Người “thấu” tận cùng nỗi đau của bệnh nhân ung thư

Ung Thư - 12/27/2024

Để hẹn gặp PGS.Ts.Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K trung ương nhờ giúp bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn thì dễ lắm, lúc nào anh cũng sẵn lòng. Vậy mà đến khi có ý định viết chân dung anh chao ôi sao mà khó. Anh khất bận, rồi anh từ chối, nói ngành y bao nhiêu thầy cống hiến nhiều lắm, anh có làm được gì mấy đâu. Phải mất cả tháng trời thuyết phục, tôi mới được anh cho phép ‘tác nghiệp’. Những câu chuyện đời, chuyện nghề, nỗi đau người bệnh cứ trải dài theo từng câu chữ nghe đến đâu rưng rưng đến đó.

Để hẹn gặp PGS.Ts.Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K trung ương nhờ giúp bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn thì dễ lắm, lúc nào anh cũng sẵn lòng. Vậy mà đến khi có ý định viết chân dung anh chao ôi sao mà khó. Anh khất bận, rồi anh từ chối, nói ngành y bao nhiêu thầy cống hiến nhiều lắm, anh có làm được gì mấy đâu. Phải mất cả tháng trời thuyết phục, tôi mới được anh cho phép ‘tác nghiệp’. Những câu chuyện đời, chuyện nghề, nỗi đau người bệnh cứ trải dài theo từng câu chữ nghe đến đâu rưng rưng đến đó.

Đến với ngành y như một định mệnh

Những năm giữa của thập niên 80, cậu học trò Trần Văn Thuấn là một trong số ít bạn cùng trang lứa được học lớp chuyên toán của tỉnh Hà Bắc. Ngày ấy được học trường tỉnh nuôi là "oách" lắm, thế nên bố mẹ anh tự hào, khoe khắp làng xóm khiến câu chuyện của anh như một tin thời sự nóng hổi ở vùng quê lúc bấy giờ.

Người “thấu” tận cùng nỗi đau của bệnh nhân ung thưChị Minh Ngọc, con gái bệnh nhân Nguyễn Thị Lan viết thơ cảm ơn BS.Thuấn

Thông thường, các học sinh chuyên toán đều chọn thi đại học khối A để có nhiều cơ hội học tập tại nước ngoài. Suy nghĩ của anh cũng vậy...cho tới giữa năm học lớp 12, một sự việc xảy ra mang tính "bước ngoặt" khiến cuộc đời anh rẽ lối sang nghề thầy thuốc cứu người. Ngày ấy, cuối tuần như thường lệ anh đạp xe 40 cây số từ Bắc Giang về Từ Sơn, nói là thăm bố mẹ nhưng kỳ thực là về xin "tiếp tế" gạo, muối vừng, ruốc...

Khi về tới nhà, chắc do học nhiều, đạp xe gắng sức lại gặp mưa trên đường nên anh lăn ra ốm. Giữa đêm, anh bị sốt cao co giật, bố mẹ anh luống cuống không biết làm sao. Gần nhà chẳng có cơ sở y tế nào. Cả thôn hơn 3.000 dân mới có 1 bác sỹ đã nghỉ hưu, chắc do già yếu, trong ngày làm việc quá tải nên cho dù bố mẹ kêu khóc nhưng vị bác sỹ ấy vẫn không mở của. Tình cảnh vậy, bố anh không có cách nào khác là phải đưa anh lên bệnh viện huyện Tiên Sơn cách nhà 14km bằng xe thồ cọc cạch. Do sốt cao, lúc tỉnh lúc mê nên anh chỉ lờ mờ nhớ tiếng thở dốc của bố vì mệt. Không rõ tới được bệnh viện từ lúc nào, chỉ nhớ khi tỉnh dậy bên cạnh anh là một cô bác sỹ với khuôn mặt đôn hậu trong tấm áo choàng trắng, toát lên vẻ đẹp tinh khiết cùng với giọng nói trầm ấm. “Qua nói chuyện tôi mới biết đó là người đã cứu mình tối hôm đó. 3 ngày nằm viện nhờ sự chăm sóc tận tình của các y bác sỹ tôi bình phục trở lại và cùng với đó là ấn tượng thật đẹp về người đã điều trị mình. Hình ảnh khó quên đó cùng nỗi trăn trở sao nghề y lại thiếu người vậy? Có lẽ bác sỹ cần hơn các nghề khác? Chỉ cần phục vụ ở quê nhà thôi cũng sẽ giúp được nhiều người. Ý nghĩ đó đã khiến tôi quyết định chuyển sang khối B để thi vào Đại học Y Hà Nội. Nhiều khi nghĩ lại, việc mình trở thành bác sỹ cũng là duyên phận” anh cười hiền tâm sự.

