Nhật ký sinh thường sau lần đầu sinh mổ của mẹ Việt

Mang thai - 11/24/2024

Lần sinh nở thứ 2, bà mẹ trẻ đã tìm hiểu, học hỏi rất nhiều kiến thức về mang thai, sinh nở với hy vọng sẽ sinh con theo cách tự nhiên sau lần đầu đẻ mổ.

Với những mẹ đã từng một lần trải qua ca đẻ mổ, chắc chắn sẽ mặc định mình sẽ phải đẻ mổ trong những lần sinh sau. Thế nhưng với chị Trần Nữ Hồng Nhung (hiện đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh) lại khao khát được trải nghiệm một ca sinh thường. Lần mang thai đầu, do chưa chuẩn bị kỹ càng về kiến thức cũng như chưa có kinh nghiệm nên chị đã phải đẻ mổ, con phải uống thêm sữa công thức - điều mà chị không hề muốn. Vì vậy đến lần sinh thứ 2 này, ngay từ khi mang thai, chị đã tìm hiểu, học hỏi rất nhiều kiến thức về mang thai, sinh nở với hy vọng sẽ sinh con theo cách tự nhiên. Và cuối cùng kế hoạch của vợ chồng chị đã được thực hiện thành công.

Nhật ký sinh thường sau lần đầu sinh mổ của mẹ Việt

Lần sinh nở thứ 2, chị Hồng Nhung đã tìm hiểu, học hỏi rất nhiều kiến thức về mang thai, sinh nở với hy vọng sẽ sinh con theo cách tự nhiên sau lần đầu đẻ mổ.

Đúc rút lại kinh nghiệm giúp chị sinh thường sau sinh mổ khá thuận lợi, chị Hồng Nhung đưa ra 6 lý do:

1. Các mẹ phải tự tìm hiểu kiến thức, lấy ví dụ là mình, mình tự đọc sách về nuôi con bằng sữa mẹ và sinh nở tự nhiên, kiến thức đem lại 90% sự tự tin. Các cuốn sách mình đã đọc: 68 Ngộ nhận và giác ngộ về nuôi con bằng sữa mẹ; The womanly art of breastfeeding; Ina May's guide to childbirth; Pregnancy, Childbirth and the Newborn; Dr. Jack Newman's guide to Breastfeeding.

2. Ngoài ra, có điều kiện các mẹ nên học yoga trước khi sinh, giúp các cơ phối hợp tốt, có sức khoẻ và quan trọng biết cách điều hoà hơi thở của cơ thể. Đối phó các cơn đau, các mẹ đừng nên la to, vừa mất sức mà khiến cơn đau khó chịu đựng, chính xác là chỉ nên rên rỉ, la nhưng ở âm vực thấp, vừa đỡ mất sức lại giúp các mẹ dễ chịu hơn. Mình không thể sắp xếp học yoga nhưng bù lại mình vận động trong khi mang thai rất nhiều nên có thể nhờ đó, mình tăng chỉ gần 10kg khi mang bầu lần này và cơ thể rất khỏe trừ mấy tháng đầu bị nghén.

3. Nên đi học một lớp tiền sản uy tín, mang tính thực tiễn cao. Lớp mình học cùng chồng do một cô ý tá - Doula người Mỹ đứng lớp, đóng phí $250 nhưng đáng từng đồng. Cuộc sinh của mình chắc chắn sẽ thuận lợi hơn nữa nếu có sự giúp sức của cô Doula này, nhưng tiếc đã có mẹ khác book cô ấy trước nên mình không có cơ hội.

4. Chuẩn bị kế hoạch sinh và bàn bạc với bác sĩ. BS H. rất nhiệt tình ngồi đọc hết và chỉ rõ cho mình những điểm nào khả thi hay không, và mức độ thực hiện được từng hạng mục trong kế hoạch.

