Bệnh nhân ung thư cần điều trị tâm lý trước khi điều trị bệnh, vì thế các bác sĩ rất cần ổn định tâm lý cho người bệnh.
Nghe bác sĩ thông báo bị ung thư, bệnh nhân nào cũng thấy choáng váng, song còn khủng khiếp hơn khi bác sĩ lạnh lùng nói bệnh đã ở giai đoạn muộn, hết cách chữa về nhà chờ chết…
Ảnh minh họa - Internet
Một lần vào thăm người quen đang nằm điều trị tại Bệnh viện K, tôi đã rất bất ngờ khi nghe được những câu chuyện đau lòng. Anh M.N (38 tuổi, Hải Dương) bị ung thư gan giai đoạn cuối vào viện khám, làm đủ các loại xét nghiệm, chiếu chụp.
Sau khi xem xét tất các kết quả xét nghiệm, phim chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ nói thẳng vào mặt bệnh nhân: Bị ung thư gan giai đoạn cuối rồi, không phẫu thuật được, xạ trị, hóa trị cũng không có tác dụng. Về đi không phải nhập viện nữa. Về thích ăn, thích chơi gì thì làm hết đi, nhớ đi lại nhẹ nhàng không u vỡ ra thì chết ngay...
Quá sốc với lời ‘phán’ của bác sĩ, anh M.N suy sụp tinh thần ngay những ngày sau đó. Từ một thanh niên cao to với cân nặng hơn 70kg, chỉ vài tuần sau anh M.N đã sụt còn 40kg. Không thiết ăn chứ nói gì đến chơi, mọi suy nghĩ đều dành cho việc chờ đón cái chết khi nào đến. Không thể chấp nhận mọi thứ đang sụp đổ ngay trước mắt, anh M.N đã lén uống thuốc ngủ tự vẫn.
Chị B.L (40 tuổi - Hà Nội) bị ung thư cổ tử cung cũng đối diện với cú sốc khủng khiếp khi bác sĩ lạnh lùng tuyên bố: Bị ung thư giai đoạn cuối rồi, đã di căn vào xương thì khó đấy. Nếu có chữa trị thì cũng không lạc quan lắm… Vị bác sĩ còn bồi thêm: Sống giữa Hà Nội mà để bệnh đến giai đoạn muộn mới biết, chết vì chủ quan thôi…
Vì con còn nhỏ phải cần có mẹ, nên chị B.L sau những ngày khủng hoảng đã quyết định tận dụng các phương pháp chữa bệnh hiện đại nhất, lấy lại tinh thần lạc quan để vui sống dù chỉ là vài tháng đến 1 năm. Được người thân động viên, bạn bè chia sẻ, giúp đỡ và như có phép màu, bệnh tình của chị đã giảm dần…
‘Khi bác sĩ nói với tôi những lời đó tôi chỉ muốn chết ngay lập tức. Giá như bác sĩ dành cho bệnh nhân những lời động viên hay thậm chí là chỉ nói một nửa sự thật để bệnh nhân cảm thấy còn hy vọng để chiến đấu với bệnh tật. Vậy mà bác sĩ với bộ mặt vô cảm họ nói bệnh nhân sắp chết như thể con chó, con mèo sắp chết ấy…
Một người bạn của tôi khi biết bị bệnh ung thư đã suy sụp và mất 1 tháng sau đó. Tôi nghĩ, một lời chia sẻ, an ủi của bác sĩ với bệnh nhân còn hơn cả một liều thuốc…’, chị B.L nói.
Một chuyên gia tâm lý từng nói, lời động viên của bác sĩ giống như năng lượng tình thương giúp nâng đỡ về tinh thần để bệnh nhân quên đi nỗi đau đớn bệnh tật, thể xác tiếp tục vui sống.
Ảnh minh họa - Internet
PGS.TS Mai Trọng Khoa, giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai từng tâm sự, với bệnh nhân ung thư họ không chỉ cần những toa thuốc, những chỉ định chuyên khoa khô khan mà họ còn cần nhiều hơn sự quan tâm, chia sẻ của người thầy thuốc. Tôi luôn nói với các bác sĩ rằng, bệnh nhân ung thư cần điều trị tâm lý trước khi điều trị bệnh, vì thế các bác sĩ rất cần ổn định tâm lý cho người bệnh.
Một bệnh nhân khi biết mình bị ung thư cũng đồng nghĩa đã mang ‘án tử hình’ vì vậy theo lẽ tự nhiên họ đều sốc và tất cả đều trở thành tận thế. Có đủ thứ họ phải lo lắng về cuộc phẫu thuật, về những tác dụng phụ của hóa trị, xạ trị, về chuyện tái phát rồi đến việc cần có một khoản tiền lớn để chi trả cho những đợt trị liệu kéo dài, nhiều thuốc đắt tiền… Trước những vấn đề đó, người bệnh rơi vào trạng thái hoang mang lớn và đó là lý do khiến một số trường hợp tự vẫn…
Chính vì vậy, bệnh nhân ung thư cần sự động viên của người thầy thuốc hơn bao giờ hết và với họ đó là liều thuốc tinh thần hiệu nghiệm nhất.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!