Theo BS. Trần Anh Tuấn - khoa Hô hấp BV. Nhi Đồng 1, TP.HCM, ở các tỉnh phía Nam, hàng năm bệnh đường hô hấp thường tăng vào các tháng 8, 9, 10 (tương ứng với mùa mưa). Và ngay những tháng sau đó, bệnh hô hấp ở trẻ em đã có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, vào cuối tháng 12, tháng 1 khi trời trở lạnh đôi chút thì bệnh có xu hướng tăng nhẹ nhưng không cao điểm như các tháng trước đây.
Trong khi đó, ở các tỉnh miền Trung và đặc biệt miền Bắc, đây là mùa bệnh hô hấp quan trọng trong năm do đã bước vào mùa lạnh. Ở những vùng này cần đặc biệt lưu ý đến một số bệnh như: cảm lạnh thông thường (do Rhinovirus), cúm, viêm tiểu phế quản (do vi-rút hợp bào hô hấp). Đây là một loại bệnh viêm phế quản đặc biệt (do viêm các phế quản cở nhỏ có đường kính dưới 2mm), rất phổ biến và chỉ xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi. Bệnh này thường đạt đến đỉnh cao vào những tháng mùa lạnh. Bệnh có khả năng lây lan cao và là nguyên nhân hàng đầu khiến các bé dưới 2 tuổi phải nhập viện ở thời điểm này.
BS. Trần Anh Tuấn cũng lưu ý các bậc cha mẹ, khi cho trẻ đi chơi cuối tuần, đặc biệt là dịp nghỉ lễ Nguyên đán sắp tới, các cháu có thể sẽ gặp một số điều bất lợi khiến cho các bé dễ mắc bệnh đường hô hấp. Chẳng hạn, nhiễm lạnh, ô nhiễm không khí (do khói xe, bụi bặm), tiếp xúc với đám đông (dễ lây nhiễm các bệnh hô hấp),…Vì vậy, nên tránh cho các bé nhỏ hơn 12 tháng tuổi đi chơi nơi đông người. Nên tránh cho các bé đi chơi bên ngoài khi trời quá nắng hoặc quá khuya. Không cho trẻ đi chơi quá lâu ngoài trời, nhất là khi trời nắng hay về đêm.
Bố mẹ không nên vì trời lạnh mà không cho trẻ chơi ngoài trời (Ảnh minh họa: Internet)
Khi đi cần cho các bé mặc đủ ấm (tùy nhiệt độ bên ngoài), có thể mang khẩu trang khi phải vào đám đông. Cần chú ý vệ sinh ăn uống và sinh hoạt, đặc biệt là rửa tay. Và khi đi chơi về cần chú ý nên rửa tay cẩn thận.
Tùy mức độ nhiễm lạnh và tùy tuổi của trẻ, có thể có các dấu hiệu như nhảy mũi, chảy nước mũi, ho, chảy nước mắt nhiều, nhức đầu, sốt, phát ban. Khi trẻ nhiễm lạnh phụ huynh có thể thực hiện một số giải pháp xử trí ban đầu là cần cho trẻ mặc đủ ấm. Quần áo phải khô ráo, không ẩm ướt. Trẻ nhỏ có thể mặc thêm áo ấm, đội mũ, mang găng, vớ, khăn choàng. Nên cho trẻ vào ngay chỗ kín gió, đủ ấm cho đến khi tình trạng trẻ cải thiện thì nên cho trẻ về nhà. Chú ý làm sạch mũi trẻ để trẻ dễ thở. Cho trẻ uống đủ nước. Phát hiện các dấu hiệu bệnh nặng để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.
BS. Trần Anh Tuấn cho biết, những dấu hiệu cho thấy cần đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu ngay: tím tái; bỏ bú hay bú ít hơn một nửa lượng sữa bình thường (trẻ nhỏ hơn 2 tháng), không uống được (trẻ lớn hơn 2 tháng), nôn tất cả mọi thứ; ngủ li bì, khó đánh thức; thở có tiếng rít; co giật; có bất kỳ dấu hiệu bệnh nặng nào khác. Các dấu hiệu cần cho trẻ đi khám ngay: sốt cao, khó thở (thở nhanh, thở co lõm lồng ngực). Ngoài ra, khi trẻ ho trên 1 tuần không cải thiện với điều trị thông thường cũng nên cho trẻ đi khám bệnh càng sớm càng tốt.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!