Lào Cai: Nhiều cố gắng trong xử lý chất thải y tế

Thời sự - 05/15/2024

Cùng với việc triển khai phong trào xây dựng đơn vị y tế xanh - sạch - đẹp, ngành y tế tỉnh Lào Cai luôn chú trọng công tác xử lý chất thải y tế.

Đầu tư khu xử lý chất thải y tế theo cụm bằng công nghệ không đốt

Trên địa bàn tỉnh hiện có 14 bệnh viện công lập tuyến tỉnh và huyện; 1 bệnh viện tư nhân; 164 trạm y tế xã, phường, thị trấn và 18 phòng khám đa khoa khu vực. Tại các đơn vị này, tổng lượng chất thải lây nhiễm phát sinh là 126,96 tấn/năm; tổng lượng chất thải nguy hại không lây nhiễm là 6,03 tấn/năm; tổng lượng chất thải y tế thông thường phát sinh là 758,985 tấn/năm và tổng lượng nước thải y tế phát sinh là 168.424,4 m3/năm. Trong đó, toàn bộ lượng chất thải lây nhiễm, chất thải nguy hại không lây nhiễm và chất thải y tế thông thường đều đã và đang được xử lý theo quy định.

Lào Cai là tỉnh miền núi, có diện tích rộng, giao thông khó khăn, việc tiếp cận các dịch vụ chuyên xử lý chất thải rất hạn chế và gần như không thể. Bên cạnh đó, khối lượng phát sinh chất thải y tế nguy hại tại cơ sở nhỏ, có thể tự xử lý nên sự lựa chọn tối ưu cho hình thức xử lý chất thải y tế nguy hại tại địa phương là theo mô hình cụm cơ sở y tế và tự xử lý tại chỗ.

Để kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý chất thải y tế trong các bệnh viện nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân, ngay từ năm 2015, Bộ Y tế đã ra Chỉ thị số 05/CT-BYT (ngày 6/7/2015) về việc tăng cường quản lý chất thải y tế trong bệnh viện.

Lào Cai: Nhiều cố gắng trong xử lý chất thải y tế

Hệ thống xử lý chất thải tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sa Pa.

Trong năm 2019, Bộ Y tế tiếp tục có công văn số 1003/BYT-MT (28/2/2019) đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác quản lý chất thải y tế. Đặc biệt, ngày 29/7/2019, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về giải quyết vấn đề rác thải nhựa, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị 08/CT-BYT về giảm thiểu chất thải nhựa trong Ngành Y tế nhằm giảm tối đa sự tác động tiêu cực của chất thải nhựa đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người.

Chỉ thị 08/CT-BYT giao Cục Quản lý môi trường y tế: Nghiên cứu, đề xuất giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế; làm đầu mối xây dựng tài liệu truyền thông và phối hợp tổ chức truyền thông về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức phổ biến, tập huấn, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chỉ thị trong ngành y tế; định kỳ tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế về kết quả thực hiện.

Theo đó, đa số bệnh viện tự xử lý chất thải y tế phát sinh; các trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực, trung tâm y tế tuyến huyện một phần tự xử lý rác thải y tế bằng lò đốt hoặc chôn lấp, còn lại chuyển giao cho các bệnh viện đa khoa huyện xử lý. Các trạm y tế, các cơ sở hệ dự phòng tuyến tỉnh và bệnh viện tư nhân chủ yếu chuyển giao chất thải lây nhiễm, chất thải nguy hại không lây nhiễm cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh, còn chất thải y tế thông thường được chuyển giao cho Công ty Cổ phần Môi trường và Đô thị Lào Cai xử lý.

Trước đây, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chất thải rắn y tế nguy hại từ hoạt động chuyên môn sẽ được nhân viên vệ sinh thu gom và vận chuyển tập trung 2 lần/ngày về tủ bảo ôn có nhiệt độ khoảng 2 - 4 oC. Sau đó, rác thải nguy hại được đốt tại lò chuyên dụng với nhiệt độ hơn 1.000 oC. Đến nay, tỉnh đã đầu tư 1 khu xử lý chất thải y tế theo cụm bằng công nghệ không đốt có nhiều ưu điểm hơn do Bệnh viện Đa khoa tỉnh quản lý, bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 20/5/2018.

