Đối với ung thư tuyến giáp thể biệt hóa thì tỷ lệ sống sau 5 năm là trên 90 %.Ung thư tuyến giáp có thể điều trị thành công, triệt căn bằng phẫu thuật và điều trị bổ trợ với I-131 kể cả với bệnh nhân ở giai đoạn tiến triển. Vì vậyngười bệnh mắc ung thư tuyến giáp thì tương lai tươi sáng hơn nhiều so với các ung thư khác.
Triệuchứng của ung thư tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp thường không có triệu chứng lâm sàng điển hình, xét nghiệm chức năng của tuyến giáp vẫn trong giới hạn bình thường. Nhân tuyến giáp chủ yếu được phát hiện tình cờ trên siêu âm hoặc khi đi khám những bệnh khác không mấy liên quan đến tuyến giáp.
Đôi khi, bệnh nhân tự phát hiện thấy u vùng cổ khi soi gương, đóng khuy cổ áo hoặc đeo dây truyền. Rất hiếm khi ung thư hoặc nhân tuyến giáp có thể gây triệu chứng. Tuy nhiên cũng một vài trường hợp có biểu hiện đau cổ, hàm hoặc tai.
Nếu nhân tuyến giáp đủ lớn thì nó có thể chèn ép vào thực quản hoặc khí quản gây ra cảm giác nuốt vướng, khó thở. Ít gặp hơn bệnh nhân có thể bị khàn tiếng do u chèn ép vào dây thần kinh chi phối giọng nói.
Nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp
Bệnh ung thư tuyến giáp hay gặp ở những người có tiền sử phơi nhiễm bức xạ liều cao, tiền sử có người ung thư tuyến giáp trong gia đình và trên 40 tuổi.
Tiền căn xạ trị vùng cổ lúc nhỏ vì bệnh lành tính. Hoặc những vùng xảy ra thảm họa hạt nhân như Checnobyl (Nga) và Fukushima (Nhật Bản) làm gia tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp hay gặp sau 12 đến 25 năm sau tiếp xúc. Ngoài ra các đột biến gen p53, đột biến thụ thể TSH cũng có thể gây ra ung thư tuyến giáp.
Chẩn đoán ung thư tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp thường được chẩn đoán sau bằng chọc hút kim nhỏ hoặc phẫu thuật cắt nhân tuyến giáp làm mô bệnh học. Mặc dù nhiều người có nhân tuyến giáp nhưng tỷ lệ những nhân này là ung thư rất thấp.
Phân loại ung thư tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp thể nhú chiếm từ 70-80% trong ung thư tuyến giáp. Thể này tiến triển chậm và thường hay di căn hạch cổ. Mặc dù có di căn hạch nhưng ung thư tuyến giáp thể nhú vẫn có tiên lượng rất tốt.
Ung thư tuyến giáp thể nang. Thể này chiếm từ 10-15% ung thư tuyến giáp. Cũng giống như thể nhú, thể nang có thể di căn hạch cổ nhưng tốc độ tiến triển nhanh hơn và có thể di căn xa vào xương, phổi.
Ung thư tuyến giáp thể tủy. Loại ung thư tuyến giáp này chiếm từ 5-10%, liên quan đến di truyền trong gia đình và các vấn đề nội tiết.
Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa. Đây là thể ác tính nhất của ung thư tuyến giáp đồng thời đáp ứng kém với điều trị, chỉ chiếm tỷ lệ dưới 2%.
Điều trị ung thư tuyến giáp
Phẫu thuật
Thông thường cắt toàn bộ tuyến giáp và vét hạch cổ chọn lọc là phương pháp đầu tay trong điều trị ung thư tuyến giáp. Ung thư tuyến giáp giai đoạn sớm có thể chỉ cần phẫu thuật. Đối với những trường hợp có di căn hạch cổ, bác sĩ có thể chỉ định thêm điều trị bộ trợ bằng I-131 sau phẫu thuật. Bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt giáp toàn bộ cần phải uống thuốc hormone tuyến giáp cho đến hết đời.
Điều trị I-131
Tế bào tuyến giáp có khả năng hấp thu i-ốt rất tốt. Do vậy, I-131 có thể được sử dụng hiệu quả để phá hủy những mô giáp còn lại (lành tính và ung thư) sau khi phẫu thuật. I-131 sau khi hấp thu vào sẽ phá hủy ADN và làm chết tế bào tuyến giáp.
