Gãy xương, trường hợp nào cần phẫu thuật?

Cần biết - 05/09/2024

Các trường hợp gãy xương phức tạp, khó nắn chỉnh, ổ gãy nhiều mảnh xương vụn cần phẫu thuật.

Tôi bị tai nạn gãy xương cẳng chân phải vào viện, bác sĩ đã mổ, bó bột sau đó cho về nhà điều trị ngoại trú.

Tuy nhiên, tôi thấy có nhiều trường hợp gãy xương chỉ cần bó bột sau một thời gian xương tự liền. Vậy xin hỏi xương gãy khi nào cần phải phẫu thuật?

Nguyễn Văn Hội (Hưng Yên)

Xương gãy trải qua quá trình liền xương gồm có 3 giai đoạn: viêm, sửa chữa và tái tạo.

Khi xương bị gãy, phần mềm quanh ổ gãy bị tổn thương, dập rách, do đó hình thành khối máu tụ bao quanh các đầu xương, trong ống tủy xương, trong màng xương, tạo ra các tổ chức hoại tử ở vùng này.

Phản ứng viêm cấp tính xuất hiện với các triệu chứng phù nề cấp tính ở ổ gãy - đó là sưng nóng, đỏ đau. Khi viêm cấp tính giảm đi thì sẽ chuyển sang giai đoạn sửa chữa.

Ở giai đoạn này, khối máu tụ được tổ chức hóa, lúc đầu là hình thành mạng lưới sợi fibrin, các tế bào tạo ra collagen, sụn, xương. Bên cạnh sự xây đắp do các tạo cốt bào là chính còn thấy sự phá hủy xương do các hủy cốt bào.

Quá trình xây và phá song song cho đến khi ổ gãy trở lại tình trạng sinh lý ban đầu. Cuối cùng là giai đoạn tái tạo kéo dài nhiều năm, tùy theo đặc điểm đường gãy xương.

Các trường hợp gãy xương đơn giản cần nắn chỉnh tránh di lệch xương và cố định, bất động ổ gãy kể cả hai khớp trên, dưới ổ gãy. Nếu cố định bằng bột, thời gian kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến các khớp, hai đầu xương gãy không được cố định tốt sẽ kéo dài thời gian liền xương.

Các trường hợp gãy xương phức tạp, khó nắn chỉnh, ổ gãy nhiều mảnh xương vụn cần phẫu thuật.

Phẫu thuật kết xương kim loại, ổ gãy được bất động tuyệt đối hai đầu xương gắn chặt vào nhau, người bệnh có thể vận động sớm hơn, không bị cứng khớp, thời gian liền xương nhanh hơn. Tuy nhiên, sau 1,5 - 2 năm, cần được mổ để tháo dụng cụ kết xương.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!