Đẳng cấp dân chơi
Miếng dán xăm môi tạm thời (Violent Lips) có giá 15 USD cho 3 miếng. Đây là một phát minh mới nhất trong công nghệ làm đẹp cho môi. Nhờ nó, đôi môi bạn sẽ như một chiếc cầu vồng hoặc da báo... Violent Lips có khả năng lưu lại trên môi nhiều giờ, dù bạn đã ăn uống. Đó là những lời rao bán loại miếng dán xăm môi được các bạn trẻ ưa thích trên một số trang mạng.
Thay vì ngồi trang điểm mất thời gian trước gương, các bạn trẻ ngày nay lại thích lựa chọn cho mình loại xăm môi siêu tốc này. Chỉ mất 5 phút đã có một đôi môi xinh đẹp mang phong cách độc và lạ với các hình họa tiết cầu vồng, da báo.
Đặc biệt, các miếng dán môi này giá rất phải chăng, chỉ từ 10 đến 15 nghìn đồng. Trên mạng, ngoài phố, trước cổng trường học đều tràn ngập các sản phẩm làm đẹp không rõ nguồn gốc xuất xứ này.
Những miếng dán xăm môi sặc sỡ thu hút nhiều bạn trẻ (Ảnh: Internet)
Thanh Thảo sinh viên năm thứ nhất, Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, hào hứng: 'Em mua miếng dán xăm môi của một người bán dạo gần cổng trường'. Chỉ mất 15.000 đồng cô đã có miếng dán xăm môi hình ô cờ đỏ đen độc đáo.
Sử dụng rất dễ, chỉ việc bóc lớp nilon phía sau rồi dán phần có khối hình lên môi. Đợi 5 phút bóc tiếp lớp nilông phía ngoài là có một hình xăm theo ý muốn. Chỉ có điều, sau khi bóc miếng xăm một lúc thì Thảo có cảm giác người nôn nao vì mùi mực in trên miếng dán, vùng môi có cảm giác ngứa. Cô vội lấy nước để tẩy. Tuy nhiên cũng phải mất mấy ngày thì vùng môi mới hết ngứa.
Tiếp cận một gian hàng bán miếng dán môi siêu tốc tại chợ Đồng Xuân, chủ gian hàng cho biết: Việc sử dụng rất đơn giản. Khi không muốn nữa, chỉ việc dùng lọ hóa chất tẩy trang có bán kèm sẵn theo miếng xăm, bôi lên vùng môi là tẩy hết được màu. Toàn bộ hàng nhập về không rõ nguồn gốc vì ngoài lớp giấy dán sau băng dính, trên đôi môi dán không hề có bất cứ một dòng chữ nào ghi xuất xứ nơi sản xuất hay thành phần hóa chất.
Nguy hại vì hóa chất lạ
Lạ và đầy ấn tượng nhưng không ít các bạn trẻ đã gặp phải vấn đề về sức khỏe sau khi dùng miếng dán môi siêu tốc này. Ngồi tại ghế chờ của phòng khám tại bệnh viện Da liễu Hà Nội, Hảo, một cô gái ăn chơi nổi tiếng đại học Ngoại ngữ ngượng ngùng khi kể lại 'chiến tích' từ thú xăm môi của mình.
Những ngày đầu tiên sử dụng, Hảo thấy thích thú với miếng xăm hình da báo trên môi nhưng đến ngày thứ 4 thì bỗng nhiên môi ngứa 'kinh khủng'. Cô vội lấy nước tẩy để xóa, nhưng càng xóa thì vùng môi càng mẩn đỏ và ngứa dữ dội. Đi đến đâu, Hảo cũng không dám cởi bỏ khẩu trang bởi vì đôi môi sưng tấy lên như quả chuối. Các bác sĩ ở đây đưa ra kết luận, 'cô bị dị ứng với hóa chất có trong miếng dán xăm môi'.
Viêm môi dị ứng là hậu quả sau khi dùng những miếng xăm môi không rõ nguồn gốc (Ảnh: Internet)
Tại Phòng khám da liễu Bệnh viện Da liễu Hà Nội, theo các bác sĩ ở đây trong thời gian qua, bệnh viện tiếp nhận điều trị cho không ít trường hợp bị dị ứng do dùng các miếng dán xăm mình và miếng dán xăm môi gây ra. Phần lớn người đến điều trị dị ứng là các cô cậu 'choai choai', sinh viên.
Ghi nhận chung ở những trường hợp này là vùng môi sử dụng miếng dán xăm đều sưng tấy đỏ, ngứa. Có trường hợp bị dị ứng nặng thì toàn bộ vùng môi bị tấy đỏ, bong tróc da, lở loét.
Theo lời một bác sĩ tại Khoa Da liễu Bệnh viện Bạch Mai, xung quanh việc sử dụng các miếng dán xăm 'nghi' gây ra các triệu chứng dị ứng ở người sử dụng, chúng tôi được biết: Việc người sử dụng miếng dán xăm môi bị dị ứng nhiều khả năng bị dị ứng do hóa chất có trong mực in của miếng dán. Tuy nhiên, để có kết luận chính xác và tìm ra đúng nguyên nhân gây dị ứng, người sử dụng cần đến khám tại các chuyên khoa da liễu.
Bổ sung thêm ý kiến trên, TS. Nguyễn Hữu Sáu, Bộ môn Da liễu, Trường đại học Y Hà Nội khuyến cáo: Hiện nay có một bộ phận giới trẻ coi việc sở hữu các hình xăm để ra 'oai' là rất nhiều. Vì vậy, các bạn trẻ cần thận trọng bởi việc xăm hình. Dù xăm bằng kim hay miếng dán thì nguy cơ bị dị ứng do hóa chất có trong mực in là như nhau. Điều này sẽ nguy hiểm với người có cơ địa dị ứng hóa chất lạ, đặc biệt môi là vùng có lớp da rất nhạy cảm với hóa chất.
Qua xâm nhập thực tế của phóng viên tại các cửa hiệu xăm hình trên địa bàn thành phố Hà Nội, miếng dán xăm môi có chứa một loại mực đặc biệt có khả năng tạo độ bóng, thậm chí phát quang.
Một thợ xăm có thâm niên trong nghề cho biết: 'Đó là loại mực UV, tự bản thân nó chứa những chất có thể gây dị ứng da, nếu dùng thường xuyên làm tăng nguy cơ gây kích ứng da, làm phồng rộp những phần da nhạy cảm do mực chứa chất hyaluronic axít'. Những hình xăm này bày bán tràn lan tại các chợ đêm sinh viên. Đặc biệt vào thời điểm cuối năm, các dịp liên hoan, sinh nhật, không ít các teen muốn xuất hiện với phong cách nổi 'bần bật' bằng cách tạo cho mình một đôi môi đầy ấn tượng với miếng dán môi siêu tốc.
Điều đáng báo động là giới trẻ hiện nay coi việc dán hình xăm môi như một mốt mới, lập cả những trang web riêng để quảng bá rộng rãi hình ảnh, hướng dẫn tỉ mỉ về cách sử dụng thú chơi nguy hiểm cho sức khỏe này. Không ít trang web có đăng tải các video hướng dẫn cách thức sử dụng miếng dán môi siêu tốc.
Về lý do vẫn sử dụng miếng dán trên khi biết rõ mặt hàng này không rõ nguồn gốc và nguy hại cho sức khỏe, hầu hết các bạn trẻ được hỏi đều trả lời rằng, rất tò mò và muốn sở hữu ngay một đôi môi giống như các ca sĩ nhạc Hàn.
>> Xem thêm: Hỏi – đáp về bệnh dị ứng chung
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!