Ở vào tuổi “như chuối chín cây”, nhiều người cao tuổi bị đẩy vào tình cảnh như người “không gia đình”, dẫn đến hậu quả nhẹ là bị trầm cảm còn nặng là điên!
Hơn 20% người già mắc bệnh
Dân số thế giới đang “già” đi với tốc độ nhanh chóng, theo thống kê của tổ chức dân số thế giới, hiện có 800 triệu người hơn 60 tuổi và có thể lên tới 2 tỉ người vào năm 2050. Trong đó, thống kê của tổ chức Y tế Hoa Kỳ cho biết, hơn 20% người trên 55 tuổi có các rối loạn tâm thần với các biểu hiện: trầm cảm, lo âu, điên loạn... Đây là tỷ lệ rất cao, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển thì chiếm phần lớn. Cũng bởi vậy, chủ đề của ngày tâm thần thế giới năm nay là “Sức khỏe tâm thần và người lớn tuổi”.
Ảnh minh họa - Internet
Chứng trầm cảm tác động đến 7% người lớn tuổi, bệnh nặng có thể dẫn đến ý định tự tử. Thời gian đầu, chứng trầm cảm ở người già bắt đầu từ việc lơ là, thiếu quan tâm từ những người người thân trong gia đình làm giảm sự hứng thú của họ trong cuộc sống. Sau đó dẫn đến các biểu hiện lo lắng, sợ sệt và mất tin tưởng liên tiếp rồi cuối cùng là tâm thần (dạng trầm cảm). Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh tình trạng căng thẳng, trầm cảm ngay sau tuổi trung niên góp phần làm tăng nguy cơ trầm cảm khi về già của con người nói chung, phụ nữ nói riêng.
Người Việt Nam có câu cửa miệng là “người già thường hay lo”, đây là một sai lầm khi coi nhẹ vấn đề tâm thần của người lớn tuổi. Lo âu là nguyên nhân làm tăng các triệu chứng bệnh lý trong cơ thể người già nên cần điều trị kết hợp với điều trị trầm cảm cũng như với bệnh lý cơ thể kèm theo. Căng thẳng - lo âu - trầm cảm và một số thể loại ám ảnh là một chuỗi hệ lụy tâm lý mà phần lớn người cao tuổi không thể tránh khỏi.
Các rối loạn tâm thần khác thì rất nhiều dạng, từ rối loạn khí sắc lưỡng cực đến các xung động ám ảnh, nghiện ma túy hay các bệnh ít gặp như tâm thần phân liệt đều có thể xảy ra ở người lớn tuổi. Các bệnh loạn thần cũng thường gặp và là nguyên nhân dẫn đến triệu chứng ảo giác, niềm tin bất thường và suy giảm khả năng tư duy. Theo các nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các rối loạn trên có thể lên tới 5% ở người lớn tuổi sống trong cộng đồng và cao hơn nhiều ở các nhà dưỡng lão.
Vừa qua, WHO đã đưa ra thông điệp cảnh báo toàn cầu về “Sức khỏe tâm thần và người cao tuổi”. Trong đó nhấn mạnh người cao tuổi cần duy trì cuộc sống tích cực, năng động cả về thể chất và tinh thần, các mối quan hệ với gia đình, bạn bè và cộng đồng. WHO đưa ra lời khuyên cần chăm sóc sức khỏe thể chất, trao đổi với bác sĩ gia đình hoặc cán bộ y tế địa phương. Người lớn tuổi cũng cần biết các rối loạn tâm thần đều có thể điều trị được, dù chưa có biện pháp chữa bệnh mất trí tuổi già, nhưng ngành y tế có thể giúp kiểm soát bệnh, giúp người cao tuổi mắc bệnh này có thể sống lâu với chất lượng cuộc sống tốt. WHO cũng đặc biệt nhấn mạnh cần tôn trọng và xây dựng các mối quan hệ với người cao tuổi trong gia đình và cộng đồng.
Giữ gìn sức khỏe bộ não
Từ 30 tuổi, não bộ con người bắt đầu nhẹ đi, mạng lưới thần kinh và dòng máu tưới nuôi não cũng bắt đầu suy giảm. Khi lớn tuổi, con người không còn khả năng nhớ lại những câu chuyện trong quá khứ, thậm chí một sự kiện mới xảy ra một cách nhanh chóng. Não bộ dù thích ứng, sản sinh những thành phần mới để duy trì khả năng hoạt động của hệ thần kinh song đòi hỏi cần nhiều thời gian rèn luyện.
Gần đây nhiều nghiên cứu đã chứng minh, giữ gìn sức khỏe thể chất góp phần “giữ gìn sức khỏe của não bộ”. Tập thể dục, thể thao đều đặn, tiết chế ăn uống giúp giảm nồng độ cholesterol trong máu, giữ huyết áp ổn định cho phép cơ thể phân phối nhiều oxy cho não bộ. Hơn nữa, các hoạt động kích thích não bộ như chơi chữ, đọc sách báo, học kỹ năng mới cũng giúp gìn giữ “sức khỏe não bộ”. Để ngăn ngừa bệnh tâm thần, người lớn tuổi hãy chủ động hoạt động cơ thể một cách đều đặn sẽ mang lại rất nhiều lợi ích như duy trì và cải thiện trí nhớ, khả năng hoạt động tâm thần, phòng ngừa sa sút tâm thần (suy giảm hoạt động trí tuệ), luôn giữ trạng thái vui vẻ.
Bác sĩ Phạm Văn Trụ, Bệnh viện Tâm thần TP HCM cho biết: “Gần đây, nhiều nghiên cứu đã chứng minh giữ gìn sức khỏe thể chất góp phần “giữ gìn sức khỏe của não bộ”, hoạt động cơ thể và tiết chế ăn uống giúp giảm nồng độ cholesterol trong máu và huyết áp thấp cũng giúp “sức khỏe não bộ”, cho phép cơ thể phân phối nhiều oxy cho não bộ. Hơn nữa, các hoạt động kích thích não bộ như chơi chữ, đọc sách báo, học kỹ năng mới cũng giúp gìn giữ “sức khỏe não bộ”. Để gìn giữ “sức khỏe não bộ” và ngăn ngừa bệnh tâm thần, chúng ta phải rèn luyện cơ thể một cách đều đặn để mang lại những lợi ích như: duy trì và cải thiện trí nhớ; duy trì và cải thiện khả năng hoạt động tâm thần; phòng ngừa sa sút tâm thần (suy giảm hoạt động trí tuệ); vui vẻ, phòng ngừa và làm nhẹ trầm cảm; cải thiện sức khỏe thể lực”.
Cảnh báo của WHO:
Các vấn đề sức khỏe tâm thần là phổ biến ở người cao tuổi. Rất nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần người cao tuổi không được phát hiện.
Hiện nay, có khoảng 60-80% trường hợp sa sút tâm thần do thoái hóa thần kinh não bộ như bệnh Alzheimer.
Chứng trầm cảm tác động đến 7% người lớn tuổi và bệnh mất trí tác động đến 5% số người cao tuổi.
Các chứng tâm thần khác như ảo giác, tâm thần phân liệt… đều có thể xảy ra ở người cao tuổi với tỷ lệ 5% và cao hơn nhiều ở các viện dưỡng lão.
Mặc dù ít phổ biến hơn, nhưng rối loạn liên quan tới lạm dụng rượu và chất gây nghiện ảnh hưởng đến 1% số người cao tuổi.
Theo Phương Thảo
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!