Nuôi dạy con cái trưởng thành không phải là việc ngày một ngày hai, càng không phải là công việc đơn giản với những công thức có sẵn. Bởi mỗi đứa trẻ có một tính cách, thói quen và sở thích khác nhau.
Đặc biệt là để nuôi dạy những đứa trẻ khỏe mạnh về tinh thần và trang bị cho con đầy đủ hành trang bước vào đời với đầy rẫy những khó khăn, thách thức, đòi hỏi các bậc phụ huynh phải từ bỏ lối giáo dục con cái không lành mạnh, những suy nghĩ áp đặt vốn đang rất phổ biến hiện nay, đồng thời đòi hỏi cha mẹ cũng phải mạnh mẽ về tinh thần.
Nuôi dưỡng tinh thần 'thép' trong mỗi đứa trẻ không phải là công việc dễ dàng, đòi hỏi sự kiên trì và nhạy bén của cha mẹ (Ảnh minh họa).
Là một nhà liệu pháp tâm lí, giảng viên tâm lí học với nhiều bài viết, cuốn sách về tâm lý được hàng triệu người theo dõi trên các tạp chí uy tín như Forbes, Business Insider cùng nhiều website khác, tác giả Amy Morin (Mỹ) đã dành nhiều công sức và thời gian để giảng dạy cho các bậc cha mẹ về sức mạnh của tinh thần, trong đó có việc rèn luyện tinh thần cho trẻ nhỏ.
Trong cuốn sách '13 Things Mentally Strong Parents Don't Do' (Tạm dịch: 13 điều các bậc cha mẹ mạnh mẽ không làm với con) của mình, bà đã liệt kê ra 13 điều mà các ông bố bà mẹ không nên làm với con để giúp trẻ phát triển các 'cơ bắp tinh thần' thật khỏe mạnh, đủ sức đương đầu với các chướng ngại vật trong cuộc sống.
Cha mẹ hãy cùng ghi nhớ 13 điều cần tránh này nếu muốn huấn luyện trí lực cho con trẻ vì một cuộc sống ý nghĩa, hạnh phúc và thành công.
1. Đặt nặng tâm lý thất bại, kém may mắn
Con bị loại khỏi đội bóng của trường, chậm tiếp thu một môn học nào đó hay làm bài kiểm tra chưa tốt, tất cả những điều này không khiến con trở thành một kẻ thua cuộc. Cha mẹ thông thái sẽ động viên con mình cố gắng, biến khó khăn thành sức mạnh để tiếp tục vươn lên, giúp con có phản ứng tích cực trước mọi hoàn cảnh thay vì bị nhấn chìm trong cảm giác thất bại, kém may mắn.
Cha mẹ thông thái sẽ động viên con mình cố gắng, biến khó khăn thành sức mạnh để tiếp tục vươn lên (Ảnh minh họa).
2. Luôn có cảm giác áy náy, có lỗi
Nếu cha mẹ luôn hiện hữu cảm giác áy náy và có lỗi với con thì việc dạy con sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Dù cảm giác ấy chẳng dễ chịu chút nào nhưng cha mẹ thông thái sẽ không chấp nhận để cảm giác ấy cản trở việc đưa ra những lựa chọn hợp lý và khôn ngoan trong việc nuôi dạy đời sống tinh thần cho con cái.
3. Biến con thành 'cái rốn' của vũ trụ
Nhiều cha mẹ tự biến mình thành 'nô lệ' của chính các con khi cuộc sống cứ mải miết xoay quanh đứa trẻ. Trẻ sẽ nghĩ rằng mình sinh ra là để được phục vụ, sẽ lớn lên mà chỉ biết đến mình, chỉ biết hưởng thụ và tự cho mình được quyền làm gì mà trẻ muốn hay thích thế. Thay vào đó, hãy dạy con tập trung vào những điều mà con có thể tạo ra cho thế giới hơn là thứ mà con lấy được hay đang sở hữu.
4. Sợ hãi khi phải đối mặt, đưa ra lựa chọn
Việc giữ con khư khư trong một chiếc 'bong bóng bảo vệ' có thể giúp cha mẹ yên tâm hơn, nhưng bảo vệ con một cách thái quá sẽ gây cản trở tới sự phát triển của trẻ. Cha mẹ thông tháisẽ cho trẻ thấy cách tốt nhất để chinh phục nỗi sợ hãi là đối mặt trực diện với nó.
