Tiếng Việt không chỉ là môn học mà còn là ngôn ngữ trẻ giao tiếp hằng ngày. Trẻ yêu thích, học tốt môn học này luôn có sự tự tin, rõ ràng trong việc thể hiện, diễn đạt. Dạy trẻ học không phải là trách nhiệm của riêng nhà trường và giáo viên, nhất là môn Tiếng Việt. Bố mẹ có thể làm những điều vô cùng đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao, giúp trẻ yêu thích môn học ngôn ngữ này.
1. Phát triển vốn từ ngay từ khi học nói
Trẻ có vốn từ phong phú sẽ yêu thích môn Tiếng Việthơn. Nhưng nếu đợi trẻ vào lớp 1 mới dạy từ ngữ thì quá muộn. Mỗi lớp học có 20-30 học sinh và cô giáo không thể đủ thời gian để chú ý tới từng học sinh được. Ngay từ khi trẻ biết nói, bố mẹ nên chỉ cho trẻ biết các đồ vật, giúp trẻ liên tưởng đồ vật đó hình gì, giống cái gì. Tăng vốn từ tượng hình và tượng thanh là vô cùng quan trọng để bé học tốt những giờ văn miêu mả.
Ví dụ, bố mẹ nên hỏi trẻ những câu như: Con thấy cái cốc này giống cái gì? Cái ghế ngoài ngồi ăn cơm thì có thể dùng làm gì khác không? Trẻ con luôn có những ý tưởng rất ngây ngô nhưng đầy sự sáng tạo của lứa tuổi. Hãy kích thích tối đa sự liên tưởng và diễn đạt của trẻ trong mọi trường hợp.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet
2. Khám phá cuộc sống, thế giới xung quanh
Thế giới muôn màu và luôn sống động với trẻ. Trước sự mới lạ, trẻ sẽ luôn thắc mắc đó là gì và nó như thế nào. Bố mẹ hãy giúp trẻ định hình và diễn tả sự vật, hiện tượng. Các hoạt động vui chơi ngoài trời rất tốt cho sự phát triển trí não, tăng cường khả năng ngôn ngữ và khả năng đọc hiểu cũng tốt hơn.
Nhiều bố mẹ nghĩ rằng cho trẻ lên thư viện và đọc sách để tăng vốn từ. Nhưng đó chỉ là một phần. Những từ ngữ trong sách sẽ khó khiến trẻ có thể liên tưởng và thường không nhớ lâu. Hơn nữa, đọc sách nhiều, khi trẻ làm văn sẽ bị phụ thuộc và câu từ của văn mẫu, khả năng tư duy hình ảnh bị bó buộc. Điều đó làm giảm hứng thú của trẻ với môn Văn.
3. Trò chơi ngôn ngữ
Có rất nhiều trò chơi đơn giản về ngôn ngữ có thể tăng vốn từ cho trẻ. Ví dụ, trong bữa ăn, sẽ có một câu đố nho nhỏ cho cả nhà là tìm tất cả món ăn làm từ rau, thịt, cá.. ; Kể tất cả các vật dụng trong nhà có màu xanh, đỏ…; tìm những vật có hình tròn; cái gì giống với cơn mưa… Cả nhà cùng tham gia trò chơi sẽ tạo sự thích thú cho trẻ. Liên tưởng và vốn từ luôn là yếu tố quan trọng nhất để trẻ học tốt và yêu thích môn Văn.
Khi được chuẩn bị một lượng vốn từ nhất định từ nhỏ và từ ở nhà, trẻ sẽ học môn Tiếng Việt tốt hơn. Nhưng để trẻ không thấy bị chán với môn học này đòi hỏi rất nhiều từ kỹ năng truyền cảm hứng của giáo viên.
4. Sinh động, cụ thể hóa giờ học tiếng Việt
Với học sinh tiểu học, môn Toán luôn được yêu thích bởi sự tư duy, đáp án rõ ràng, chính xác, trẻ dễ đạt điểm tối đa. Nhưng với môn tiếng Việt thì ngược lại, trẻ không được chuẩn bị nhiều vốn từ nên các giờ văn miêu tả, chính tả luôn là áp lực. Làm sao để tiết học trở nên sinh động là điều các cô giáo nên làm.
Theo nhiều ý kiến của các giáo viên tiểu học, để trẻ học tốt môn tiếng Việt, các cô luôn phải đầu tư nhiều hơn cho việc chuẩn bị giáo án. Càng lớp nhỏ thì càng phải chuẩn bị nhiều hơn. Tranh, ảnh, hình vẽ, video minh họa sẽ thu hút trẻ vào môn học.
Trên lớp, các cô nên cho trẻ nhìn thấy vật miêu quả trẻ sẽ dễ liên tưởng hơn. Vốn từ của trẻ còn ít nên các sự so sánh, liên tưởng còn thô sơ, ngây ngô, các cô luôn phải kiên nhẫn chỉnh sửa cho từng học sinh. Dần dần trẻ sẽ có tiến bộ hơn. Nhưng nếu không chuẩn bị cho trẻ vốn từ ở ngoài lớp học, cô giáo thể có đủ thời gian để rèn giũa cho tất cả học sinh. Khi đó trẻ sẽ chán dần môn Văn.
5. Hạn chế sử dụng văn mẫu
Tâm lý của nhiều phụ huynh và giáo viên là cho trẻ đọc nhiều văn mẫu để học thêm cách viết và sử dụng từ ngữ. Nhưng để trẻ lạm dụng thì lại phụ thuộc vào bài văn mẫu, không có sự sáng tạo riêng. Thực tế là, có nhiều bài văn của trẻ đều có những so sánh lối mòn, giống nhau. Nếu có sự khác biệt thì nó thường rất hài hước và ngô nghê.
Sử dụng văn mẫu luôn có tác dụng 2 mặt. Nếu ngay từ nhỏ trẻ đã lạm dụng văn mẫu thì đến bậc trung học, phổ thông, học sinh gần như phụ thuộc vào đó để soạn bài, chuẩn bị bài và càng thiếu hứng thú với môn Văn.
Môn Tiếng Việt, Ngữ Văn đang dần ít được quan tâm hơn bởi không mang lại sự hứng thú và nhận thức cần thiết của học sinh. Tâm lý của nhiều phụ huynh muốn con theo học các khối A, B cũng tạo cho trẻ tâm lý và định hướng học lệch. Văn học là nhân học. Văn học mang lại nhiều giá trị về tinh thần và tâm hồn. Hãy để ngôn từ, thơ ca là niềm yêu thích của trẻ ngay từ khi bắt đầu đi học.
>> Xem thêm: 5 bí quyết dạy trẻ học tiếng Anh cực siêu
NT
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!