Sách và game đều sở hữu những thế giới và câu chuyện tuyệt vời mà trẻ luôn thích khám phá theo những cách khác nhau. Bạn đang lo lắng vì trẻ không có nhiều hứng thú với việc đọc sách? Điều này quả thật là đáng lo, bởi thói quen đọc sách dần được hình thành trong thời thơ ấu và sau 12 tuổi, khi trẻ đủ lớn, sẽ khó mà bắt buộc trẻ đọc sách nữa.
Hãy tìm hiểu nguyên nhân tại sao trẻ thích chơi game và giải pháp để giúp trẻ thích đọc sách:
Tại sao trẻ thích chơi game?
1. Game tạo ảo giác làm chủ cuộc sống: Với những áp lực ngày càng cao từ trường học, gia đình và xã hội, trẻ ngày nay không khỏi có cảm giác mất đi khả năng làm chủ những gì xảy ra xung quanh và trong chính bản thân trẻ. Chỉ khi ngồi trước màn hình vi tính, cuộc sống trong các trò chơi mang lại cảm giác mạnh, ‘rất đã’, khiến trẻ một khi rời màn hình, chỉ thấy cuộc sống xung quanh mình tẻ nhạt, đáng chán.
2. Game mang đến kết quả tức thì: Chỉ trong một thời gian ngắn và với một chút cố gắng, trẻ có thể trở thành một người ‘quan trọng’ hơn, ‘giàu có’ hơn, ‘thành công’ hơn và được nhiều game thủ khác ‘nể sợ’ hơn.
3. Game giúp trẻ ‘thoát ly’ thực tế: Game đặc biệt có sức hấp dẫn với những trẻ có cảm giác lạc lõng trong một tập thể (do thiếu những kỹ năng xã hội cần thiết), thiếu sự quan tâm yêu thương của cha mẹ hặc bị bạn bè trong trường bắt nạt. Trò chơi trong thế giới ảo, mang lại cho trẻ cảm giác là người hùng thật sự, oai phong ‘cho đo ván’ những ‘nhân vật’ khét tiếng khác.
Tác hại của chơi game
1. Béo phì: Trẻ càng bỏ nhiều thời gian bên máy vi tính, nguy cơ béo phì càng tăng bởi trẻ không có thời gian để vận động, tập thể dục, làm những công việc chân tay khác.
2. Các vấn đề về xương, khớp: Chơi trò chơi điện tử một thời gian dài sẽ nảy sinh một số vấn đề về xương, khớp gây đau vai, đau cổ và đau đầu bởi có thể trẻ ngồi lâu trước máy tính và tư thế ngồi của trẻ không đúng, không vận động dẫn đến xương khớp đau nhức, tê cứng...
3. Ảnh hưởng đến mắt: Chơi điện tử quá lâu sẽ gây mỏi mắt do thiếu ánh sáng, mắt phải điều tiết nhiều dẫn đến trẻ có cảm giác nhìn mờ và nhức đầu.
4. Mất thời gian: Trẻ dành nhiều thời gian để chơi game dẫn đến lười vận động, không có thời gian để làm việc khác: học, chơi, đọc sách…
Làm gì khi trẻ thích chơi game?
Dù trẻ ‘nghiện’ game ở cấp độ nào, bạn cũng nên kiên trì giúp trẻ bởi không thể phủ nhận một số lợi ích mà chơi game mang lại cho trẻ em như vui nhộn, rèn luyện kỹ năng đọc hình ảnh, khả năng nhận thức về không gian, kỹ năng phản ứng nhạy bén… nhưng bên cạnh đó bạn cũng nên:
1. Chọn nội dung chơi: Chọn cho trẻ những trò chơi trí tuệ, trò chơi giáo dục thì trong tương lai trẻ cũng sẽ hứng thú với các loại trò chơi này. Không nên cho trẻ chơi những trò chơi đánh nhau đối kháng, bắn súng... những trò chơi này sẽ hình thành nên tính cách bạo lực, vô cảm trong tâm hồn trẻ.
2. Xây dựng nguyên tắc: Hãy cùng con thiết lập nên những nguyên tắc: không được chơi game quá 30 phút/lần/ngày; phải hoàn thành các nhiệm vụ như làm bài tập, rửa bát, quét nhà rồi mới được chơi...
3. Giảm cơ hội tiếp cận máy vi tính và internet: Đảm bảo, máy tính, máy điện tử đều để ở nơi sinh hoạt chung trong nhà; không để ở phòng ngủ của trẻ vì bạn sẽ không kiểm soát được tần suất chơi của con.
4. Khuyến khích trẻ đọc sách: Hãy giúp trẻ có thói quen đọc sách bởi sách mang lại nhiều điều bổ ích cho trẻ: ngôn ngữ, học tập, giao tiếp… Hãy để những cuốn sách thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của trẻ. Bởi lẽ sách thực sự là người bạn, người thầy tốt nhất của trẻ.
Tại sao trẻ nên đọc sách?
1. Một mối quan hệ bền vững với bạn: Cùng nhau đọc một cuốn sách sẽ giúp bạn và trẻ lưu lại những khoảng thời gian ngọt ngào, âu yếm khi còn là những đứa trẻ. Việc này giúp nuôi dưỡng mối quan hệ giữa bạn và trẻ.
2. Học tập xuất sắc: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, những trẻ được tiếp xúc với đọc sách trước khi đi học thường học tốt hơn những trẻ khác. Một đứa trẻ gặp khó khăn với từ ngữ, câu chữ, thì không thể nắm bắt được những khái niệm toán học, khoa học và xã hội.