5. Quan trọng không kém là có sự ủng hộ và có mặt của chồng từ khi mang thai (cùng nhau đi học lớp tiền sản, đi nghe 1 buổi học của chị chuyên gia sữa mẹ, ở nhà coi video, đọc sách, nói chuyện để chuẩn bị tâm lý cho chồng); khi chuyển dạ và sinh con;

6. Cuối cùng nhưng không thể không nhắc đến là kế hoạch tài chính cho thai kì và sinh nở; sẽ hoàn toàn xứng đáng để bạn đầu tư cho một thai kì khỏe mạnh và một cuộc sinh tự nhiên mẹ tròn con vuông; tạo tiền đề thuận lợi cho việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ sau này mà lợi ích của nó không thể đong đếm bằng tiền được.

Nhật ký sinh thường sau lần đầu sinh mổ của mẹ Việt

Chị Hồng Nhung và chồng lên kế hoạch chi tiết cho ca đẻ thường

Chị Hồng Nhung cũng đã tỉ mỉ ghi lại toàn bộ những trải nghiệm khi sinh con lần 2 của mình với 'mục đích chính là lưu giữ nhật kí đi sinh, phần khác cũng thầm mong có thể truyền cảm hứng và sự tự tin cho những ai có duyên đọc bài về một cuộc sinh tự nhiên, đặc biệt những mẹ nào đã trải qua một cuộc sinh mổ.'

Mời các mẹ cùng theo dõi nhật ký đẻ thường bé Kim của mẹ Hồng Nhung:

Ngày 21/01

Vài ngày trước ngày dự sinh, xuất hiện những cơn đau bụng dưới như khi hành kinh. Đúng ngày dự sinh 21/01, mình đã có những cơn gò nhẹ cách nhau 10 phút từ buổi sáng, mình có thể kiểm soát được bằng cách sinh hoạt bình thường và hít thở sâu, lâu lâu mới phải phải chống tay vào tường chờ cơn đau qua. Các cơn gò cứ đến và đi, có khi là cách nhau 5 phút thôi, nhưng mình cảm thấy vẫn chịu được nên chưa vào viện kiểm tra. Tối khuya thèm hủ tíu nam vang mà chả ai bán, nên ăn đại tô phở đề phòng nhập viện đêm khuya còn có thêm sức. Nhưng may quá không phải nhập viện đêm, vẫn còn được ngủ ở nhà.

Sáng 22/01

Chắc em Kim cũng thèm món hủ tíu nam vang nên sáng hôm sau 22/01, mẹ còn kịp ăn 1 tô trong cơn đau. Về nhà còn nhấn nhá vài hoạt động thường ngày, đến khoảng 10h sáng khi đi vệ sinh thì phát hiện ra chất nhầy. Thế là đi xuống lầu kêu chồng và mẹ vào viện.

Chỉ mất 5 phút đến bệnh viện. Trước tiên, y tá cho đo tim thai và kiểm tra cơn gò xem có cần nhập viện không. Kết quả đủ cơn gò, qua bác sĩ H. kiểm tra thì cổ tử cung (CTC) đã mở được 3cm, bác sĩ nói quá thuận lợi, cho nhập viện luôn. Sau đó mình đóng tiền khám, xuống quầy nhập viện làm thủ tục, đóng tiền, khi lên phòng chờ sinh thay đồ bệnh viện, nhìn đồng hồ đã là 11:45. Lúc này tranh thủ ăn bánh và uống nước mát để lấy sức 'chiến đấu'. Sau đó theo chồng lên phòng luôn, nữ hộ sinh dặn khi nào đau quá không chịu nổi thì mới cần xuống phòng sinh.

Cám ơn FV lần này không khiến mình căng thẳng và mất sự riêng tư như lần sinh trước ở HV. Trước, khi sinh ở HV, vào phòng chờ sinh đồng nghĩa mình bị cách li với người nhà, không được ăn uống, phải đo tim thai liên tục (tức là mình không tự do di chuyển được), cứ cách nửa tiếng hay 1 tiếng lại bắt tuột quần leo lên bàn để kiểm tra cổ tử cung (thủ tục này không cần thiết và nên tránh vì khiến sản phụ căng thẳng và đau đớn).

