Người mẹ nào cũng muốn điều tốt đẹp nhất cho con, nhưng không phải ai cũng biết cách nuôi dạy con để con có thể tư duy độc lập, có bản lĩnh và biết ứng xử trong giai đoạn đầu đời quan trọng.
Người mẹ Việt: tất cả vì con, cho con
Tâm lý của nhiều thế hệ làm mẹ ở các nước phương Đông nói chung và các mẹ Việt Nam nói riêng là bao bọc và chăm sóc con cái nhiều nhất có thể trong khả năng của mình, bên cạnh đó, các mẹ thường chú ý tập trung vào việc mang lại thật nhiều kiến thức cho trẻ dù là trong giai đoạn đầu đời. Các mẹ Việt hay hỏi han, chia sẻ với nhau cách ép trẻ ăn khỏe để tăng cân, nơi bán quần áo đẹp, mách nước nhau cho con đi học các lớp đàn, hát, bơi, các lớp viết chữ đẹp, các khóa học tiếng Anh… để con mình được bằng bạn bằng bè.
Tuy nhiên, điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển tính cách, khả năng, tố chất của trẻ, hạn chế trẻ ‘lớn và trưởng thành’ theo cách tự nhiên và tốt nhất cho cuộc sống sau này.
Cần dạy trẻ cách quan sát và tìm hiểu cuộc sống quanh mình một cách trực quan nhất
Người mẹ Mỹ: ‘Tôi muốn con tôi đi bằng đôi chân của cháu’
Có một câu chuyện rất thú vị thế này: Một bà mẹ người Mỹ, chừng 35 tuổi, lững thững đi bộ. Đằng sau cô là một bé con khóc tức tưởi đi theo. Một bà người Việt chứng kiến sự việc, kéo tay cô, nhắc nhở: ‘Bé con đang khóc mẹ đừng lờ đi như thế!’. Bà mẹ trẻ quay sang giải thích cho bà người Việt: ‘Cháu 3 tuổi rồi, hôm nay trời nắng đẹp, không gắt, cháu ăn sáng no nê, tắm sạch, mặc đồ đẹp, không ốm đau gì, vậy không có lý gì phải khóc cả! Cháu nó hờn đòi bế vô cớ… không chiều được! Lúc nào cháu thực sự mệt thì mẹ con sẽ cùng nghỉ’.
Các bà mẹ Mỹ nuôi con với suy nghĩ rất rõ ràng: Con tôi lớn phải thành người tự lập, có bản lĩnh, suy nghĩ độc lập và ứng xử phù hợp. Còn muốn làm gì, trở thành ai, thành cái gì? Đó phải là quyết định của chính trẻ. Theo đó, việc dạy trẻ có nề nếp và tư duy tốt cần thực hiện song song ở nhà và ở trường. Ba mẹ và giáo viên cần có những phương pháp và quy tắc thống nhất.
Bé học cách bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc với người khác một cách rõ ràng, độc lập
Phương pháp dạy con tư duy kiểu Mỹ
+ Lắng nghe và dành thời gian giải thích, hướng dẫn cho trẻ:
Chủ động lắng nghe những gì trẻ nói, bạn sẽ khám phá ra những gì trẻ biết, trẻ nghĩ như thế nào. Đồng ý hoặc không đồng ý với ý kiến của bé nhưng khuyến khích việc đào sâu suy nghĩ, dành thời gian giải thích, hướng dẫn cho bé thay vì nhận xét ngay rằng suy nghĩ đó đúng hay sai.
Trẻ con ở Mỹ khá ngoan và biết cái gì được phép và cái gì không được phép. Thông thường trẻ được quy định khá rõ ràng những gì được làm và những gì không được làm ngay từ đầu, trẻ con tuân thủ khá tốt những quy định này. Có một số việc phát sinh trẻ thường hỏi bố mẹ hay giáo viên trước có được phép không, nếu được đồng ý thì nó làm và nếu không đồng ý thì thôi. Ít thấy trường hợp trẻ con khóc và giận dỗi đòi bố mẹ dai dẳng để bố mẹ phải đồng ý. Tuy nhiên, trẻ con Mỹ lại rất hay hỏi tại sao lại không cho phép con làm điều đó và con cần những lời giải thích hợp lý. Điều này rất tốt và khoa học
+ Đặt câu hỏi để kích thích tư duy của trẻ:
Đưa ra các câu hỏi cho trẻ theo cách hướng dẫn làm cho chúng hiểu rõ ràng và cụ thể để kích thích tư duy của trẻ: ‘Tại sao? Làm thế nào? Ai? Khi nào? Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?’. Luôn đặt những câu hỏi phù hợp với mức độ khả năng của từng lứa tuổi và nâng cao dần theo trình độ phát triển của trẻ. Tư duy tìm câu trả lời đặt ra sẽ phát triển quá trình suy nghĩ sáng tạo của trẻ. Não chúng ta tự động tư duy khi nhận được các câu hỏi. Trẻ em cũng thế, nếu muốn trẻ tư duy nhanh và nhạy bén hãy đặt câu hỏi thật nhiều với chúng. Nếu muốn chúng tư duy logic thì hãy đặt những câu hỏi logic với chúng.
Não chúng ta tự động tư duy khi nhận được các câu hỏi
+ Không làm nản chí trẻ từ việc chúng trả lời sai câu hỏi:
Nếu trẻ đưa ra câu trả lời sai, cần trò chuyện, thăm dò suy nghĩ của trẻ để tìm ra nơi chúng đã hiểu sai vấn đề. Không phủ nhận ngay câu trả lời của trẻ bởi quan trọng là quá trình mà chúng tư duy tìm câu trả lời. Điều này giúp trẻ khám phá và nghĩ về những ý kiến, giải pháp theo chúng là tốt và phù hợp nhất. Đôi khi người lớn cũng cần xem xét lại cách đánh giá câu trả lời của trẻ, chưa hẳn câu trả lời của con đã là sai, đó có thể là sự sáng tạo mới mà chúng ta nên xem xét xem điều mới mẻ này có thể chấp nhận được hay không và vì sao?
Quan trọng là quá trình trẻ tư duy khám phá tìm hiểu và có câu trả lời
Ảnh minh họa: Internet
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!