Lồng ruột (hay lộn ruột) là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp ở trẻ nhỏ và là nguyên nhân hàng đầu gây tắc ruột ở trẻ. Mặc dù con số thống kê chưa được đầy đủ, tỷ lệ mắc bệnh vào khoảng 3 - 5 trường hợp trên 1.000 trẻ. Lồng ruột là chứng bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ vào mùa đông xuân, xảy ra với các bé dưới 2 tuổi, nhiều nhất là 4 - 9 tháng, đặc biệt là các bé bụ bẫm, bé còn bú mẹ, bé trai thường mắc nhiều hơn bé gái. Đây là một dạng gây nhiều đau đớn cho trẻ, có diễn tiến nhanh với những biến chứng nguy hiểm. Do đó, mỗi bậc bố mẹ cần phải học cách nhận biết để xử trí kịp thời đối với chứng lồng ruột ở trẻ nhỏ.
1. Thế nào là lồng ruột?
Lồng ruột là hiện tượng đoạn ruột phía trên chui vào lòng đoạn ruột phía dưới theo chiều nhu động. Khối lồng thường ngăn cản thức ăn và dịch di chuyển xuống phía dưới, làm tắc ruột và cản trở dòng máu nuôi dưỡng đoạn ruột lồng.
Cho đến nay, có khoảng 90% các ca lồng ruột thường không có nguyên nhân rõ ràng. Có thể do virút làm rối loạn các phản xạ thần kinh thực vật, dẫn đến thay đổi nhu động ruột từ đó gây nên lồng ruột cấp. Hoặc cũng có thể do sự khác nhau về nhu động giữa các đoạn hồi tràng, manh tràng. Ở những bé bụ bẫm, ham ăn do nhu động ruột mạnh cũng dễ gây nên chứng lồng ruột.
2. Triệu chứng của lồng ruột
Dấu hiệu sớm:
Bé khóc thét từng cơn, trong cơn khóc bé ưỡn người, bỏ bú. Khóc thét từng cơn là dấu hiệu điển hình và dễ nhận biết để phát hiện sớm. Bệnh cảnh thường gặp là khi bé đang ăn uống bình thường đột nhiên khóc thét. Sau đó bé tạm thời nín khóc, thậm chí bú lại nhưng khi cơn đau tái phát, bé lại khóc từng cơn, ưỡn người, không bú được. Kèm theo đó là dấu hiệu nôn mửa, trẻ nôn ra sữa và thức ăn vừa ăn. Bụng chướng căng, đại tiện phân máu lẫn nhầy hay toàn máu tươi (trung bình 6 - 8 giờ sau cơn khóc đầu tiên. Lúc này bé chưa sốt, chưa có dấu hiệu mất nước.
Dấu hiệu muộn:
Các triệu chứng có thể xuất hiện trong khoảng thời gian ngắn sau đó lại xuất hiện với mức độ nặng hơn. Triệu chứng muộn là cơn khóc kéo dài nhưng ít dữ dội hơn trước. Lúc này bé có thể nôn ra nước mật, nước phân (màu vàng hay xanh), đại tiện ra máu nâu đen nhiều lần kèm theo đó bé mệt lả, da xanh tái, tiểu ít, sốt cao, lờ đờ, có dấu hiệu mất nước, nhiễm trùng, nhiễm độc (môi khô, mắt trũng).
3. Cách xử trí khi bé bị lồng ruột
Ngay từ khi phát hiện các bé có dấu hiệu sớm của lồng ruột, cha mẹ cần nhanh chóng đưa bé đến các cơ sở y tế gần nhất (tốt nhất là trước 48 giờ) để các bác sĩ khám, làm xét nghiệm, siêu âm và chụp X quang từ đó chẩn đoán chính xác. Trong khi di chuyển cần nhẹ nhàng để tránh làm đau bé. Chứng lồng ruột ở trẻ có thể chuyển biến xấu khi để lâu, trường hợp quá muộn có thể dẫn đến hoại tử ruột, nhiễm trùng, nhiễm độc, sốc và tử vong. Vì vậy, các bậc cha mẹ nên đưa bé đến viện càng sớm càng tốt, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Trên đây,Lily & WeCare đã chia sẽ cho bạn biết về chứng lồng ruột ở trẻ nhỏ. Các mẹ hãy quan sát trẻ nhỏ để phát hiện sớm nhé
Làm sao để trẻ an toàn dưới nước?
Khi nào nên đưa bé đi khâu vết thương?
Phụ nữ mang thai và tầm quan trọng của axit folic
Thứ tự mọc răng sữa của trẻ sơ sinh
Dấu hiệu bé sắp mọc răng sữa và cách chăm sóc
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!