Cáctế bào của các cơ quan khác trong cơ thể do không có đặc tính bắt giữ I-131 nên sẽ ít chịu tác động của dược chất phóng xạ này. Một số bệnh nhân có thể bị sưng đau vùng cổ, viêm tuyến nước bọt. Tuy nhiên tác dụng phụ này dễ khắc phục bằng cách uống nước và nhai kẹo cao su. Nếu sử dụng I-131 liều cao thì cũng có nguy cơ dẫn đến ung thư khác nhưng tỷ lệ này là rất thấp.
Trước khi điều trị I-131 bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân ngừng hormone tuyến giáp từ 4-6 tuần, và hướng dẫn chế độ ăn hạn chế i-ốt để tăng khả năng hấp thu I-131 nhằm đạt hiệu quả điều trị tối đa. Khi chỉ số TSH đạt tới mức cần thiết, bệnh nhân được uống I-131 liều nhỏ và chụp xạ hình chẩn đoán với I-131. Xét nghiệm này giúp bác sĩ có thể ước lượng được phần mô giáp cần phá hủy là bao nhiêu cũng như đánh giá tổn thương di căn xa ở phổi và các vị trí khác. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra liều điều trị thích hợp.
Điều trị UTTG tiến triển
Ung thư tuyến giáp thường ít khi di căn xa nhưng khi đã có di căn xa thì vấn đề cũng cần xem xét cẩn trọng. Mặc dù phẫu thuật và điều trị I-131 là hai phương pháp chính nhưng những phương pháp này cũng có khi không hiệu quả.
Trong tình huống này, xạ trị ngoài là phương pháp có thể áp dụng để điều trị di căn xương và các di căn khác. Điều trị xạ trị có thể làm giảm tốc độ phát triển và sự lan tràn của tế bào ác tính. Ngoài ra, điều trị đích cũng là một phương pháp mới đang được nghiên cứu và bước đầu ứng dụng cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp giai đoạn tiến triển.
Theo dõi bệnh nhân ung thư tuyến giáp
Theo dõi định kỳ là cần thiết đối với tất cả các bệnh nhân ung thư tuyến giáp bởi vì bệnh có thể tái phát sau điều trị. Các xét nghiệm chính cần làm trong quá trình theo dõi bệnh là siêu âm vùng cổ và xét nghiệm máu.
Bên cạnh đó bệnh nhân phải dùng thuốc hormone tuyến giáp (levothyroxine) từ sau khi mổ cắt tuyến giáp đến hết đời. Nồng độ TSH là chỉ số nhạy nhất để theo dõi liều Levothyroxine có thích hợp không khi dùng cho mỗi bệnh nhân.
Ngoài ra, chỉ số Tg (thyroglobulin) cũng là dấu ấn ung thư quan trọng trong quá trình theo dõi. Tg (thyroglobin) là protein được sản xuất bởi hầu hết các loại tế bào ung thư tuyến giáp và mô giáp bình thường.
Do vậy sau khi đã được phẫu thuật cắt giáp toàn bộ và điều trị hủy mô giáp bằng I-131, chỉ số Tg được dùng để theo dõi bệnh. Nếu chỉ số này cao trong huyết thanh thì có thể nghi ngờ do bệnh tái phát và kết hợp thêm với một số xét nghiệm chẩn đoán khác.
Đối với những bệnh nhân có nguy cơ tái phát cao, chụp xạ hình toàn thân chẩn đoán với I-131 sau khi ngừng thuốc hormone cũng có thể được áp dụng để bổ trợ cùng với xét nghiệm Tg và siêu âm cổ.
Tiên lượng ung thư tuyến giáp
Hầu hết ung thư tuyến giáp thể nhú và nang tiên lượng tốt. Ung thư tuyến giáp thể nhú tỷ lệ sống sau 5 năm là 95% và sau 10 năm là 90%. Ung thư tuyến giáp thể nang tỷ lệ sống sau 5 năm là 90% và sau 10 năm là 70%. Ung thư dạng tủy tỷ lệ sống sau 5 năm và 10 năm lần lượt là 90% và 86%. Riêng đối với ung thư thể không biệt hóa thường gặp ở giai đoạn IV, ít có cơ hội phẫu thuật triệt căn, tỷ lệ sống còn trung bình dưới 1 năm. Các yếu tố nguy cơ bệnh tái phát là lớn tuổi, bướu to, bướu xâm lấn ra khỏi bao tuyến và phẫu thuật lần đầu không triệt để.
BS. Đặng Duy Cường (Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!