5. Cho con quá nhiều quyền lực
Để con quyết định gia đình sẽ ăn gì vào bữa tối, hay lên kế hoạch nghỉ ngơi cho cả nhà vào cuối tuần, là cha mẹ đã tự cho con quá nhiều quyền lực, vượt ra khỏi khả năng và trẻ chưa sẵn sàng để xử lý hết. Đơn giản, bố mẹ thông thái chỉ cần cho con quyền được lựa chọn nhưng vẫn phải duy trì tôn ti trật tự trong gia đình.
Cha mẹ hiểu chuyện dạy con tập trung vào những điều mà con có thể tạo ra cho thế giới hơn là thứ mà con lấy được hay đang sở hữu (Ảnh minh họa).
6. Luôn mong đợi sự hoàn hảo
Cha mẹ thông thái hiểu rằng con mình không thể hoàn hảo và làm tốt mọi việc. Thất bại cũng là một điều bình thường và không có gì là xấu xa. Thay vì ép con phải giỏi giang, hoàn hảo hơn tất cả mọi người, cha mẹ hãy giúp con trở nên mạnh mẽ, phát huy những điểm mạnh của bản thân thay vì cố biến thành bản sao của những đứa trẻ khác.
7. Cho con 'đặc quyền' không phải làm gì
Cha mẹ thông thái biết rằng những nhiệm vụ phù hợp với lứa tuổi của con không làm con bị quá tải. Thay vào đó, công việc con đang làm giúp trẻ đạt được sức mạnh tinh thần cần thiết để trở thành công dân có trách nhiệm.
8. Che chở con khỏi nỗi đau
Thật khó khăn khi phải chứng kiến con vật lộn với cảm giác đau đớn hay lo lắng nhưng cha mẹ hãy hướng dẫn và hỗ trợ con cái cách đối phó với nỗi đau để trẻ tự tin hơn, biết tự mình tìm ra cách xử lý những khó khăn không thể tránh khỏi của cuộc sống.
9. Cảm thấy phải chịu trách nhiệm cho cảm xúc của con cái
Cha mẹ thường có tâm lý cố làm cho con vui khi thấy chúng buồn, tìm cách xoa dịu cơn giận khi thấy con bực bội, khó chịu. Trẻ cần trải nghiệm để từ đó học cách tiết chế và tự chịu trách nhiệm với chính cảm xúc, hành vi của bản thân.
Cha mẹ thông thái biết rằng những nhiệm vụ phù hợp với lứa tuổi sẽ giúp con hình thành tinh thần trách nhiệm (Ảnh minh họa).
10. Ngăn con mắc sai lầm
Sai lầm có thể là 'người thầy' tốt nhất trong cuộc sống. Hãy cứ để con được quyền làm sai, để con được đối mặt với hậu quả tất yếu của những sai lầm đó. Có vậy trẻ mới có cơ hội học hỏi, rút kinh nghiệm từ những sai lầm ấy và trở nên khôn ngoan, mạnh mẽ hơn.
11. Nhầm lẫn giữ kỷ luật và trừng phạt
Trừng phạt là việc khiến cho trẻ phải chịu đựng cho những hành vi sai trái. Nhưng kỷ luật là dạy trẻ cách làm thế nào để làm tốt hơn. Khi trẻ được biết hậu quả, trẻ sẽ phát triển được tính kỷ luật, sự tự giác cần thiết để có những lựa chọn tốt hơn trong tương lai và hạn chế thấp nhất sự trừng phạt.
12. Sử dụng 'lối tắt'
Nhượng bộ khi con khóc hờn, làm việc thay con là cách nhanh nhất để tránh sự khó chịu. Nhưng lâu dần, cách làm tắt này lại hình thành những thói quen và lối sống không tốt ở trẻ. Cha mẹ cũng cần kiên trì và đủ tỉnh táo để thoát khỏi sức hút của những việc làm tắt này. Từ đó dạy trẻ rằng con luôn đủ mạnh mẽ và lòng kiên trì ngay cả khi con muốn từ bỏ và đi theo một lối tắt nào đó.
13. Mất phương hướng
Nhiều cha mẹ quá bận rộn mà quên mất điều gì mới thực sự quan trọng trong cuộc sống gia đình. Những ông bố bà mẹ thông thái sẽ hiểu giá trị cốt lỗi và đảm bảo các thành viên trong gia đình, nhất là con trẻ, luôn đi theo đúng hướng và giá trị tinh thần chuẩn mực, tích cực. Từ đó tôi luyện cho trẻ các 'cơ bắp tinh thần' khỏe mạnh.
Nguồn: Mother
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!