Khi chồng học cao dùng những từ văn hóa thấp

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Lại một lần nữa, tôi chết điếng với lời chửi bới nặng nề của chồng 'học cao' của mình.

Người ta vẫn nói làm con gái hơn nhau ở tấm chồng. Tôi được người thân, bạn bè cho là may mắn khi lấy được anh làm chồng và có được 1 gia đình chồng hoàn hảo  và 'có học' trong mắt thiên hạ. Bố mẹ chồng tôi đều làm ông to bà lớn. Chị gái chồng học hành đỗ đạt đang làm việc tại Pháp. Còn chồng tôi đang ngày đêm miệt mài hoàn thành luận án tiến sĩ trong năm tới.

Ngược với hoàn cảnh gia đình chồng, gia đình tôi rất bình thường, bố mẹ làm công nhân. Tôi chỉ học xong đại học còn em gái đang học cấp 3. Hai gia đình không môn đăng hộ đối nhưng cả 2 chúng tôi đã vượt qua tất cả để đến với nhau.

Làm dâu nhà chồng 'có học' cũng không phải sướng gì, mà làm vợ người giỏi cũng có vô vàn những nỗi khổ riêng. Cho dù là 1 sinh viên xuất sắc của trường, tốt nghiệp đại học với bằng loại giỏi, nhưng với gia đình chồng tôi, tôi vẫn chỉ là người ít học. Chính vì điều đó khiến cuộc sống của tôi mệt mỏi hơn tôi tưởng.

Khi chồng học cao dùng những từ văn hóa thấp

Tôi được người thân, bạn bè cho là may mắn khi lấy được anh làm chồng (Ảnh minh họa: Internet)

Vừa cưới được ngày hôm trước, hôm sau tôi đã phải học 1 khóa huấn luyện ngắn ngày để học cách sống của những người học rộng tài cao. Điều này khiến lòng tự trọng của tôi bị tổn thương. Tôi còn nhớ như in những lời mẹ chồng dạy con dâu mới: 'Về nhà này làm dâu là một diễm phúc lớn. Vậy con phải biết thích nghi và học cách sống của những người có học thức. Làm sao phải nhã nhặn, lịch sự và thể hiện mình là người có văn hóa'. Phận làm dâu mới như tôi chỉ biết vâng lời chứ không biết phải làm sao.

Bố mẹ chồng tôi thường tự cao tự đại về gia thế nhà chồng như vậy, tưởng rằng chồng sẽ tâm lý hơn, gần gũi hơn để tôi sớm thích nghi với cuộc sống mới. Đằng này anh cũng chẳng hơn gì bố mẹ. Trong mắt cả nhà anh, tôi luôn là đứa kém hiểu biết, học ít, nên tuyệt nhiên chỉ có quyền nghe chứ không được quyền ý kiến. Hay nói đúng hơn là lời nói của tôi không có trọng lượng cho dù là đúng mười mươi.

Khi tôi bầu bí, sinh con cũng phải chịu bao ấm ức vì cái tội 'ngu'. Tôi dị ứng tôm nên không thể ăn với mọi hình thức, vậy mà đi khám thai về bác sĩ kết luận tôi bị thiếu canxi, cần bổ sung các loại thức ăn giàu canxi như tôm cua... Tôi có nói thế nào thì nói anh vẫn ép tôi phải ăn cho bằng được.

Tôi biết mình không thể ăn tôm nên đã cãi lại thì bị bảo: 'Đã ngu người ta nói lại không nghe, ấu trĩ quá! Đúng là ngu cũng phải có nòi!'. Tôi chết điếng trước lời sỉ nhục của chồng. Thà rằng anh chỉ buông lời đó với tôi, đằng này còn dám động chạm xúc phạm tới người nhà tôi nữa. Tôi ức chế phát khóc với cái kiểu coi thường của chồng.

Rồi sinh con ra, tôi hoàn toàn không được chăm con theo ý mình. Vì ông bà nội và bố cháu đều có trình độ hiểu biết nên tôi chỉ biết nghe. Nhiều lúc tôi cứ có giác mình là phận đẻ thuê, không có quyền hạn gì ngay cả với con mình dứt ruột đẻ ra.

Khi chồng học cao dùng những từ văn hóa thấp

Lại một lần nữa, tôi chết điếng với lời sỉ nhục nặng nề của chồng 'học cao' của mình (Ảnh minh họa: Internet)

Hôm trước, tôi muốn con 6 tháng tuổi thì bắt đầu ăn dặm. Nhưng mẹ chồng tôi cứ khăng khăng phải 9 tháng tuổi mới cho cháu ăn. Tôi cãi lại mẹ và cứ tập cho con ăn thì mẹ chồng và chồng lại xông vào chửi tôi là ngu. Nhất là chồng tôi, anh lao vào giằng chiếc bát ăn bột ăn dặm của con và nói lớn: 'Ngu thì ngu vừa thôi chứ. Ngu hết cả phần thiên hạ là sao? Bằng đại học làm sao bằng bằng thạc sĩ, tiến sĩ là ở đấy. Biết thế này, tôi lấy phắt cô vợ thạc sĩ, tiến sĩ cho rồi'.

Lại một lần nữa, tôi chết điếng với lời chửi bới sỉ nhục nặng nề của chồng 'học cao' của mình. Nhưng vì không có tiếng nói trong gia đình nên tôi vẫn phải nhẫn nhịn. Tôi phải làm gì để nhà chồng và cả chồng tôi hiểu rằng, tôi tuy không học thạc sĩ, tiến sĩ như anh nhưng cũng được học hành tử tế. Tôi phải làm gì để cả nhà chồng đừng bao giờ chửi tôi là 'ngu' nữa?

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!