Gần 4.000 người, tuổi 18-69 tại 63 tỉnh thành đã tham gia cuộc điều tra trên và là điều tra lớn nhất từ trước đến nay về yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm do Bộ Y tế tiến hành.
Kết quả, khoảng 77% đàn ông và 11% phụ nữ uống rượu bia (có uống trong vòng 30 ngày qua). Tỷ lệ chung cho cả 2 giới là gần 45% và có xu hướng tăng. So với kết quả điều tra năm 2010, tỷ lệ sử dụng rượu bia ở nam giới tăng 11% và nữ tăng 6%.
Hơn 44% nam giới uống rượu bia ở mức nguy hại, tức trong 30 ngày qua có ít nhất một lần uống từ 6 đơn vị cồn trở lên, khoảng 180ml rượu mạnh hay 6 lon bia 330ml.
Trong số những người có uống rượu bia trong 30 ngày qua, gần một nửa từng điểu khiển phương tiện giao thông sau khi nhậu 2 giờ.
Bác sĩ Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam bày tỏ lo ngại trước tình trạng nhiều người uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông và thực tế thanh thiếu niên Việt Nam dễ dàng tiếp cận với rượu bia.
Hiện Việt Nam chỉ cấm quảng cáo rượu từ 15 độ trở lên, còn lại được quảng cáo như hàng hóa dịch vụ bình thường nên không hạn chế về đối tượng tiếp cận, nội dung và thời gian.
Bà Anh cho rằng các chính sách kiểm soát rượu bia của Chính phủ Việt Nam hiện còn yếu. Giá rượu bia ở nước ta còn rất rẻ, quảng cáo bị thả nổi đặc biệt với bia.
Trong thập kỷ qua, trong khi mức tiêu thụ đồ uống có cồn của toàn thế giới hầu như không thay đổi thì Việt Nam là một trong số ít quốc gia có xu hướng tăng nhanh, gấp hơn 4 lần tiêu thụ trung bình toàn cầu.
Bộ Y tế dự kiến trình dự thảo về luật kiểm soát rượu bia vào năm 2017, song hiện kế hoạch này phải lùi lại. Vì thế, bà Anh khuyến nghị Chính phủ cần xem xét đề xuất Quốc hội thông qua luật kiểm soát rượu bia.
Sử dụng rượu bia ở mức có hại là một trong những nguyên nhân gây hơn 200 loại bệnh tật và chấn thương. Sử dụng rượu bia cũng là tác nhân gây bệnh tim mạch do tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, đột quỵ, ung thư, rối loạn tâm thần và các hậu quả xã hội khác như tai nạn thương tích, bạo lực, giảm khả năng làm việc.
Tác hại do rượu bia không phụ thuộc vào loại đồ uống mà phụ thuộc vào lượng uống (tiêu thụ bao nhiêu g cồn) và cách thức uống (tần suất sử dụng).
Chất cồn có khả năng gây độc hại đến hầu hết các hệ cơ quan của cơ thể, làm trầm trọng thêm những tổn thương thể chất và tinh thần có sẵn, chất hướng thần gây nghiện.
Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy gần như uống bia rượu bất kỳ mức nào cũng có thể gây hại, phụ thuộc vào thể trạng người uống.
Người chưa bao giờ uống rượu bia thì chỉ cần một cốc hay nửa chén cũng có thể không làm chủ được hành vi. Vì thế, không có mức độ uống rượu bia nào là an toàn.
Những cách hạn chế tác hại của rượu bia. (Việt hóa bởi Songkhoe.vn).
Báo cáo các ngành công nghiệp của Bộ Công Thương hồi tháng 5 cho biết chỉ trong 4 tháng đầu năm, sản xuất bia của Việt Nam đạt 1,005 tỷ lít, tăng 5,8% so với cùng kỳ.
Còn báo cáo của Hiệp hội Bia rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho thấy năm 2015, sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia trong nước đạt 3,4 tỷ lít, tăng 10% so với năm trước và gần 41% so với 2010.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, rượu bia là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, trong đó 20% tử vong do tai nạn giao thông; 30% chết do ung thư thực quản, gan, động kinh và giết người; 50% xơ gan. 3,3 triệu người tử vong do liên quan đến rượu bia trên toàn thế giới.
Cơ quan y tế Anh khuyến cáo để phòng chống tác hại do rượu bia, nam giới không nên uống quá 14 đơn vị trong một tuần. Một đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai, lon bia 330ml (5%); một ly rượu vang 100ml (13,5%); một cốc bia hơi 330ml hoặc một chén rượu mạnh 30ml (40%).
>> Xem thêm: Tác hại của việc uống bia quá nhiều
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!