Lần sinh ở FV này, mình cứ tìm đủ tư thế và phối hợp bài thở sâu, thở nhanh để điều tiết cơn đau gò với cường độ đau ngày càng tăng. Học thở rất quan trọng. Thật sự nó hiệu quả để mình vượt qua được cơn đau, khi cơn gò bắt đầu thì thở sâu, lúc cơn đau tăng dồn dập đến đỉnh thì thở nhanh, khi kết thúc cơn gò thì lại thở sâu. Sau đó uống nước mát vì thở khiến miệng rất khô. Ăn uống trong chuyển dạ giúp cơ thể không bị mất sức và mất nước. Ngồi lên trái banh thể thao như hình, nhún nhún cũng giúp giảm đau được 1-2 cơn, sau đó nó không hiệu quả với mình nữa. Lâu lâu nhờ chồng mát xa cũng hiệu nghiệm.

Mỗi một sản phụ sẽ tự tìm cách giúp mình thư giãn và vượt qua cơn đau cho riêng mình nếu chuẩn bị sẵn tâm lí tốt. Đau đẻ không đáng sợ. Đó là cách tạo hoá định sẵn để mọi cơ quan, mọi hoóc-môn trong cơ thể bạn hoạt động hiệu quản chào đón em bé ra đời. Sinh bé đầu lòng mình hoàn toàn không có sự chuẩn bị trước, lại bị dọa nên rất sợ đau đẻ. CTC mở 3 phân mình đã yêu cầu thuốc giảm đau, lại phải nằm suốt, kết quả chả còn tí cảm giác nào để rặn cả, dẫn đến phải sinh mổ, vì rặn theo chỉ dẫn của bác sĩ thì con không chịu ra.

Nhật ký sinh thường sau lần đầu sinh mổ của mẹ Việt

Khi những cơn đau đẻ đến, chị tìm đủ tư thế và phối hợp bài thở sâu, thở nhanh để điều tiết cơn đau gò với cường độ đau ngày càng tăng.

Nhật ký sinh thường sau lần đầu sinh mổ của mẹ Việt

Chồng luôn là người sát cánh bên chị trong suốt ca sinh nở.

Chiều 22/01

Quay lại FV, đến khoảng 15:00 thì mình cảm thấy quá đau nên xin xuống phòng sinh. Tự đi bộ được chứ không dùng xe đẩy. Xuống phòng sinh thì chỉ còn được uống nước lọc thôi. Khi ấy CTC mở khoảng 5-6cm. Thôi thì, đến lúc CTC mở 10cm, mình cũng tự xoay xở với chồng đủ tư thế, nhất quyết không chịu lên nằm trên giường sinh. Khi CTC gần mở trọn cũng là lúc cơn đau đến với cường độ mạnh hơn và tần suất dày hơn, thì mình quyết định quỳ gối trên giường, 2 tay bám vào thanh đầu giường. Thú vị nhất là khi vỡ ối, vì mình yêu cầu để ối vỡ tự nhiên. Một tiếng 'bốp' rất to, nước lênh láng, chồng mình hết hồn luôn. Cùng lúc khi đó, lại có cảm giác rặn rất mạnh nhưng mình cố kiềm vì CTC chưa mở trọn. Khi đó đầu em bé đã lọt qua xương chậu, tụt xuống cửa mình nên chồng mình thấy được cái chỏm đầu toàn tóc của con nhô ra ngoài. Thú thật lúc đó cũng đại tiện 1 chút vì khi trên phòng có ăn suất cơm bệnh viện (sự thật rất bình thường nhé, các bà bầu đừng có ngại). Nữ hộ sinh họ chuyên nghiệp và quen nên dọn sạch rất nhanh.

