Tết với tôi luôn là một danh từ mang đến sự háo hức đến kì lạ. Có lẽ bởi vì là kẻ say mê hội hè, tôi mê mọi loại Tết, từ Tết cổ truyền với kì nghỉ dài, bánh chưng, đào, quất, sự đoàn viên của gia đình, cho đến Tết hàn thực với bánh trôi, bánh chay, tết Trung thu với bánh nướng, bánh dẻo, đèn lồng.
Và Tết Đoan Ngọ cũng không ngoại lệ. Thậm chí tôi còn đặt cho Tết Đoan Ngọ một cái tên riêng - Tết của mùa hè. Gọi như thế, bởi Tết Đoan Ngọ rơi vào những tháng hè nóng bỏng, phần vì, những món ăn trong ngày Tết này đa phần những đặc sản của mùa hè.
Ảnh: zing
Tôi nhớ hồi còn nhỏ xíu, cứ đến Tết Đoan Ngọ là thế nào mẹ cũng gọi dậy từ thật sớm, giục đi bơi, đi tắm gội cho lặn rôm sảy rồi lại giục ăn vài thìa rượu nếp để "giết sâu bọ". Trẻ con mà, đang ngon giấc bị gọi dậy thì phiền phức lắm, thế nên tôi đã có thời gian chẳng ưa nổi cái Tết này.
Nhưng đó là chuyện xưa thôi. Bởi dù ghét dậy sớm, nhưng tôi lại mê ăn. Mà Tết Đoan Ngọ thì nhiều món ơi là nhiều. Trước tiên phải kể đến rượu nếp, món ăn được xem là linh hồn của dịp "giết sâu bọ". Rượu nếp (cơm rượu) được làm từ xôi nguyên hạt lên men. Người dân thường dùng các loại gạo nếp trắng và nếp cẩm đồ thành xôi, để nguội rồi rắc men, ủ kĩ, khi ăn có vị ngọt, cay rất dễ chịu.
hakhanh.tran
Ảnh: Bảo Hòa
Theo quan niệm của người dân, rượu nếp có thể tiêu diệt ký sinh trùng trong cơ thể. Chẳng rõ rượu nếp có thể giết sâu bọ thật không nhưng cái vị cay, nồng của rượu nếp thì... ngon thật. Ăn rượu nếp, dĩ nhiên chẳng thể ăn lấy thành tích, ăn lấy no mà ta chỉ lấy ra cái chén rất nhỏ, ăn từng thìa nhỏ để cảm nhận được vị ngọt, vị cay của món ăn.
Thêm nữa, vì rượu nếp đã lên men nên nếu ham ăn nhiều, có thể sẽ say. Rượu nếp ăn không, tôi chỉ nhâm nhi được chút đỉnh, nhưng trộn với sữa chua thì đó là câu chuyện khác hẳn. Cái ngọt, cay, nóng của rượu sóng đôi của vị sữa chua dịu tạo nên bản hòa ca mới mẻ, ngon lành hơn nhiều.
Tùy mỗi miền mà rượu nếp lại mỗi khác. Cơm rượu miền Bắc là những hạt rời, cơm rượu của người miền Trung được ép thành từng khối, còn cơm rượu miền Nam được viên tròn. - phuongvy.0201
Nhưng thứ tôi thích nhất trong ngày Tết Đoan Ngọ lại là bánh tro. Được biết, tùy vùng mà bánh tro (bánh gio, bánh tro ú) có thể được ăn kèm với đường hoặc mật mía (cá nhân tôi, thích ăn kèm với mật hơn). Đồng thời, mỗi vùng cũng có một kiểu gói bánh khác nhau, có nơi gói hình thuôn dài, có nơi gói hình chóp tam giác, có nơi gói vuông.
Ảnh: zing
@dohangnga
Những chiếc bánh có màu hổ phách cắt nhỏ chấm với mật mía thoạt đầu khiến tôi hơi ái ngại vì mùi nồng nhẹ của nước tro tàu. Nhưng khi đưa miếng bánh thấm đẫm mật mía vừa ngọt, vừa thơm, thấy miếng bánh mát lịm chui tọt vào bụng mới thấy cái ngon, cái lạ khó có thể kiếm ở món ngon nào khác.
Cũng như bao các nghi lễ, ngày Tết khác, dù bánh trái có chuẩn bị đầy đủ thế nào mà không có trái cây cũng vẫn là không đủ. Trong mâm cúng Tết Đoan Ngọ, không thể thiếu những loại trái cây đặc trưng của mùa hè như mận, vải, xoài, chôm chôm, dưa hấu… Cá nhân tôi, tôi thường nài nỉ mẹ mua thêm vài lạng sấu đầu mùa cho mâm cúng Tết Đoan Ngọ. Nếu vải, chôm chôm ngọt sắc, mận vừa chua vừa ngọt thì sấu đầu mua chua gắt, nhưng cái giòn sần sật của sấu cũng làm Tết Đoan Ngọ của tôi thi vị hơn nhiều.
Mận - thứ quả không thể thiếu trong mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ của các gia đình miền Bắc. Ảnh: Bảo Hòa
Ảnh: Bảo Hòa
Ảnh: Bảo Hòa
Tôi biết ở nhiều vùng khác, các món ăn như thịt vịt, chè cũng rất được ưa chuộng trong ngày Tết Đoan Ngọ. Nhưng dù nhiều món đến đâu nhưng những món như bánh tro, rượu nếp vẫn là những món mang tính chất "quốc hồn quốc túy", nếu thiếu sẽ không có Tết Đoan Ngọ trọn vẹn. Ông cha ta từ xưa luôn tin rằng khi ăn bánh tro, hoa quả và rượu nếp vào mùa hè oi bức, bệnh tật trong người sẽ tiêu tan hết. Chẳng biết quan điểm này có đúng đến đâu nhưng chỉ biết nó đã là một nét văn hóa truyền thống đẹp và đáng được mong chờ đối với tôi và rất nhiều người.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!