Trẻ và bạn học nảy sinh mâu thuẫn không hẳn là điều đáng sợ, quan trọng là cách xử lý của cha mẹ khi biết con bị bạn đánh. Nhiều bậc phụ huynh khi gặp tình huống này, liền đổ hết tội lỗi lên con nhà người ta, cách làm này hoàn toàn không có lợi cho sự phát triển của trẻ.
Tiểu Hồ sắp đến tuổi đi nhà trẻ, ngày thường bé rất ngoan và ít nói. Chị Vương luôn lo sợ con gái sẽ bị bạn học bắt nạt tại trường. Chị Vương chia sẻ suy nghĩ này với chồng, anh cho rằng vợ đã trầm trọng hóa vấn đề, bởi trẻ con còn nhỏ, không hiểu chuyện, nhất định không xảy ra vấn đề to tát.
Chị Vương tạm gác lo lắng sang một bên, cùng chồng đưa Tiểu Hồ đến nhà trẻ. Buổi chiều sau khi tan học, Tiểu Hồ về nhà và khóc thét, bé nói rằng ngày mai không muốn đến nhà trẻ. Chị Vương hỏi con gái điều gì đã xảy ra, bé Tiểu Hồ nức nở: 'Mẹ, có bạn đánh con'.
Hóa ra, trong lớp có một bạn nam thích cây bút mà chị Vương đã mua cho con gái. Hai đứa trẻ đã tranh giành nhau cây bút, điều này khiến Tiểu Hồ rất sợ hãi. Thực tế, bạn nam chỉ kéo nhẹ cánh tay của Tiểu Hồ, hoàn toàn không dùng sức.
Chị Vương không đành lòng nhìn con gái chịu uất ức, chị căn dặn: 'Mẹ hy vọng con biết cách tự bảo vệ bản thân, nếu người khác bắt nạt con, con không được tỏ ra sợ hãi. Khi con không làm điều sai trái, nhưng vẫn bị người khác bắt nạt, vậy con có quyền đánh lại'.
Nhiều bậc phụ huynh chắc hẳn đã gặp tình huống tương tự và không biết nên làm thế nào. Sau đây là cách giải quyết:
1. Hiểu nguyên nhân con mình bị bạn đánh
Mọi việc đều có nguyên nhân và kết quả. Bạn không nên chỉ nghe câu chuyện từ một phía, không nên vì con mình bị đánh mà đổ hết mọi tội lỗi lên con nhà người ta.
Khi bạn đã biết sự tình cặn kẽ, nếu con mình là người gây sự, bạn cần thay đổi cách giáo dục và uốn nắn con kịp thời để tránh lặp lại tình huống tương tự. Ngược lại, nếu con nhà người ta gây sự trước, thời điểm này bạn cần có lý do và chứng cứ rõ ràng mới có thể giúp trẻ đòi lại công bằng.
2. Hiểu suy nghĩ của con
Con bị bạn đánh không phải là tình huống dễ chịu, bạn cần trò chuyện với trẻ, giúp trẻ thẳng thắn nói lên suy nghĩ của chính mình. Những cảm xúc tiêu cực như tức giận, uất ức cần được giải tỏa, nếu không trẻ sẽ suy nghĩ mọi việc theo hướng tiêu cực và hướng sự việc đi vào bế tắc.
3. Hỏi trẻ cách giải quyết vấn đề
Trong tình huống trẻ bị bạn đánh, bố mẹ cần tôn trọng trẻ. Bởi chuyện này liên quan đến con của mình, điều bố mẹ có thể làm là giúp đỡ khi trẻ cần. Bạn không được áp đặt trẻ làm theo suy nghĩ của người lớn.
Nhiều bậc phụ huynh thường tự hỏi: 'Con tôi bị bạn đánh, tại sao tôi không nên khuyến khích con đánh lại bạn?'.
Liệu bạn có nghĩ rằng, khuyến khích con đánh lại bạn có thể giải quyết gốc rễ của mọi vấn đề? Hay là bạn đang dạy con cách ăn miếng trả miếng?
Nếu khuyến khích con đánh lại bạn, bố mẹ cần suy nghĩ 2 vấn đề:
1. Trẻ đánh lại bạn, có thể bị bạn bắt nạt nghiêm trọng hơn
Nhiều đứa trẻ ngoan hiền không thể đóng vai kẻ xấu, thậm chí tỏ ra hung bạo cũng là điều không hợp với tính cách của trẻ. Nếu bạn khuyến khích trẻ đánh lại bạn, điều này sẽ khiến tình hình tệ hơn.
Ngoài ra, có những đứa trẻ dù muốn chống trả, muốn đánh lại bạn nhưng ngặt nỗi trẻ không đủ sức lực để làm điều đó. Việc bố mẹ khuyến khích trẻ đánh lại bạn, chẳng khác nào khiến trẻ cảm thấy bản thân thật bất lực.
2. Trẻ đánh lại bạn, có thể trở thành kẻ bắt nạt bạn sau này
Nhiều đứa trẻ sau khi bị bạn đánh, do được bố mẹ khuyến khích đánh lại bạn, trẻ dần thay đổi tính cách và có xu hướng bắt nạt lại những kẻ đã tổn thương mình.
Nếu con bị bạn đánh, bố mẹ cần chú ý những điều sau:
1. Thông qua giáo viên, tìm hiểu tình hình của con
Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng, giáo viên là người nắm rõ tình hình của con mình. Nhưng thực tế, trong một lớp học có nhiều học sinh, giáo viên không thể nào theo dõi sát sao từng em. Điều bạn cần làm là chủ động kết nối với giáo viên, nhờ giáo viên để mắt đến con mình.
2. Cho trẻ theo học môn võ thuật
Học võ là cách giúp trẻ trở nên khỏe mạnh, tự tin và đặc biệt là có thể tự bảo vệ bản thân.
3. Để mắt đến cảm xúc của trẻ
Trẻ con cũng có lòng tự trọng. Trong tình huống trẻ bị bạn đánh, trẻ sẽ cảm thấy mất mặt, bản thân trở nên vô dụng. Dù là trạng thái cảm xúc tiêu cực nào thì đối với trẻ đều không có lợi.
Các bậc phụ huynh đều mong muốn cuộc đời của con mình trải qua êm đềm, thuận lợi, ít sóng gió, nhưng đó là điều không thực tế. Bạn không thể bảo vệ con cả đời, khi trẻ lớn lên, trẻ sẽ đối mặt với vô vàn trở ngại trong cuộc sống.
Điều tốt nhất bạn cần làm là không can thiệp quá nhiều, hãy trao quyền chủ động và lựa chọn cho trẻ. Có như vậy, trẻ mới trở nên mạnh mẽ và xử lý được mọi trở ngại trên đường đời.
Theo Toutiao
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!