Dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt nhưng không được chủ quan, lơ là

Thời sự - 11/24/2024

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho rằng, trong 4 ngày qua Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới Covid-19, tuy nhiên chúng ta không được chủ quan, lơ là, chúng ta áp dụng mở dần dần nhưng vẫn phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch. Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị về tiếp tục thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt nhưng không được chủ quan, lơ là

Thường trực Chính phủ họp chiều 20-4-2020. Ảnh: VIẾT CHUNG

Chiều 20-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe Ban Chỉ đạo Quốc gia báo cáo tình hình dịch Covid-19 và các biện pháp phòng chống đã triển khai từ sau cuộc họp ngày 15-4.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, tính đến 12 giờ ngày 20-4, thế giới ghi nhận hơn 2,4 triệu trường hợp mắc tại 212 quốc gia, vùng lãnh thổ, hơn 165.000 trường hợp tử vong, trong đó số tử vong tại cao nhất tại Mỹ với 40.565 trường hợp.

Tại Việt Nam, trong tuần qua chỉ ghi nhận thêm 8 trường hợp mắc mới, trong khi đó có 64 bệnh nhân đã khỏi bệnh. Số mắc mới trong tuần cao nhất được ghi nhận vào ngày 13-4 với 5 trường hợp; 3 ngày sau đó mỗi ngày chỉ ghi nhận thêm 1 trường hợp và liên tiếp 4 ngày từ 17 đến 20-4 không ghi nhận trường hợp mắc mới. 208 trường hợp đã khỏi bệnh (chiếm 78% tổng số bệnh nhân). 3 bệnh nhân diễn biến nặng (số 20, 91, 161) đang được điều trị tích cực và đã có tiến triển trong những ngày gần đây.

Ban Chỉ đạo nhận định, tình hình dịch hiện nay tại Việt Nam đang được kiểm soát tốt và cho thấy hiệu quả của việc thực hiện cách ly xã hội trong những tuần vừa qua.

Tuy nhiên, theo Ban Chỉ đạo Quốc gia, cần tiếp tục giám sát chặt chẽ các ổ dịch mới phát hiện như tại Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội) và rà soát, theo dõi các trường hợp tiếp xúc gần với các ca nhiễm mới gần đây. Bên cạnh đó, do dịch đã lây lan ra cộng đồng nên vẫn tiềm ẩn các nguy cơ lây nhiễm và có thể bùng phát thành ổ dịch bất cứ lúc nào, đòi hỏi các cơ quan y tế, chính quyền địa phương và mỗi người dân cần tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tích cực, nâng cao ý thức phòng bệnh của mỗi cá nhân, không được phép chủ quan, lơ là.

Ban Chỉ đạo quốc gia đã thảo luận về các biện pháp phòng chống dịch trong thời gian tới nhằm đảm bảo từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân, mở rộng sản xuất phát triển nhưng phải đảm bảo an toàn.

Cụ thể, Bộ Y tế rà soát các hướng dẫn đảm bảo an toàn tại các cơ quan, công sở, nhà máy, xí nghiệp, trường học, phương tiện vận tải… hoàn thiện và gửi các Bộ, ngành để hướng dẫn cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ và đặc thù từng lĩnh vực.

Bộ Y tế chịu trách nhiệm hướng dẫn cho các cơ sở khám chữa bệnh (kể cả các phòng khám tư nhân), cơ sở y tế khác về việc sàng lọc các đối tượng có nguy cơ cao để ưu tiên thực hiện xét nghiệm sàng lọc khi đến khám tại các cơ sở y tế. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế, các bộ ngành rà soát, hoàn thiện các hướng dẫn bảo đảm an toàn phòng chống dịch trong lĩnh vực do bộ ngành quản lý.

Đơn cử, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục đảm bảo an toàn cho học sinh tới trường, thực hiện quy định về đeo khẩu trang, giữ khoảng cách trong lớp học.

Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn đảm bảo an toàn trên các phương tiện vận tải hành khách và giao thông công cộng, như giảm khoảng 50% số hành khách, bố trí hành khách ngồi so le giữa các hàng ghế, ứng dụng công nghệ vào việc quản lý, giám sát…

Bộ Công thương hướng dẫn các địa phương về việc đảm bảo an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuẩn bị sẵn sàng các hướng dẫn đảm bảo an toàn cho các cơ sở du lịch, khu vui chơi giải trí, văn hóa, thể thao… khi các cơ sở này được phép hoạt động trở lại.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người lao động tại các cơ sở sản xuất tại các nhà máy, xí nghiệp, hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ, lao động tự do.

Dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt nhưng không được chủ quan, lơ là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp chiều 20-4. Ảnh: VIẾT CHUNG

Về vấn đề xét nghiệm, hiện nay cả nước có 111 phòng xét nghiệm có đủ năng lực xét nghiệm Covid-19 đối với kỹ thuật RT- PCR, trong đó 39 phòng đã được phép xét nghiệm khẳng định Covid-19 (22 các cơ sở y tế tuyến Trung ương và các bệnh viện, 14 trung tâm kiểm soát bệnh tật và 3 đơn vị ngoài ngành y tế). Số mẫu xét nghiệm từ ngày 16 đến 19-4 là 17.900 mẫu tương đương khoảng hơn 4.000 mẫu/ngày và tương đương với các ngày trước đó nhưng không ghi nhận trường hợp mắc.

Tính đến thời điểm ngày 16-4, cả nước có 47 cơ sở sản xuất khẩu trang y tế, năng lực sản xuất tối đa là 25,5 triệu chiếc/ngày trong trường hợp đủ nguyên liệu sản xuất.

Bộ Công thương cho biết, hiện chỉ có 1 doanh nghiệp trong nước sản xuất nguyên liệu vải SMS với năng lực sản xuất 5 tấn/ngày, tương đương với 5 triệu chiếc khẩu trang y tế/ngày nếu không sản xuất bộ trang phục phòng chống dịch.

Hiện nay nhu cầu sử dụng khoảng trên 3,5 triệu chiếc/ngày (gồm 2 triệu chiếc cho các cơ sở y tế, số còn lại cho các đơn vị, lực lượng phòng chống dịch, chưa bao gồm nhu cầu sử dụng của người dân).

Bộ Y tế đã ký hợp đồng mua 46 triệu chiếc (sẽ được bàn giao từng đợt từ nay đến hết tháng 5-2020) và tiếp tục mua 14 triệu chiếc còn lại theo kế hoạch được giao (60 triệu chiếc).

Bộ Y tế sẽ báo cáo Chính phủ xem xét bỏ quy định áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế theo quy định tại Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28-2-2020 của Chính phủ. Cho phép xuất khẩu tối đa 80% số lượng cho các nước bị ảnh hưởng nặng của dịch bệnh và phải cung cấp 20% số lượng còn lại cho nhu cầu trong nước (kể cả dự trữ). Không áp dụng quy định này đối với hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp chế xuất đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và doanh nghiệp gia công khẩu trang y tế cho thương nhân nước ngoài đã ký hợp đồng gia công trước ngày 1-3-2020.

Trong quá trình thực hiện, căn cứ diễn biến của dịch bệnh và nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế trong nước, giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công thương báo cáo Chính phủ cho phép điều chỉnh tỷ lệ cho phép xuất khẩu hoặc áp dụng biện pháp tạm dừng xuất khẩu hoặc chế độ cấp giấy phép xuất khẩu khẩu trang y tế.

Ban Chỉ đạo cũng thống nhất thực hiện nguyên tắc đã đề ra: kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh, tất cả các trường hợp được nhập cảnh phải thực hiện cách ly theo quy định. Tạo điều kiện thuận lợi đưa người nước ngoài về nước.

Bộ Công an tiếp tục rà soát và thực hiện gia hạn visa ngắn hạn cho các trường hợp người nước ngoài đã nhập cảnh vào Việt Nam nhưng chưa thể xuất cảnh vì lý do dịch bệnh.

Về việc chuẩn bị đáp ứng với các tình huống dịch, báo cáo Ban chỉ đạo cho biết, hiện nay đã chuẩn bị 209.000 giường cách ly, có thể huy động thêm khoảng 142.000 giường (tuyến tỉnh và huyện). Chuẩn bị bệnh viện dã chiến, hiện đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị khoảng 38.000 giường, trong đó Bộ Y tế chuẩn bị 4 bệnh viện dã chiến với quy mô 3.600 giường; Bộ Quốc phòng chuẩn bị 7 bệnh viện với quy mô 2.600 giường, các tỉnh, thành phố đã chuẩn bị mỗi địa phương 500 giường (riêng Hà Nội và TPHCM nhiều hơn). Các bệnh viện thuộc Bộ Y tế có thể huy động thêm khoảng 15% trong tổng số khoảng 41.000 giường hiện có (trong trường hợp cần thiết).

Nêu kiến nghị với Thủ tướng, Ban Chỉ đạo cho rằng, trong 4 ngày qua Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới Covid-19, tuy nhiên chúng ta không được chủ quan, lơ là, chúng ta áp dụng mở dần dần nhưng vẫn phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch.

Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị về tiếp tục thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19.

Tiếp tục giao nhiệm vụ cho Tổ 4 người (gồm Thứ trưởng các bộ: Y tế, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Quân đội) phối hợp quyết định cho phép các chuyến bay đơn lẻ đón người về Việt Nam, trên cơ sở diễn biến dịch bệnh trong nước và quốc tế, nhu cầu về nước của công dân Việt Nam, khả năng tổ chức tiếp nhận, cách ly và tổ chức các chuyến bay.

Giao Hãng hàng không quốc gia Việt Nam làm đầu mối tổ chức các chuyến bay đưa người Việt Nam về nước.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!