Tới lúc vỡ ối cũng là khi CTC mở 9cm, nữ hộ sinh lúc này mới gọi BS H. vào. Mình bị buộc nằm xuống giường. Nữ hộ sinh hỏi mình để đeo dây quanh bụng đo tim thai em bé (cảm giác có thứ quấn quanh bụng lúc đó rất khó chịu cộng thêm phải nằm xuống nữa). Khi CTC mở trọn 10cm, thì mình hoàn toàn tự rặn theo dấu hiệu cơn gò của cơ thể, lúc nhớ thì mình lấy sức thở, lúc đau quá lại quên. Nữ hộ sinh nhắc và động viên mình thở lấy hơi liên tục. Đầu con trồi ra lại tụt vào, chồng mình dù đã được mình dặn trước tình huống này cũng rất hồi hộp. Khi đó cơn đau đỉnh điểm, mình cứ vặn vẹo người, bác sĩ phải nhắc đừng có vặn kẻo em bé cũng xoay theo, có nguy cơ đổi tư thế thì khó ra hơn.

Mình mong muốn không bị rạch tầng sinh môn, nhưng tình thế lúc đó mình không thể kiểm soát được việc thở để rặn hiệu quả mà không bị rách, bác sĩ cũng thấy nguy cơ rách nên phải rạch liền, chồng mình ghê nhất và căng thẳng nhất đoạn này. Không lâu sau đó, sau nỗ lực rặn hết sức theo dấu hiệu cơn gò của cơ thể, mình có thể cảm nhận được cả người con trôi ra ngoài nhanh chóng. Nữ hộ sinh lên tiếng: '17:15 nha ba!'. Rồi con được đặt trên ngực mẹ, cả người xám xịt chứ chưa hồng hào, 2 mắt thì cứ nhắm tịt theo tiếng khóc oe oe... Cảm giác không tả được bằng lời. Ba khen 2 mẹ con giỏi lắm.

Nhật ký sinh thường sau lần đầu sinh mổ của mẹ Việt

Em bé của chị Hồng Nhung cất tiếng khóc chào đời bằng phương pháp sinh thường và được ti mẹ ngay sau sinh.

Nhật ký sinh thường sau lần đầu sinh mổ của mẹ Việt

Vì sinh thường nên sức khỏe của chị Hồng Nhung phục hồi rất nhanh, em bé cũng được hưởng nhiều lợi ích từ phương pháp sinh này.

Sau đó thì chồng lóng ngóng cắt dây rốn cho con sau khi dây rốn ngừng đập (3 lần cắt mới đứt). Rồi bác sĩ yêu cầu ê kíp tiêm oxytocin để sổ nhau, khâu tầng sinh môn. Nữ hộ sinh thông báo để hút mũi cho con. Con nằm trên ngực mẹ rất lâu theo yêu cầu của mẹ. Khi anh nhân viên của mekostem nói là một chút cho cân bé để anh lấy số liệu ra về, mình nói chờ thêm chút xíu, mọi người cũng đồng ý cứ để cho con nằm vậy. Con nằm trên ngực mẹ đến lúc y tá thông tiểu cho mẹ thì con được đưa ra cân (3.56kg), vệ sinh sơ bộ, tiêm vitamin K và mặc áo bệnh viện. Lúc đó phải dứt vú và rời mẹ nên khóc quá trời, đến khi được ba ẵm nói chuyện thì im re và có vẻ hóng hớt như rất quen thuộc.

Tối 22/01

Mẹ con về phòng lúc 20:30. Cuộc sinh lần này không có sự can thiệp của thuốc men hay thủ thuật nên mẹ và con rất khoẻ. Mẹ phục hồi nhanh hơn rất nhiều so với lần sinh anh hai.

Đẻ thường không thuốc giảm đau rất đỡ gánh về tài chính luôn, đợt đẻ này gồm 3 đêm nằm viện phòng 1 giường, 3 bữa ăn bà đẻ và 1 bữa ăn sáng người thân + trà bánh bữa xế, 2 lít nước suối + 1 bình nước nóng, thuốc bổ cho mẹ và dụng cụ vệ sinh rốn cho con là gần 31.000.000 VNĐ. Vô cùng hài lòng về dịch vụ của FV ngoại trừ cái nệm vô cùng nóng, không thoáng hơi chút nào. Nói nhỏ là mặc dù quy định chỉ cho 1 người thân ở lại, nhưng cuối cùng cả mẹ mình, chồng mình và con trai đều ngủ lại qua đêm. Các y tá, hộ lý cực kì nhiệt tình và dễ thương hết sảy.'

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!