Khi nào thì ho cảnh báo bệnh nguy hiểm?

Vui khỏe - 01/20/2025

Phản xạ ho là sự tống xuất đột ngột của khí ra khỏi phổi, thường không chủ ý.

Thông thường ho là triệu chứng của cảm cúm, viêm xoang, dị ứng, song cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư phổi, tim, dạ dày - thực quản.

Ho là một trong những lý do phổ biến nhất khiến người bệnh đến gặp bác sĩ. Đây là cách cơ thể 'tự vệ sinh' làm sạch hầu họng và đường thở. Những chất lạ và dịch tiết cũng được tống ra bởi lực đẩy của luồng khí và có thể văng đi một khoảng cách khá xa. Triệu chứng này thường biến mất trong vài ngày nhưng cũng có thể kéo dài vài tuần đến vài tháng.

Khi nào thì ho cảnh báo bệnh nguy hiểm?

Phản xạ ho là sự tống xuất đột ngột của khí ra khỏi phổi, thường không chủ ý (Ảnh: Credit mm88/iStock/Getty Images)

Lưu ý: Ho chỉ là một triệu chứng chứ không phải bệnh. Trong điều kiện sức khỏe bình thường, hiện tượng này thỉnh thoảng xuất hiện giúp ngăn cản dị vật hay những chất tiết đi vào phổi. Tuy nhiên khi ho kéo dài và khó kiểm soát thường mang ý nghĩa về một vấn đề cụ thể, chẳng hạn như:

- Viêm nhiễm: Cảm cúm, viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi, lao.

- Tiếp xúc với chất kích thích như khói thuốc, những khói hay mùi nồng.

- Ngửi phải những chất gây kích ứng như phấn hoa, bụi, liên quan thú vật.

- Khối u trong ngực, chẳng hạn như ung thư phổi.

- Liên quan tâm lý hay thói quen khi bị căng thẳng.

- Những nguyên nhân khác như bệnh tim, bệnh dạ dày - thực quản, thuốc...

Trong cuộc sống hằng ngày, bạn có thể ho do bị cảm, tiếp xúc với dị nguyên, khói thuốc lá hay môi trường ô nhiễm. Tất cả cơn ho ấy đóng vai trò bảo vệ đường thở và phổi như một đáp ứng bình thường của cơ thể. Tuy nhiên với một số biểu hiện ho cần đặc biệt lưu ý bởi có thể là chỉ điểm cho một bệnh cần được chẩn đoán và điều trị sớm. Ho kéo dài là đặc điểm chìa khóa giúp chẩn đoán một số bệnh như hen suyễn, viêm phế quản, phổi tắc nghẽn mãn tính, lao và ung thư. Riêng ho ở trẻ em có thể do những nguyên nhân ít gặp ở người lớn như ho gà, viêm tiểu phế quản (đường thở nhỏ), hít phải dị vật, tiếp xúc thụ động khói thuốc hay những vấn đề liên quan đến cảm xúc.

Ho không nhất thiết phải xuất phát từ phổi. Có những nguyên nhân khác gây ho kéo dài không do phổi như hội chứng nhỏ dịch mũi sau hoặc bệnh trào ngược dạ dày-thực quản.

Trong hội chứng nhỏ dịch mũi sau, tình trạng viêm mũi xoang khiến tiết đàm quá mức dẫn đến kích thích vùng hầu họng. Bệnh nhân thường than phiền cảm giác chảy dịch thành sau họng khiến họ cần ho khạc thường xuyên.

Trong bệnh trào ngược dạ dày - thực quản, dịch dạ dày bị tống ngược vào trong thực quản gây ra cảm giác nặng ngực, nghẹn ở ngực hay cảm giác bỏng rát. Thỉnh thoảng ho là chỉ điểm duy nhất ở bệnh nhân trào ngược, nó thường nặng hơn về đêm và ảnh hưởng nhiều tới giấc ngủ.

Sử dụng thuốc cũng có thể gây ho không từ phổi, ví dụ thuốc ức chế men chuyển trong điều trị tăng huyết áp và suy tim được biết đến là một nguyên nhân gây ho khan trong khoảng 20% người sử dụng.

ThS.BS. Nguyễn Hồ Lam

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!