Quyết định “tuyên chiến” với ung thư vú

Tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội năm 1993, về Bệnh viện K công tác, ngày lại ngày Bs.Thuấn đau lòng chứng kiến nhiều trường hợp trong đó có cả người nhà mình phải từ giã cõi đời vì bệnh ung thư vú do phát hiện quá muộn và điều trị ít hiệu quả. Trong khi qua tài liệu nước ngoài, anh biết đây là căn bệnh rất phổ biến ở phụ nữ nhiều nước nhưng tỷ lệ chữa khỏi rất cao nhờ phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Đúng vào lúc đó, có dịp được làm việc với một số giáo sư đầu ngành về ung thư học nước ngoài, trong đó phải kể tới Giáo sư R.Love, trường ĐHTH Wisconsin, Hoa Kỳ. Bs.Thuấn và giáo sư R.Love đã bàn, trao đổi để tìm hướng đi cho công tác phòng chống ung thư, đặc biệt đi sâu vào ung thư vú, với mong muốn tìm được cách thức tuyên truyền phát hiện sớm và các biện pháp điều trị thật hiệu quả, hợp lý với điều kiện Việt Nam.

Kể từ đó, anh cùng đồng nghiệp tiến hành thực hiện một loạt các công trình nghiên cứu các cấp về ung thư vú. Điển hình trong số này là:Nghiên cứu liệu pháp điều trị nội tiết bằng Tamoxifen kết hợp với cắt buồng trứng trên bệnh nhân ung thư vú chưa mạn kinh ở giai đoạn mổ được (đề tài kết hợp với Hoa Kỳ, thực hiện chính, nghiệm thu 2005); Nghiên cứu hiệu quả hóa chất bổ trợ phác đồ CAF, TAC cho bệnh nhân ung thư vú (nghiệm thu 2012); Đánh giá hiệu quả thuốc ức chế men aromatase trong điều trị bổ trợ bệnh nhân ung thư vú đã mạn kinh có thụ thể nội tiết dương tính (nghiệm thu 2011); Sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung (nghiệm thu 2013); Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong chẩn đoán và điều trị một số bệnh ung thư thường gặp (nghiệm thu 2011); Nghiên cứu dịch tễ học, chẩn đoán, điều trị phòng chống một số bệnh ung thư ở Việt Nam (vú, gan, dạ dày, phổi, máu)- (nghiệm thu 2005); Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong chẩn đoán, điều trị ung thư vú (nghiệm thu 2015)....

Bên cạnh đó, Bs.Thuấn còn tham gia biên soạn 43 cuốn sách, trong đó chủ biên 03 cuốn, đồng chủ biên 06 cuốn. Các sách và tài liệu này đã và đang được sử dụng trong đào tạo tại Trường ĐHY Hà Nội, Bệnh viện K... và các đơn vị khác trong ngành Y tế.

Kết quả nghiên cứu của các đề tài trên đã được ứng dụng rộng rãi tại các cơ sở phòng chống ung thư ở Việt Nam, cũng như được đưa vào các hướng dẫn quốc gia trong sàng lọc phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị ung thư vú. Nhờ đó, tỷ lệ phát hiện sớm, tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú hiện được nâng cao rõ rệt, con số tử vong do ung thứ vú tại Việt Nam cũng giảm hẳn. Mọi người trìu mến gọi anh làngười tuyên chiến với ung thư vú.