3. Nắm được những điều căn bản về cách đọc sách: Trẻ không sinh ra với một kiến thức bẩm sinh là đọc từ trái sang phải hoặc hiểu rằng những từ ngữ trong một trang sách tách biệt với hình ảnh. Tạo cho trẻ đọc sách từ nhỏ sẽ tạo cho trẻ nắm được những nguyên tắc cơ bản trên.
4. Khả năng giao tiếp tốt: Trẻ đọc sách từ lúc nhỏ, trẻ có nhiều khả năng thể hiện bản thân và giao tiếp với người khác một cách mạnh dạn bởi khi đọc sách trẻ đã tích lũy được những kỹ năng giao tiếp có giá trị.
5. Nắm bắt ngôn ngữ: Đọc sách giúp trẻ có khả năng nhanh nhạy nắm bắt các nguyên tắc cơ bản của ngôn ngữ để giao tiếp với thế giới bên ngoài.
6. Khả năng tư duy logic tốt: Khi trẻ đọc sách, trẻ có khả năng tiếp nhận các khái niệm trừu tượng, áp dụng logic trong các hoàn cảnh khác nhau, nhận biết được nguyên nhân, kết quả và khả năng phán đoán tốt để khi trẻ kết nối những tình huống trong sách với những gì đang xảy ra trong thế giới. Trẻ sẽ trở nên thích thú hơn với những câu chuyện mà bạn chia sẻ với chúng.
7. Chào đón những trải nghiệm mới: Khi trẻ phải đối mặt với những mốc phát triển chính hay những căng thẳng, cùng bạn chia sẻ một cuốn sách với nội dung tương tự là một cách tuyệt vời để giúp trẻ giảm nhẹ những lo lắng, mệt mỏi, vực dậy thần của trẻ.
8. Rèn luyện tính tập trung và kỷ luật: Đọc sách để nhớ được đòi hỏi trẻ phải có tính tự giác cao, độ tập trung lâu hơn.
Bí quyết giúp trẻ yêu thích đọc sách
1. Quan tâm đến sở thích của trẻ: Hãy chú ý đến thời điểm trẻ quan tâm đến sách, những đề tài trẻ quan tâm, đừng chỉ chọn những quyển sách theo tuổi hay những chú ý ở sau quyển sách.
2. Đặt tủ sách ở nơi trẻ dễ dàng tiếp cận: Hãy để sách ở những nơi gần trẻ nhất, nơi trẻ có thể lấy sách một cách dễ dàng như: phòng trẻ chơi, phòng ngủ của trẻ, hoặc nếu trẻ ngủ chung với bố mẹ thì có thể đặt sách ngay gần chỗ ngủ. Trẻ sẽ nhìn thấy sách hằng ngày và cha mẹ cũng có thể tiện tay đọc sách bất cứ khi nào mình thích.
3. Tương tác với trẻ trong quá trình đọc sách: Khi trẻ ở giai đoạn đã có thể đọc xong một đoạn hay một quyển sách thì bạn hãy thường xuyên trao đổi với con về nội dung mà chúng đã đọc như: ‘Theo con thì nhân vật này có điểm gì tốt?’, ‘Con hãy tóm tắt lại nội dung mà con đã đọc?’… Đây là những câu hỏi giúp trẻ phát huy trí não, phát triển về ngôn ngữ và cách diễn đạt.
4. Dành thời gian đọc sách cùng trẻ: Hãy tận dụng bất kỳ cơ hội nào để đọc sách cùng trẻ, trao đổi với trẻ về những cuốn sách trẻ thích đọc hay đơn giản là đọc cho trẻ nghe một câu chuyện. Ngòai ra, bạn có thể thường xuyên đưa trẻ đến thư viện hoặc tham gia một câu lạc bộ đọc sách…
5. Cha mẹ hãy trở thành tấm gương cho trẻ noi theo: Trẻ coi bạn như một tấm gương và bắt chước làm theo những hình ảnh chúng thấy hàng ngày. Vì vậy, nếu bạn say sưa đọc sách mỗi ngày sẽ khiến trẻ tò mò và tập làm theo bạn.
Đọc sách như thế nào là hiệu quả?
Sách luôn là người bạn đồng hành thân thiết của trẻ, tuy nhiên bạn nên định hướng và chọn cho trẻ những thể loại sách phù hợp. Sách cho trẻ cần phải đảm bảo phù hợp với sở thích của trẻ, vừa giúp trẻ mở mang kiến thức, hiểu biết xã hội và các giá trị đạo đức, nhân văn…
1. Lựa sách phù hợp với con: Trẻ dưới 4 tuổi đã có thể nhận biết những cuốn sách có tranh ảnh đẹp, màu sắc cuốn hút. Hãy dành thời gian cùng trẻ chọn những cuốn sách phù hợp với trẻ, những cuốn sách tạo tư duy cho trẻ, những cuốn sách mà trẻ yêu thích…
2. Đọc sách hiệu quả:
- Khuyến khích trẻ tự kể lại câu chuyện theo ngôn ngữ của chính mình. Nếu trẻ có làm hỏng vài cuốn, đừng rầy la, vì như thế, bạn sẽ làm cho trẻ ngại tiếp cận với sách báo.
- Nếu trẻ hiếu động, không thích hợp ngồi một chỗ, hãy bắt đầu từ cuốn sách trẻ hích, chứ không phải cha mẹ chúng thích.
- Mỗi tối, sau giờ học chính, bạn hãy kiên trì và khéo léo khơi gợi con cách giải trí bằng cách đọc những cuốn sách yêu thích.
Thùy Chi
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!