Nâng cao ý thức phân loại rác thải, giữ gìn vệ sinh môi trường y tế

Bà Đỗ Thị Huệ, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Công nghệ không đốt để xử lý chất thải rắn y tế nguy hại là công nghệ hiện đại áp dụng vi sóng kết hợp hơi nước bão hòa. Chất thải sau khi tiệt khuẩn được cắt nhỏ làm mất hình dạng, không còn khả năng lây nhiễm, trở thành chất thải thông thường. Chất thải lỏng y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện cũng được xử lý theo dây chuyền tự động và hiện đại nhất khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc. Chất thải lỏng được dẫn về các bể chứa thông qua hệ thống ống dẫn phức hợp chôn dưới lòng đất, tại đây được xử lý triệt để bằng công nghệ vi sinh trước khi thải ra môi trường.

Lào Cai: Nhiều cố gắng trong xử lý chất thải y tế

Khu xử lý rác thải y tế tại Bệnh viện Đa khoa Bảo Yên

Tuy nhiên, hệ thống xử lý chất thải y tế chưa được trang bị đồng bộ tại các đơn vị y tế. Bởi vậy, công tác quản lý, xử lý chất thải y tế tại một số đơn vị y tế khác trên địa bàn còn nhiều hạn chế, như hệ thống thu gom và xử lý nước thải của Bệnh viện Đa khoa huyện Si Ma Cai đang bị hư hỏng, xuống cấp; Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương chưa có hệ thống thu gom nước thải bề mặt; Bệnh viện Đa khoa huyện Văn Bàn có hệ thống thu gom nước thải bề mặt nhưng không tách riêng với hệ thống thu gom nước thải y tế. Bên cạnh đó, toàn ngành y tế có 203 cán bộ làm công tác quản lý rác thải y tế nhưng chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm.

Khắc phục những khó khăn, ngành y tế tỉnh Lào Cai đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý chất thải y tế, như quán triệt việc thực hiện quản lý chất thải y tế từ khâu phân loại chất thải ngay tại nơi phát sinh, thu gom và lưu giữ tạm thời chất thải rắn y tế và đưa việc xử lý vào nền nếp, theo quy trình. Ngành cũng đẩy mạnh giám sát, kiểm tra và tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật về quản lý chất thải y tế; tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn về quản lý chất thải y tế cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ và nhân viên y tế. Mới đây, lãnh đạo các bệnh viện trực thuộc tỉnh đã ký cam kết giảm thiểu rác thải nhựa với Giám đốc Sở Y tế, hưởng ứng lời kêu gọi chung tay hành động giải quyết các vấn đề rác thải nhựa của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Ông Nông Đình Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Trong các mối nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn thì rác thải y tế tiềm ẩm nguy cơ rất cao. Ngành y tế đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có kế hoạch tài chính, đảm bảo nguồn đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải rắn và chất thải lỏng tại các cơ sở y tế công lập; kiểm tra, giám sát chặt các cơ sở y tế tư nhân, đảm bảo xử lý chất thải y tế theo đúng quy định.

Xử lý chất thải y tế là nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường nhằm bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của người dân. Cùng với những nỗ lực của ngành y tế, người bệnh, người nhà người bệnh cũng cần nâng cao ý thức phân loại rác thải, giữ gìn vệ sinh môi trường, góp phần xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp.

Theo thống kê, tổng khối lượng chất thải y tế thông thường phát sinh tại các bệnh viện trên địa bàn toàn tỉnh khoảng trên 2.437kg/ngày. Tổng lượng chất thải y tế nguy hại khoảng trên 615kg/ngày. Chất thải y tế phát sinh chủ yếu tại các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và tuyến huyện.

Thời gian qua, công tác thu gom, vận chuyển và lưu giữ chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm, đầu tư. Hiện có 6 bệnh viện, bao gồm Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa Khoa thành phố Lào Cai, Bệnh viện Đa khoa các huyện: Bảo Thắng, Bát Xát, Sa Pa đã có đầy đủ các trang thiết bị thu gom, vận chuyển và lưu giữ chất thải rắn y tế đạt yêu cầu về số lượng và chất lượng.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!