Dậy thì sớm, có cần điều trị?

Nuôi dạy con - 04/18/2024

Dậy thì là danh từ chỉ hiện tượng người con trai hoặc con gái đã bước vào thời kỳ có thể hoạt động tình dục và ở nữ có thể mang thai và sinh đẻ.

Dậy thì đúng ra là một thời kỳ kéo dài trong nhiều năm. Tuổi dậy thì ở con gái thường sớm hơn ở con trai.

Tuổi dậy thì

Cổ nhân đã có câu “nữ thập tam, nam thập lục”  ý nói con gái dậy thì ở tuổi 13, con trai ở tuổi 16. Trên thực tế, tuổi dậy thì hiện nay ở con trai là từ 12-17 và của con gái là từ 10-15. Mặc dù thế, ở lứa tuổi này các em vẫn chưa thể coi là đã trưởng thành vì cơ thể các em còn đang phát triển: vẫn tiếp tục lớn lên và nhận thức, ứng xử trong cuộc sống vẫn chưa hoàn thiện.

Bước vào tuổi dậy thì, tại tuyến yên ở đáy não của các em nữ cũng như nam bắt đầu tiết ra các hormon kích thích hoạt động của bộ phận sinh dục; với các em gái đó là hoạt động của buồng trứng để chúng tiết ra các chất nội tiết sinh dục nữ; với các em nam là sự hoạt động của tinh hoàn để sinh ra chất nội tiết sinh dục nam.

Dấu hiệu dậy thì chắc chắn nhất ở các em gái là tình trạng ra máu từ tử cung theo chu kỳ hàng tháng gọi là kinh nguyệt. Ở các em nam dấu hiệu dậy thì được xác định bằng hiện tượng phóng tinh lần đầu tiên (thường trong cơn mê khi ngủ nên gọi là “mộng tinh”).

Nhìn chung tuổi dậy thì của vị thành niên hiện nay sớm hơn trước kia và các em sống ở thành thị thường dậy thì sớm hơn các em ở nông thôn, miền núi.

Dậy thì sớm, có cần điều trị?

Tư vấn về sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên.

Ngoài những dấu hiệu đặc trưng theo từng giới nói trên, bước vào giai đoạn dậy thì ở các em trai cũng như gái có những điểm giống nhau về phát triển cơ thể như lớn phổng lên nhanh chóng, hệ cơ xương dài ra.

Đặc biệt ở em gái, xương chậu to và rộng để phục vụ việc sinh đẻ sau này, lớp mỡ dưới da phát triển dày lên, vú to dần, núm vú lồi lên và mỗi ngày một to (để sau này tiết sữa nuôi con) khiến cơ thể thiếu nữ có những đường cong duyên dáng.

Với các em trai, việc phát triển nhanh của cơ thể tạo nên thân hình vạm vỡ, biểu hiện ở lớp cơ săn chắc, giọng nói ồm ồm, không trong trẻo như trước (do lộ hầu vì thanh quản nở to), hệ thống lông phát triển nhiều và rậm hơn ở nữ...

Và dậy thì sớm ở trẻ em

Dậy thì sớm là những trường hợp các em đã có các biểu hiện dậy thì sớm hơn lứa tuổi thường gặp nêu trên. Cụ thể, dậy thì sớm ở bé gái dưới 8 tuổi và dậy thì sớm ở bé trai dưới 9 tuổi (còn dậy thì muộn là sau 15 tuổi ở các em gái và sau 17 tuổi ở các em trai).

Trên thế giới, năm 1939 tại Pêru (Nam Mỹ), đã có một bé gái dậy thì sớm có thai lúc 4 tuổi 10 tháng và phải mổ đẻ khi 5 tuổi 7 tháng. Cũng tại nước này, năm 2006 lại có một bé gái sinh con lúc 8 tuổi. Thông tin gần đây nhất, tại vùng Đông Bắc, Trung Quốc một bé gái đã phải mổ đẻ với con cân nặng 2,75kg.

Nguyên nhân

Thông thường tuổi dậy thì sớm không rõ nguyên nhân. Trong một số trường hợp đó là do rối loạn nội tiết. Dậy thì sớm thường là do nguyên nhân bất thường nào đó của bộ não.

Những thủ phạm gây dậy thì sớm còn được biết tới nếu bạn mắc phải Hội chứng McCune-Albright (một bệnh lý xương thiếu niên do đột biến gene GNAS) và tật nứt đốt sống tràn dịch não hay rối loạn của tuyến thượng thận; có thể do dùng thuốc có chất nội tiết gây ra. Bên cạnh đó, một số trường hợp dậy thì sớm không xác định được nguyên nhân. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng còn có thủ phạm của béo phì, yếu tố xã hội và ô nhiễm môi trường.

Dậy thì sớm, có cần điều trị?

Rối loạn tuyến thượng thận - một nguyên nhân gây dậy thì sớm.

Các biểu hiện của dậy thì sớm ở trẻ

Ở con gái, ngực bắt đầu phát triển sớm trước 8 tuổi hoặc thấy kinh nguyệt xảy ra trước 10 tuổi, mọc lông mu và nách, lớn phổng rất nhanh. Ở con trai, bắt đầu trước 10 tuổi thay đổi khuôn mặt, mọc lông nách, lông mu, có xu hướng bị mụn trứng cá, dương vật và tinh hoàn lớn nhanh, sản xuất các tinh binh, vỡ giọng, hành vi dễ bị kích động hơn.

Để chẩn đoán được việc dậy thì sớm được thực hiện thông qua một kết hợp test lâm sàng, xét nghiệm máu, mức độ các loại hormon, chụp Xquang xương (nếu cần) để xác định tuổi xương.

Về điều trị, tùy thuộc vào nguyên nhân. Ví dụ: điều chỉnh sự giải phóng hormon ở tuyến yên; tổn thương hạ đồi và các khối u buồng trứng hoặc u nang... sự tác động ngoại sinh sẽ giúp loại bỏ các tác nhân này. Tóm lại mọi trường hợp dậy thì sớm ở các em khi phát hiện đều cần được khám để tìm nguyên nhân điều trị.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!