Sốc phản vệ là gì?
Theo BS Cấn Phú Nhuận, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung, sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng đặc biệt nghiêm trọng có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng trẻ. Nó xảy ra khi hệ thống miễn dịch của bé nhạy cảm quá mức với một chất gây dị ứng mà bé tiếp xúc, được tiêm vào người.
Khi hiện tượng này xảy ra, toàn bộ cơ thể của bé sẽ bị ảnh hưởng, thường sẽ kéo dài trong vòng vài phút. Khi hệ thống miễn dịch của bé tiếp xúc với các chất gây dị ứng, cơ thể bé sẽ kích thích sản xuất một chất có tên là Histamine và các hóa chất khác với số lượng lớn. Điều này khiến cơ thể của bé bị sốc, hiện tượng này gồm nhiều triệu chứng và đôi khi đe dọa đến tính mạng trẻ.
Tư vấn trước sinh sẽ giúp các mẹ phòng tránh được nhiều rủi ro cho con trẻ (Ảnh: Internet)
Nguyên nhân phổ biến nhất của sốc phản vệ ở trẻ sơ sinh và trẻ em là qua thực phẩm, chẳng hạn như bé ăn đậu phộng, các loại hạt khác, sữa, cá, động vật có vỏ hoặc trứng và qua thuốc như thuốc kháng sinh, ong bắp cày đốt, cao su… Số ít mới bị sốc phản vệ khi tiêm phòng và trường hợp của 3 bé ở Quảng Trị rơi vào thiểu số này.
Triệu chứng của sốc phản vệ bao gồm: Khó thở, thở khò khè hoặc thở nặng, mạch nhanh, đổ mồ hôi. Trẻ có thể bị chóng mặt, ngất xỉu hoặc bất tỉnh ngay tại chỗ. Ngoài ra còn có biểu hiện buồn nôn, nôn mửa (trẻ bị trớ ngay sau khi ăn), đau bụng và tiêu chảy dữ dội. Cùng lúc đó, da trẻ sẽ biến sắc, xanh xao, nhợt nhạt.
Làm gì khi con bị sốc phản vệ?
Theo lời khuyên của bác sĩ, nếu con bị sốc phản vệ, cha mẹ càng hành động nhanh bao nhiêu, con càng khỏi nhanh, giảm thiểu những ảnh hưởng tới sức khỏe của con. Hãy đưa con tới ngay bệnh viện nếu thấy con khó thở, dễ bị kích thích hoặc hôn mê sâu. Cố gắng giữ bình tĩnh cho bé bằng cách nói chuyện với bé liên tục. Nếu sốc phản vệ được điều trị kịp thời, hầu hết trẻ em phục hồi hoàn toàn và không có biến chứng lâu dài...
Lưu ý, các bậc cha mẹ không được đưa bé đi tiêm phòng nếu thấy sốt, ho nhẹ, nước mũi chảy. Trước khi tiêm, không cho bé ăn, bú sữa quá no, cũng không để bé quá đói dẫn tới tình trạng kiệt sức, hạ huyết áp sau khi tiêm...
Đối với trẻ em đã có hiện tượng sốc phản vệ nhẹ với lần tiêm đầu thì những lần tiêm tiếp theo, cha mẹ cần thông báo điều này với các chuyên gia y tế để đưa ra một phác đồ tiêm hợp lý, an toàn cho bé và có những biện pháp can thiệp kịp thời.
>> Xem thêm: Hỏi - đáp về bệnh sốc phản vệ
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!