Những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nhi khoa trên toàn thế giới nhận định 1.000 ngày đầu đời là 'thời kỳ vàng' cho sự phát triển của trẻ. Nếu được theo dõi và chăm sóc phù hợp về sức khỏe và dinh dưỡng, trẻ em không những phát triển tối đa trong giai đoạn hiện tại, mà còn tác động lâu dài đến sức khỏe và phát triển của trẻ lúc trưởng thành, trong đó việc khám sức khỏe định kỳ có ý nghĩa quan trọng góp phần nâng cao sức khỏe cho trẻ.
Thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ cho trẻ
Việc khám sức khỏe định kỳ cho trẻ tưởng chừng như rất đơn giản, nhưng nếu không chú ý sẽ rất dễ bị bỏ qua. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ trong những năm đầu đời. Nhất là những trẻ có sức đề kháng yếu kém (trẻ bị bệnh thường xuyên) hoặc trẻ có sự tăng trưởng chậm (trẻ nuôi hoài không lớn) thì việc khám sức khỏe định kỳ được xem như một biện pháp tích cực giúp cải thiện sức khỏe và sự tăng trưởng của trẻ trong tương lai.
Các cơ sở y tế có thực hiện việc khám sức khỏe cho trẻ:
- Trạm y tế tuyến phường/xã: Thực hiện việc khám và theo dõi sức khỏe định kỳ cho trẻ thông qua chương trình sức khỏe trẻ em của Bộ Y tế, thường thì nơi đây có lồng ghép việc tiêm chủng cho trẻ trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia (chương trình EPI).
- Phòng khám nhi bệnh viện tuyến quận/huyện hoặc bệnh viện đa khoa khu vực: Khám sức khỏe định kỳ cho trẻ tại phòng khám nhi, kết hợp việc tiêm chủng cho trẻ theo yêu cầu.
- Phòng khám nhi bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh: Khám và điều trị các bệnh lý nhi khoa và thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho trẻ nếu phụ huynh có nhu cầu.
- Bệnh viện đa khoa tư nhân có khám nhi: Khám sức khỏe cho trẻ theo hình thức khám dịch vụ tại bệnh viện.
- Bệnh viện chuyên nhi hoặc bệnh viện sản-nhi: Thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho trẻ tại phòng khám trẻ em lành mạnh.
Tiến trình khám sức khỏe định kỳ cho trẻ:
Mỗi lần khám sức khỏe tổng quát, các bác sĩ sẽ thăm khám và kiểm tra các vấn đề sau:
- Khai thác tiền sử sức khỏe của trẻ.
- Đo chiều cao, kiểm tra cân nặng, vòng đầu để đánh giá sự tăng trưởng của trẻ.
- Khám thị lực và thính giác của trẻ.
- Khám sức khỏe răng miệng.
- Kiểm tra các vấn đề về da và khám ngoại khoa.
- Kiểm tra và tư vấn sự phát triển về thể lực và tâm thần vận động của trẻ.
- Kiểm tra lịch tiêm chủng và xem xét trẻ có cần chủng ngừa thêm vắc-xin nào không và thông báo lịch chủng ngừa cho cha mẹ.
- Trò chuyện với cha mẹ về sự tăng trưởng của trẻ.
- Hướng dẫn cách theo dõi và chăm sóc sức khỏe cho trẻ tại gia đình như chế độ dinh dưỡng, chăm sóc răng miệng, phòng tránh tai nạn, thương tích cho trẻ…
- Ngoài gói khám sức khỏe tổng quát, các bệnh viện nhi đồng, bệnh viện sản-nhi, phòng khám nhi bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh còn có gói khám sức khỏe chuyên sâu (kiểm tra mạch, huyết áp, chỉ số thân khối-BMI, siêu âm bụng, siêu âm tim, xét nghiệm huyết học, sinh hóa, vi trùng học…), khám tâm lý cho trẻ em để cha mẹ có thể lựa chọn.
Tầm quan trọng của việc khám sức khỏe định kỳ cho trẻ
Qua đợt khám sức khỏe định kỳ, trẻ sẽ được đánh giá tổng quát về thể lực cũng như sự tăng trưởng của cơ thể như kiểm tra về chiều cao, cân nặng, thị lực, thính giác, tâm thần, vận động, thăm khám các bệnh về tiêu hóa, hô hấp, về máu để trẻ có thể phát triển một cách toàn diện.
Qua thăm khám, bác sĩ sẽ phát hiện sớm và điều trị kịp thời các vấn đề sức khỏe của trẻ. Một số bệnh nếu phát hiện muộn có thể để lại những di chứng nặng nề, khiến trẻ phải gắn bó suốt đời với bệnh viện. Với trẻ nhỏ trong năm đầu đời việc khám sức khỏe định kỳ nên được thực hiện hàng tháng, với trẻ lớn việc khám sức khỏe sẽ được thực hiện mỗi 6 tháng.
Ảnh minh họa: Internet
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!