>>> Xem thêm: 8 dấu hiệu bệnh nhân ung thư cận kề cái chết

Người “thấu” tận cùng nỗi đau của bệnh nhân ung thưBs. Thuấn khám bệnh cho ngư dân (ảnh Baoquangnam)

Từ tiếng khóc của người mẹ nghèo tới “Quỹ ngày mai tươi sáng”

Vào một tối mùa đông lạnh năm 2009, làm việc tới khuya muộn, trên đường từ phòng xuống cầu thang, bác sĩ Thuấn bỗng nghe tiếng khóc thút thít, hỏi ra mới biết đó là tiếng khóc của người mẹ tự than trách mình vì quá nghèo, không có đủ tiền điều trị bệnh nên sắp phải đưa con về. Suốt chặng đường về nhà, rồi cả đêm hôm đó, tiếng khóc của người mẹ nghèo cứ ám ảnh anh. Ngay sáng hôm sau, anh họp khoa và cùng quyên góp, rồi anh kêu gọi sự vào cuộc của một số nhà hảo tâm, nhờ vậy bệnh tình của bệnh nhân thuyên giảm và được ra viện sau 6 tháng điều trị:”Sau trường hợp đó, tôi chợt nghĩ nếu làm manh mún như vậy thì khó có thể hỗ trợ được nhiều người, trong khi còn rất nhiều trường hợp khó khăn khác cần được giúp đỡ. Tôi đã gặp quá nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn ,đặc biệt các trường hợp không có thẻ BHYT. Có những người dù biết mình mắc căn bệnh ung thư hiểm nghèo nhưng không theo đến cùng phác đồ điều trị vì vẫn phải canh cánh nỗi lo gánh nặng gia đình, bởi thời gian điều trị bệnh ung thư kéo dài, số tiền điều trị quá lớn không có khả năng chi trả. Thương tâm hơn là nhiều em nhỏ phải vĩnh viễn rời xa việc học tập, vui chơi cùng bạn bè và không thể tiệp tục chạy chữa do gia cảnh quá nghèo. Nhiều trường hợp các nhân viên y tế phải tự quyên góp để cho người bệnh có tiền ăn, ở và đi lại. Chính vì vậy tôi chia sẻ ý tưởng thành lập Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư- Ngày mai tươi sáng với lãnh đạo Bộ Y tế, đồng nghiệp cùng một số người thân, may mắn đều nhận được sự ủng hộ nhiệt tình."

Qua 2 năm vận động, cùng với sự giúp đỡ của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành liên quan Quỹ ngày mai tươi sáng ra đời vào tháng 8 năm 2011. Bs.Thuấn đảm nhiệm giám đốc quỹ.

Vạn sự khởi đầu nan, khi mới thành lập Quỹ, cái khó nhất là nguồn nhân lực và làm sao để người bệnh, người nhà người bệnh, các nhà hảo tâm và cộng đồng thực sự tin tưởng vào Quỹ. Lửa thử vàng, gian nan thử sức, cho tới nay, Quỹ đã vận động được trên 32 tỷ đồng. Quỹ đã hỗ trợ tài chính được 8.796 bệnh nhân ung thư nghèo. Tổ chức Tết Trung thu, Tết Nguyên Đán và phát quà cho 7.567 bệnh nhân ung thư trên toàn quốc. Phối hợp với nhiều công ty dược phẩm xây dựng các chương trình tặng thuốc điều trị cho bệnh nhân ung thư: Hợp tác với Công ty Novatis hỗ trợ thuốc Glivec cho người bệnh bị Bạch cầu mạn dòng tủy và U mô đệm đường tiêu hóa có thẻ bảo hiểm y tế (VPAP) trong 3 tháng (08-1/2014); Xây dựng chương trình tặng thuốc Nexavar cho bệnh nhân ung thư gan, thận do công ty Bayer tài trợ; chương trình hỗ trợ sản phẩm nâng cao thể trạng cho người bệnh ung thư của Công ty Trương Thánh Y; chương trình hỗ trợ thuốc cho bệnh nhân ung thư với Công ty Astra Zeneca, Pfizer, Roche. Quỹ đã hỗ trợ thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả 05 câu lạc bộ bệnh nhân ung thư vú tại Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh với sự tham gia của hàng ngàn bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ung thư vú. Ngoài Văn phòng Quỹ tại Hà Nội, Quỹ đã có các chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Phú Thọ.

Bên cạnh đó, Quỹ đã tổ chức khám sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung cho 37.000 phụ nữ trên khắp toàn quốc, điển hình là tổ chức chiến dịch We care for her - Tầm soát ngay khi sang tuổi 40: khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú cho 12.000 phụ nữ từ 40 tuổi trở lên tại 11 bệnh viện tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh năm 2015. Sau 5 năm hoạt động, tháng 8 năm 2016, Quỹ Ngày mai tươi sáng đã trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội kiểm soát ung thư quốc tế (UICC). UICC là tổ chức được thành lập với nhiệm vụ trợ giúp cộng đồng y tế toàn cầu thúc đẩy chiến dịch đấu tranh phòng chống ung thư, được thành lập vào năm 1933 và có trụ sở tại Thụy Sĩ.

