1. Khiến trẻ mất niềm tin vào người khác
Bạn hứa cuối tuần sẽ mua đồ chơi cho bé nếu được điểm cao trong bài kiểm tra sắp tới. Bé đã rất cố gắng và vui mừng đem điểm 10 đỏ chói về khoe bố mẹ. Thế nhưng, khi vừa nhắc đến chuyện đồ chơi thì bạn lại kiếm cớ không mua nữa. Hãy nghĩ xem, lúc ấy trẻ cảm thấy thế nào? Chắc chắn bé yêu sẽ rất buồn bã và thất vọng. Nếu việc này thường xuyên lặp lại, bé thậm chí còn có cảm giác mình bị lừa dối. Lâu dần, trẻ không chỉ mất niềm tin vào những lời cha mẹ nói mà còn hay ngờ vực mọi người xung quanh. Điều đó vô tình làm tổn thương sự hồn nhiên, vô tư của trẻ nhỏ.
Bố mẹ thất hứa với trẻ khiến trẻ mất niềm tin vào người khác (Ảnh: Internet)
2. Làm giảm động lực phấn đấu của bé
Phương pháp 'treo thưởng' để khích lệ con cái học tập được rất nhiều bậc cha mẹ áp dụng. Tuy nhiên, sự thật là không phải lúc nào những phần thưởng ấy cũng đến tay trẻ như đã hứa. Một, hai lần thất hứa như vậy thôi, bé yêu của bạn sẽ không chịu phấn đấu nữa, chỉ 'học đối phó' vì nghĩ rằng có cố gắng hơn cũng chẳng để làm gì. Các bậc cha mẹ hãy nhớ rằng nói lời phải giữ lời, nếu không phương pháp 'treo thưởng' sẽ phản tác dụng.
3. Trẻ học theo cha mẹ, thất hứa với người khác
Cha mẹ là những người thầy tốt nhất của con cái. Trẻ em chịu rất nhiều ảnh hưởng từ gia đình trong quá trình trưởng thành. Nếu cha mẹ thường xuyên thất hứa, bé sẽ nghĩ rằng lời hứa cũng chỉ là một dạng câu cửa miệng, chẳng có giá trị gì nên không cần coi trọng, không cần làm theo. Theo thời gian, trẻ hình thành thói quen xấu hứa hẹn tùy tiện mà không giữ lời. Như vậy, con bạn sẽ không có được sự tin tưởng của mọi người, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống sau này của bé.
4. Cha mẹ càng gặp khó khăn trong việc giáo dục con
Nói lời không giữ lời sẽ khiến cha mẹ mất đi cái uy vốn có của mình đối với con cái. Những lời dạy bảo, răn đe của bạn sẽ không còn trọng lượng nữa một khi bạn đánh mất niềm tin nơi bé. Nếu bé đã không nghe lời, việc giáo dục con trẻ chắc chắn sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều.
Mất niềm tin nơi bé, bố mẹ dạy con khó khăn hơn (Ảnh: Internet)
5. Cha mẹ nên làm thế nào để dạy con biết 'giữ chữ tín'?
- Bạn không tùy tiện hứa với con những điều mà mình chưa chắc có thể làm được. Đừng vì muốn đạt được mục đích trước mắt mà dễ dàng đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ. Nếu bé vòi vĩnh những điều không hợp lý, hãy giải thích cho bé vì sao bạn không đáp ứng chứ đừng gạt phăng nó đi.
- Một khi hứa với con điều gì, hãy chắc chắn rằng mình sẽ không quên và cố gắng thực hiện nó bằng mọi cách. Nếu thực sự không thể làm được, bạn cần thẳng thắn xin lỗi bé, giải thích cho bé hiểu bạn đang ở trong tình huống bất đắc dĩ chứ đừng nói dối bằng lí do khác.
- Hãy giữ lời hứa với cả những người xung quanh mình, đặc biệt là các thành viên trong gia đình. Khi thấy người lớn tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau, bé cũng sẽ cảm nhận được và học tập theo.
Thanh Lê
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!