Ngày 7/2 vừa qua, một diễn đàn Trung Quốc có đông thành viên là chị em phụ nữ xôn xao trước câu chuyện của một bà mẹ sống ở thành phố Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang.
Theo lời kể, con trai chưa đầy tháng của chị mới đây vừa bị chị họ 4 tuổi đánh bầm mắt trong phòng ngủ. Xem lại camera, bà mẹ trẻ càng xót xa hơn, chỉ biết nuốt nước mắt nhìn đứa trẻ bị đánh đến bật khóc dữ dội mà không thể phản kháng.
Thoạt nhìn vào câu chuyện, dư luận sẽ chĩa mũi dùi vào bé gái kia, dù chỉ mới tí tuổi nhưng đã có máu bạo lực. Nhưng khi biết được hoàn cảnh của đứa trẻ, hẳn mọi người sẽ thay đổi suy nghĩ của mình.
Được biết, bé gái từ nhỏ đã sống xa bố mẹ, phải sống nhờ nhà người thân. Thiếu thốn tình cảm của bố mẹ được cho là nguyên nhân chính hình thành nên tính cách bốc đồng của em.
Đó là chưa kể đến khả năng trong trường, em là nạn nhân của nạn bạo hành học đường. Tâm lý ức chế không thể chống trả thôi thúc đứa trẻ trút giận lên người khác.
Chuyên gia Kevin Nugent, giám đốc trung tâm phát triển trẻ em tại bệnh viện Boston, Mỹ, khẳng định sự đồng hành của bố mẹ có tầm ảnh hưởng đến cấu trúc não bộ, từ đó hình thành trí tuệ và nhân cách của con trong tương lai.
Theo đó, các bậc phụ huynh mong muốn tạo ra môi trường tích cực, lành mạnh cho con cái cần phải tuân theo các quy tắc sau:
Luôn đồng hành cùng con
Ở giai đoạn đầu đời, bố mẹ chính là tấm gương và người hỗ trợ đắc lực đối với trẻ.
Phụ huynh hãy đảm bảo dành nhiều thời gian cho con cái của mình, đồng hành cùng chúng trong suốt quá trình học hỏi và tìm hiểu cuộc sống này, bằng những hành động nhỏ nhất như đút con ăn, chơi cùng con, đọc truyện cho con nghe mỗi tối…
Sợi dây gắn kết giữa bố mẹ và con cái nhờ đó mà cũng dần hình thành.
Chung tay xây dựng tính cách cho trẻ
Dưới 3 tuổi, trẻ rất cần sự hướng dẫn và giúp đỡ của bố mẹ nhưng sau độ tuổi ấy, chúng nên bắt đầu tập tính tự lập. Sự bảo bọc và yêu thương thái quá của bố mẹ vô tình tước đi khả năng làm chủ cuộc đời của con, tước đi cơ hội để con được thực hành cũng như khả năng tự chăm sóc bản thân.
Từ đó, mỗi khi đứng trước khó khăn, chúng không và không thể tự mình giải quyết, chỉ biết ỷ lại vào bố mẹ. Đây là tâm lý tiêu cực cần được loại bỏ ngay từ những năm tháng đầu đời của tất cả mọi đứa trẻ.
Trau dồi tư duy của trẻ
Trong những năm đầu, trẻ cần được dạy cách tư duy về mặt cảm xúc. Điều này giúp chúng có thể đặt bản thân vào người khác để cảm nhận chính hành động của mình.
Mỗi khi gây ra sự cố hay đánh người khác, chúng cần ý thức được hậu quả hành động của mình và cảm thấy có lỗi. Dần dần, trẻ sẽ biết cảm thông với mọi người xung quanh và không còn hành xử bốc đồng theo bản năng.
(Nguồn: Sohu)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!