Hầu hết số ca dị ứng là do thuốc kháng sinh

Cần biết - 11/24/2024

Thống kê của Tổ chức y tế Thế giới ở 17 nước cho thấy dị ứng với kháng sinh là nhiều nhất.

Những tác dụng phụ không mong muốn của thuốc gây cho người sử dụng có thể từ nhẹ đến nặng và thậm chí có thể tử vong. Các tác dụng phụ của thuốc có khi xuất hiện rất sớm, tức thì, ngay và sau khi uống hoặc tiêm, có khi xảy ra muộn hơn tuỳ theo loại đáp ứng miễn dịch - dị ứng của cơ địa người dùng thuốc.

Thể nhẹ thường gặp nhất, biểu hiện ngoài da như nổi ban đỏ, nổi mày đay khu vực, mẩn ngứa, ngứa gan bàn tay, bàn chân, buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, có thể có phù Quink ở mặt, đau đầu choáng váng nhẹ. Thường những biểu hiện này có thể sẽ giảm dần sau khi ngừng dùng thuốc.

Khi bị dị ứng thuốc nặng sẽ có các triệu chứng như nổi mày đay toàn thân, hồng ban da dạng eczema, ngứa, phù Quink ở mặt, môi có khi ở thanh quản làm nghẹt thở, khó thở do co thắt phế quản, người tím tái, hốt hoảng, vật vã...

Một trong những biến chứng nặng nhất của bệnh do thuốc là sốc phản vệ. Những thuốc có thể dễ gây nên sốc phản vệ nhất là penicillin, ampicilin, streptomycin, quinolon, vaccine, huyết thanh, một số vitamin tiêm tĩnh mạch...

Hầu hết số ca dị ứng là do thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh không đơn thuần chỉ chữa bệnh (Ảnh: Internet)

Sốc phản vệ thường xảy ra sau khi tiêm tĩnh mạch, nhưng cũng có thể xảy ra khi dùng theo đường uống, nhỏ mắt, bôi ngoài da với các biểu hiện thấy choáng váng, nôn nao, khó chịu, da nhợt nhạt, mạch nhanh, huyết áp giảm ngay khi tiêm hoặc sau khi tiêm.

Ở thể nặng, tử vong xảy ra  ngay nếu không được cấp cứu kịp thời. Trên lâm sàng dễ gặp sốc phản vệ tức thì ngay sau khi tiêm kháng sinh, kể cả đã làm test trong da.

Rất nhiều loại thuốc có thể gây dị ứng nhưng thuốc kháng sinh đứng đầu về dị ứng thuốc. Thống kê của Tổ chức y tế Thế giới ở 17 nước cho thấy dị ứng với kháng sinh là nhiều nhất.

Tại Trung tâm theo dõi phản ứng có hại (ADR) do thuốc ở nước ta cũng cho thấy, nhiều nhất là dị ứng ampicillin tới 39,1%, penicillin là 21%, các thuốc lao 15,1%, cephalosporin các thế hệ và quinolon 6,3%, tetracylin 6,3%, lincomycin 4,2%. Ngoài ra các thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm như indomethacin, analgin, paracetamol, vitamin  (B1,B12, C…) loại tiêm, thuốc trị gút colchicin... cũng dễ gây dị ứng.

Đối với người đã bị dị ứng với thuốc cần lưu ý, không được dùng lại thuốc mà mình đã bị dị ứng trong những lần điều trị sau. Đã bị dị ứng nếu sử dụng lại thì các tác dụng phụ của thuốc sẽ xảy ra nặng và nguy hiểm hơn rất nhiều so với trước.

Các bác sĩ khuyên rằng, trong quá trình dùng thuốc nếu có bất cứ biểu hiện khác thường nào cần thông báo cho bác sĩ điều trị biết để có hướng xử trí kịp thời, tránh những tai biến đáng tiếc do thuốc gây ra.

>> Xem thêm: Hỏi - đáp về bệnh dị ứng thuốc

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!