Đại diện Trung tâm Y tế quận 3 cho biết khu vực cách ly tập trung của quận có 100 giường bệnh. Hiện số người cách ly tại đây được chăm sóc sức khỏe và thăm hỏi hàng ngày nên vui vẻ hợp tác. Quận cũng đảm bảo mỗi ngày người cách ly đủ ba bữa ăn.
'Để phòng ngừa lây nhiễm chéo giữa những người cách ly, y tế quận bố trí mỗi người một phòng riêng. Trong trường hợp đi theo nhóm thì bố trí chung phòng' – vị đại diện nói.
Đại diện Trung tâm Y tế quận 3 còn cho biết khu vực cách ly tập trung bố trí một bàn để cơm, nước uống, khẩu trang… do thân nhân người cách ly gửi vô.
Khu vực cách ly tập trung phòng COVID-19 của quận 11, TP.HCM. Ảnh: HỒNG HẠNH
'Nhân viên y tế không trực tiếp mang những món đồ trên tới người cách ly mà điện thoại cho người cách ly ra nhận. Mục đích của việc làm này nhằm hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh giữa những người cách ly với nhân viên y tế' – vị đại diện nói.
Bác sĩ (BS) Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết những người cách ly tập trung hoặc tại nhà mặc dù chưa có bệnh nhưng khả năng họ có thể đã bị lây nhiễm COVID-19.
'Do vậy, phòng ngừa lây nhiễm chéo giữa những người cách ly tập trung là điều cần thiết. Vì thế nên chia nhỏ phòng trong khu vực cách ly để mỗi người ở riêng là điều nên làm. Đối với những người đi cùng nhóm hoặc chung gia đình thì có thể ở chung phòng' – BS Dũng cho biết thêm.
Theo BS Dũng, cần thực hiện các quy định để tránh lây nhiễm chéo giữa người cách ly và nhân viên y tế. 'Nên bố trí bàn nhỏ để thức ăn, thức uống cho người cách ly. Sau đó lau chùi, khử khuẩn sạch sẽ' – BS Dũng nói.
BS Dũng còn cho biết người cách ly tập trung hoặc tại nhà phải có hồ sơ theo dõi. Hồ sơ cá nhân người cách ly tập trung do chủ tịch UBND quận, huyện ký. Hồ sơ cá nhân cách ly tại nhà gồm thông báo cách ly do chủ tịch UBND phường, xã ký kèm cam kết.
'Nếu người cách ly tại nhà thực hiện không đúng cam kết thì UBND địa phương ra quyết định cưỡng chế để đưa vào cách ly tập trung' – BS Dũng nói thêm.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!