh nhân thực hiện các kỹ thuật này thi thời gian thiếu máu và cơ chế tổn thương có ảnh hưởng đến kết quả phẫu thuật.

Do vậy, về công tác y tế cần tổ chức tốt công tác sơ cứu, sơ cứu đặc biệt ở tuyến dưới. Cần phát triển đào tạo đội ngũ phẫu thuật viên, thành lập các trung tâm cấp cứu bàn tay, đồng thời giáo dục cho người dân về an toàn lao động.

Qua 169 trường hợp bàn tay, ngón tay bị đứt rời được nối lại thành công tại Bệnh viện Việt Đức cho thấy, dạng tổn thương hay cơ chế tổn thương, thời gian thiếu máu, tập phục hồi chức năng sau mổ có nhiều ảnh hưởng đến kết quả phẫu thuật.

Theo các bác sỹ, để kết quả được tốt hơn nữa cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa các tuyến y tế, đặc biệt trong công tác bảo quản chi thể, sơ cứu và vận chuyển bệnh nhân./.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!