Lưu ý khi điều trị viêm tinh hoàn

Kỹ năng sống - 11/24/2024

Ngoài dùng thuốc cần kết hợp các phương pháp nằm nghỉ trên giường, hạn chế vận động chạy nhảy, thể dục thể thao,...

Viêm tinh hoàn là tình trạng bị viêm 1 hoặc cả 2 bên tinh hoàn. Đây là viêm nhiễm thường gặp ở nam giới, có nhiều nguyên nhân gây ra chứng viêm tinh hoàn như chấn thương, vi khuẩn, virut. Bệnh viêm tinh hoàn dễ gây ra các biến chứng như giãn tĩnh mạch tinh, viêm tiền liệt tuyến và những rối loạn chức năng sinh lý khác..., thậm chí dẫn tới vô sinh. Để nam giới hiể hơn về bệnh này, Th.S Vũ Thị Tuyết Mai, Bộ Y tế, sẽ giải đáp một số thắc mắc trong việc điều trị viêm tinh hoàn.

Câu hỏi 1:

Tôi 45 tuổi, bị viêm tinh hoàn hơn 2 năm. Do có quan hệ tình dục không an toàn, tôi đã đi khám ở tất cả các bệnh viện tại Hà Nội, kết quả của các xét nghiệm là âm tính. Tôi cũng đã tiêm và dùng thuốc kháng sinh theo đơn của bác sĩ nhưng bệnh vẫn không giảm.

Tháng 11/2004, tôi đến khám ở phòng khám nam khoa, kết quả khám siêu âm là viêm tinh hoàn và mào tinh. Tôi được bác sĩ ở đó tiêm cho loại thuốc của Hàn Quốc (Ceftriaxon), 7 mũi trong 7 ngày. Nhưng bệnh vẫn không giảm. Hiện vẫn bị đau nhức ở 2 hạt, và lan sang cả hai bên háng và mông. Xin bác sĩ chỉ giúp xem bệnh của tôi có thể điều trị bằng thuốc gì được, khám và điều trị ở đâu?

Lưu ý khi điều trị viêm tinh hoàn

Ảnh minh họa

Trả lời:

Chào anh,

Có 2 loại viêm tinh hoàn:

- Viêm tinh hoàn không đặc hiệu. 

- Viêm tinh hoàn đặc hiệu. 

Viêm tinh hoàn không đặc hiệu: có thể coi như một nhiễm khuẩn khu trú của một viêm nhiễm có mủ. Chủng loại vi khuẩn tìm được là chủng loại nhiễm khuẩn trong nước tiểu. 

Việc điều trị viêm tinh hoàn chủ yếu là điều trị nội khoa, có thể sử dụng:

1. Doxycyclin 100mg - 2 lần/ngày, dùng trong 3 tuần.

 2. Zinnat 500 mg - 2lần/ngày, dùng trong 10 ngày. 

3. Anpha chymotrypsin - 3 viên/ngày, dùng trong 7 ngày. 

4. Vitamin C 500 mg - 2 viên/ngày, dùng trong 7 ngày. Nếu viêm tinh hoàn có kết hợp với nhiễm khuẩn đường tiểu thì nên dùng kháng sinh thích hợp theo sự hướng dẫn của kháng sinh đồ. 

Viêm tinh hoàn đặc hiệu: do lao, giang mai, vi-rút... thì phải điều trị theo nguyên nhân.

Ngoài dùng thuốc cần kết hợp các phương pháp sau:

- Nằm nghỉ trên giường, hạn chế vận động chạy nhảy, thể dục thể thao.

- Mặc quần trong cố định vùng bìu. 

- Nếu đau có thể dùng thêm thuốc giảm đau thông thường. 

- Khi cần phải dùng thêm thuốc Corticoid để tránh hẹp và chít tắc ống dẫn tinh. Nếu điều trị không tốt có thể để lại di chứng teo tinh hoàn thứ phát hoặc giảm khả năng sinh sản tinh trùng do sơ hóa hoặc hủy hoại các ống dẫn.

Câu hỏi 2:

Viêm tinh hoàn do chấn thương phải điều trị như thế nào?

Lưu ý khi điều trị viêm tinh hoàn

Ảnh minh họa

Trả lời:

Chào bạn,

Chấn thương tinh hoàn là tình trạng khá phổ biến ở nam giới, thường xảy ra do vận động mạnh, đôi khi do va chạm xảy ra trong sinh hoạt, luyện tập. Biểu hiện của chấn thương tinh hoàn có thể chỉ tạm thời, với cảm giác đau buốt xuất hiện ngay khi có va chạm vào hạ bộ, sau đó sẽ hết nhanh. Đây là những trường hợp chấn thương nhẹ, không cần điều trị và hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản sau này.

Tuy nhiên, nếu chấn thương nặng hơn do va chạm mạnh, trực tiếp, có thể bị xuất huyết tinh hoàn do vỡ mạch máu (biểu hiện bầm máu, tụ máu dưới da), hay viêm tinh hoàn (các mô trong tinh hoàn bị viêm sau chấn thương, biểu hiện là sưng, nóng, đỏ, đau), có thể viêm cấp. Nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách, tình trạng viêm cấp có thể trở thành viêm mạn tính với biểu hiện đau căng tức kéo dài nhiều ngày. Lúc này, tinh hoàn bị tổn thương nghiêm trọng như mô tinh hoàn giảm chức năng sản sinh tinh trùng và nội tiết tố testosteron, tắc ống dẫn tinh... làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Để tránh những hậu quả ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, sau chấn thương tinh hoàn, người bệnh cần đi khám bệnh. Nếu thương tổn nhẹ, tụ máu chỉ khu trú ở nông và không tiến triển lan rộng, đau giảm dần, có thể điều trị nội khoa bằng cách nằm nghỉ ngơi tại giường, băng cố định bìu lên cao, dùng thuốc giảm đau chống phù nề, chườm lạnh vùng bìu, kết hợp dùng kháng sinh nếu có tổn thương rách da. Trường hợp chấn thương nặng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật.

Chúc bạn mau khỏi!

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!