Các hoạt động của Quỹ Ngày mai tươi sáng đã phần nào giúp xoa diụ nỗi đau dai dẳng của bệnh nhân ung thư, đặc biệt bệnh nhân nghèo, nâng cao ý thức phòng chống bệnh ung thư trong cộng đồng cũng như góp phần vào công cuộc đẩy lùi căn bệnh ung thư trên thế giới.

Người “thấu” tận cùng nỗi đau của bệnh nhân ung thưBs.Thuấn khám cho bệnh nhân

Kỷ niệm khó quên

Trong cuộc đời bác sỹ ung thư, đặc biệt là ở nước ta khi phần lớn (trên 70%) người bệnh tới viện vào giai đoạn muộn, có thể nói niềm vui không ít nhưng nỗi buồn cũng nhiều. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, tiên lượng rất xấu, nhưng bác sĩ, với ý chí quyết chiến đấu với tử thần, đến phút cuối lại gặt hái thành công. Đó là trường hợp bệnh nhân là người dân tộc khoảng 25 tuổi bị ung thư nhau thai đã di căn kín đặc hai phổi. Lúc đó bệnh nhân đã suy kiệt, phải thở oxy liên tục. Thời điểm đó, qua hội chẩn, rất nhiều ý kiến muốn cho bệnh nhân về vì không thể điều trị do bệnh quá nặng, thể trạng yếu, không thể dùng hóa trị. Nhìn bệnh nhân còn trẻ, buông tay không đành, BS.Thuấn lại tâm niệm phải gắng "tát đến giọt nước cuối cùng". Anh chọn phương thức vừa hồi sức vừa truyền hóa chất cho bệnh nhân. May mắn thay, cùng với sự kết hợp chăm sóc giữa bác sỹ hồi sức và nội khoa ung thư, bệnh nhân đỡ dần, sau 1 tháng không phải thở oxy và ra viện sau 9 tháng điều trị. Tới nay đã ngoài 5 năm, qua thăm khám lại định kỳ có thể khẳng định bệnh nhân đã được chữa khỏi.

Gần đây anh lại gặp một trường hợp thương tâm khác. Đó là ca bệnh thiếu uý công an Đậu Thị Huyền Trâm, 25 tuổi, mang thai lần đầu, gia đình chồng là con một nên rất mong mỏi có em bé. Trước đó, sức khoẻ của chị Trâm bình thường, khi mang thai được 11 tuần, sờ thấy hạch ở cổ, đi khám đã phát hiện bị ung thư phổi giai đoạn 4. Để việc điều trị đạt hiệu quả, BS. Thuấn tư vấn gia đình cân nhắc việc đình chỉ thai. Tuy nhiên, chị Trâm tha thiết đề nghị để bản thân mang bệnh chứ nhất định không bỏ con. Cảm động trước sự hy sinh cao cả của người mẹ, Bs.Thuấn đã hội chẩn các bác sĩ cả chuyên ngành ung thư và phụ sản để đưa ra phác đồ tốt nhất cho người bệnh và thai nhi. Đến tuần thứ 27, tình trạng sức khoẻ của chị Trâm đã quá nặng, buộc phải mổ lấy thai. Bs.Thuấn cho biết đây là ca mổ lấy thai hi hữu nhất bởi bệnh nhân không thể nằm, không thể gây mê (nếu gây mê bệnh nhân sẽ không tỉnh lại được) mà phải mổ trong tư thế ngồi và chỉ gây tê tuỷ sống. Với Tâm-Tài của thầy thuốc, bé Gấu đã chào đời và phát triển khoẻ mạnh, bù đắp phần nào cho nỗi mất mát của gia đình chị Trâm.

“Thấu hiểu nỗi đau của người bệnh mới giúp họ bớt đau”

Hơn 23 năm đeo đuổi lĩnh vực ung thư, anh hiểu người bệnh ung thư phải gồng gánh nỗi đau cả về thể chất lẫn tinh thần. Chính vì vậy, Bs.Thuấn luôn tâm niệm phải đặt bản thân mình vào hoàn cảnh của người bệnh, “thấu hiểu nỗi đau của người bệnh mới giúp họ bớt đau”. Ngoài các biện pháp điều trị bằng thuốc, xạ trị, phẫu thuật...thì những lời động viên, chia sẻ của thầy thuốc với người bệnh đóng vai trò vô cùng quan trọng, tiếp thêm sức mạnh giúp họ chiến thắng bệnh tật.

