Một số hiểu lầm tai hại về nước chanh tươi

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Hiểu lầm khi sử dụng chanh tươi khiến bạn vô tình làm mất đi tác dụng của loại quả này và gây nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Chanh tươi là loại quả được cho là thần dược có tác dụng thanh lọc cơ thể cực tốt. Tuy nhiên hầu hết mọi người đều mắc phải các sai lầm tai hại khi sử dụng loại quả này.

1. Uống chanh tương tự như uống vitamin C

Mặc dù trong chanh tươi có chứa hàm lượng lớn vitamin C nhưng uống chanh tươi không phải là uống vitamin C và ngược lại. Nhiều người có suy nghĩ dùng chanh thay cho vitamin tổng hợp để bồi bổ sức khỏe. Tuy nhiên, vitamin C chỉ là một thành phần trong số các thành phần của nước chanh. Thành phần này mang tính lạnh, không tốt cho những người có thể hàn, có tiền sử mắc các bệnh tiêu hóa hay viêm loét dạ dày.

2. Pha nhiều nước cốt chanh mới tốt

Một số hiểu lầm tai hại về nước chanh tươi

Công thức thích hợp nhất khi pha chanh tươi là dùng 1 lát chanh tươi nguyên vỏ pha với ¾ cốc nước (Ảnh minh họa: Internet)

Chanh tươi được ưa chuộng dùng hằng ngày trong việc pha chế đồ uống hay làm gia vị. Nhiều người cho rằng càng dùng nhiều nước cốt chanh càng có lợi. Đây là quan niệm sai lầm. Chỉ nên pha loãng nước chanh để đồ uống có vị chua dịu. Công thức thích hợp nhất khi pha chanh tươi đó là dùng một lát chanh tươi nguyên vỏ pha với ¾ cốc nước. Nên dùng cả vỏ chanh để tạo được hương thơm và giữ được hàm lượng dưỡng chất.

Theo nghiên cứu, chất flavonoid và tinh dầu chanh có tác dụng tốt cho cơ thể. Dưỡng chất này có chứa nhiều ở phần vỏ chanh hơn so với thịt quả chanh. Hơn thế nữa, khi dùng chanh cả vỏ sẽ thơm hơn, giữ được các chất chống oxy hóa chỉ có trong vỏ chanh.

3. Dùng nhiều nước chanh có thể gây sỏi

Nhiều người cho rằng dùng nhiều nước chanh tươi kết hợp cùng các thực phẩm giàu canxi sẽ tạo thành các hợp chất kết tủa và gây sỏi trong cơ thể. Đây là quan niệm sai lầm bởi a-xít citric trong chanh tươi không hề tạo thành sỏi.

Ngược lại nó còn có tác dụng phòng ngừa và điều trị sỏi thận. A-xít citric trong chanh tươi cũng được biết đến với công dụng giúp hòa tan canxi trong cơ thể, hỗ trợ tiêu hóa và giúp hấp thu các khoáng chất như sắt, canxi, magie….

4. Đau dạ dày không được uống chanh

Chanh có vị chua và tính a-xít, vì vậy nhiều người cho rằng đau dạ dày tuyệt đối không được dùng chanh tươi. Thực tế, chanh tươi có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa cực tốt, nếu uống nước chanh tươi pha loãng, hàm lượng a-xít cũng sẽ bị giảm mạnh, không còn vị chua và không thể gây hại cho dạ dày.

Với những người khó tiêu, dùng nước chanh tươi pha loãng cùng một lát gừng có tác dụng tăng cường tiết dịch bài tiết và hỗ trợ tiêu hóa cực tốt.

5. Chanh là thực phẩm tính a-xít

Một số hiểu lầm tai hại về nước chanh tươi

Chanh tươi thuộc nhóm thực phẩm tính kiềm (Ảnh minh họa: Internet)

Thực chất, chanh tươi thuộc nhóm thực phẩm tính kiềm, phù hợp với những người có thể trạng nóng, nhiệt. Mặc dù chanh có vị chua và chứa a-xít citric nhưng a-xít citric sẽ bị chuyển hóa thành carbon dioxit trong cơ thể và nhanh chóng bị thải ra ngoài trong quá trình hô hấp. Vì vậy, tính a-xít của loại quả này cũng nhanh chóng bị loại bỏ.

6. Dùng nước lạnh để pha

Trong chanh tươi có chứa hàm lượng vitamin C cực lớn, vì vậy khi pha chanh hầu hết mọi người đều chỉ dùng nước lạnh để không làm mất vitamin. Đây là một quan niệm sai lầm bởi nếu không được pha ở nhiệt độ cao, hương thơm và các dưỡng chất có trong chanh khó có thể bị hòa tan. Hơn thế nữa, nhờ có tính a-xít khá mạnh nên khả năng chịu nhiệt của vitamin C trong chanh rất lớn và không dễ dàng bị mất đi.

Nên pha chanh tươi ở nhiệt độ ấm khoảng 60 độ C  để giúp hòa tan các dưỡng chất mà không làm mất vitamin C có trong chanh.

Phạm Hồng Anh

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!