Những gì từ trái tim sẽ đến với trái tim. Tấm lòng của Bs.Thuấn đã giúp nhiều bệnh nhân vượt qua vực thẳm bệnh tật, trở về với đời thường. Mới đây nhất chị Minh Ngoc, người vừa gặp cú sốc khi mẹ chị là Nguyễn Thị Lan phát hiện bị ung thư đã nghẹn ngào chia sẻ:” Với chúng tôi anh chính là người THẦY THUỐC MẸ HIỀN, mẫu hình mà người bệnh nào cũng mong được gặp, vì gặp được anh, họ sẽ có được một liều thuốc tinh thần quý giá để mang theo trong hành trang tìm lại sức khỏe. Về anh, cảm nhận thì rất nhiều nhưng câu từ thì có hạn, xin được gửi tặng anh mấy câu thơ viết vội thay cho những gì có thể nói”

NGƯỜI CHO TÔI CÒN MẸ- PGS.TS.BS. TRẦN VĂN THUẤN

Tôi đã gặp nơi anh

Tâm hồn đẹp sau áo blu ấy

Được biết anh như hữu duyên là vậy

Anh dang tay cho tôi chỗ dựa tinh thần

Xin được nói với anh hai tiếng TRI ÂN

Người giúp tôi vợi âu lo

Người cho tôi niềm tin

Cho tôi còn mẹ

Hà Nội đang Thu lá vàng rơi quạnh quẽ

Phố vẫn dài trong hiu hắt heo may

Nhưng chúng tôi may mắn hơn bao thân phận đớn đau, tuyệt vọng nơi này

Nhờ có tấm chân tình của anh – người bác sĩ

Cầu mong sao trên đường xa vạn lý

Anh với TÂM – TÀI sải bước vươn xa

Góp phần nâng cao y học nước nhà

Cho muôn người con như tôi hôm nay còn mẹ...”

Chiều đã muộn, ai ai cũng hối hả về nhà, còn Bs.Thuấn lại vội vã ôm chồng bệnh án quay vào làm việc như thể ngày mới chỉ bắt đầu. Với anh, không niềm vui nào lớn bằng khi nhìn thấy những bệnh nhân, đặc biệt các trường hợp nghèo khó, được khỏe mạnh trở về cuộc sống đời thường.

https://lilyapp.me/song-khoe/phong-va-chua-benh/gian-nan-chuyen-doc-hanh-800km-cua-cau-chua-ung-thu/

PGS.Ts Trần Văn Thuấn sinh năm 1970 tại Bắc Ninh. Bên cạnh cương vị giám đốc Bệnh viện K, anh còn giữ vị trí Viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư-Ngày mai tươi sáng, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Giáo sư thỉnh giảng Viện Ung thư quốc gia Hàn Quốc.

Anh đã cùng Ban thường vụ Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam xây dựng môi trường, tạo điều kiện thuận lợi kết nối nguồn lực, tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng đặc biệt đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa trong cả nước. Bs.Thuấn đã cùng với Thường trực Hội chỉ đạo tập trung xây dựng, phát triển tổ chức Hội, CLB Thầy thuốc trẻ tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước góp phần phát huy vai trò, thế mạnh của đội ngũ Thầy thuốc trẻ cùng với ngành Y tế, các Ban, ngành, đoàn thể góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bs.Thuấn đã 2 lần được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích trong các hoạt động tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng góp phần vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bằng khen của Chủ tịch UBTW Mặt trận tổ quốc Việt Nam vì những thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, Bằng khen của Hội ung thư Hoa Kỳ vì có nhiều đóng góp trong công tác phòng chống ung thư.

Năm 2008, anh được nhận danh hiệu Thầy thuốc tiêu biểu Việt Nam.

>>> Xem thêm: Bạn có biết thực phẩm nào là nguyên nhân gây ung thư lớn nhất nhưng hơn 80% người Việt ưa chuộng

Nguồn: Yến Châu

http://suckhoedoisong.vn/

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!