Nhiều ca nhiễm Covid-19 từ châu Âu, cách nào chặn 'nguồn lây'?

Thời sự - 05/03/2024

Hầu hết các ca bệnh ghi nhận trong thời gian vừa qua đều từ nước ngoài. Trong đó tập trung vào những công dân trở về từ châu Âu, khách du lịch… Nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao chúng ta không 'bế quan, tỏa cảng' để chặn nguồn lây?

Nhiều ca nhiễm Covid-19 từ châu Âu, cách nào chặn 'nguồn lây'?

Người trở về từ vùng dịch được cách ly tập trung trong vòng 14 ngày phòng tránh dịch Covid- 19.

Theo thống kê từ Bộ Y tế, tính đến tối ngày 18/3, cả nước đã ghi nhận 76 trường hợp mắc Covid- 19, trong đó 16 trường hợp đã được điều trị khỏi bệnh.

Đáng lưu ý, trong số 60 bệnh nhân mắc mới có tới 22 người Quốc tịch nước ngoài (chủ yếu quốc tịch Anh), 22 người Việt Nam đi từ nước ngoài về và 16 trường hợp tiếp xúc gần với những người mắc Covid- 19.

Như vậy, nhìn tổng thể thì hầu hết các ca bệnh ghi nhận trong thời gian vừa qua đều từ nước ngoài. Trong đó tập trung vào những công dân trở về từ châu Âu, khách du lịch… Số người mắc những ngày gần đây tăng lên.

Chưa kể, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid- 19 vào ngày 18/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng thông tin trong nước vẫn còn hàng chục nghìn người nước ngoài đã nhập cảnh chưa quá thời hạn 14 ngày, trong đó có rất nhiều người đến từ các nước có dịch.

Điều này đòi hỏi tất cả các đơn vị, lực lượng phải tiếp tục hiệp đồng từ con người, cơ chế, công nghệ để phát hiện nhanh nhất người bệnh, những người tiếp xúc gần.

Dư luận không khỏi băn khoăn, vì sao chúng ta không chặn những 'nguồn lây' này?

Trả lời vấn đề này với VietNamNet, BS Nguyễn Hồng Hà, Nguyên PGĐ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương lý giải ở đây có hai đối tượng: khách quốc tế và công dân Việt Nam làm ăn sinh sống ở nước ngoài trở về.

Theo ông Hà, chúng ta làm gì cũng phải tuân theo luật pháp. Trong những ngày qua, cũng như nhiều nước, do không thể ngăn giao lưu ngay với bên ngoài, mình chưa cấm nhập cảnh thì không thể cấm khách du lịch vào Việt Nam. Họ đến Việt Nam chấp hành việc cách ly… thì rõ ràng họ vẫn tuân thủ đúng luật pháp.

'Chỉ khi nào mình công bố tạm ngừng cấp thị thực nhập cảnh vào Việt Nam khi đó chúng ta mới không cho phép họ vào ', ông Hà nhấn mạnh.

Đối với những người Việt Nam ở nước ngoài, ông Hà cho biết, bình thường Chính phủ phải sang đón về nếu họ gặp khủng hoảng.

'Đây chính là chính sách bảo hộ công dân, chúng ta cũng đã từng đón nhiều công dân trong các cuộc khủng hoảng tương tự. Tuy nhiên những người ấy phải hiểu rằng tình hình dịch bệnh rất quan trọng, cần khai báo trung thực, thực hiện cách ly theo đúng hướng dẫn… đó là những quy định bắt buộc nhưng cần thiết để bảo vệ mình và cộng đồng. Những công dân đó cần phải có ý thức trách nhiệm với tổ quốc với đồng bào', ông Hà nhấn mạnh.

Chúng ta đã rất cố gắng

Trước thực tế tồn tại trong thời gian qua có những người khai báo không trung thực làm lây nhiễm chéo trong cộng đồng (trường hợp BN 17, BN 34) hay có những trường hợp trốn cách ly…, ông Hà cho biết ngay khi xuất hiện những tình huống như vậy, 'chúng ta đã kịp thời khắc phục bằng những chế tài mạnh'.

NhưThủ tướng từng chỉ đạo, nếu khai báo gian dối, không trung thực gây hiệu quả nghiêm trọng có thể truy tố hình sự … Ngoài ra, công tác phòng dịch của chúng ta đã được nâng lên một bậc- đó là ngoài cách ly tập trung thì việc lấy mẫu xét nghiệm cho người trở về từ vùng dịch tại sân bay.

'Đó là những việc chúng ta đã cố gắng hết sức để làm. Tất nhiên những biện pháp ấy cũng chỉ là một phần, bởi vì cũng có những người có thể nhiễm chưa thể hiện ngay khi làm xét nghiệm vì thế chúng ta vẫn tiếp tục cách ly tập trung đủ 14 ngày. Điều này không giống như một số nước, nếu xét nghiệm âm tính họ sẽ được về nhà', ông Hà thông tin.

Chúng ta đang làm những biện pháp cực kỳ tích cực nhưng theo ông Hà 'như thế cũng không thể nói sàng lọc được hết, chặn được hết'. Điều quan trọng là ý thức của người dân, khai báo trung thực, tuân thủ tuyệt đối những khuyến cáo mà ngành y tế đưa ra: khi có biểu hiện ốm, sốt có tiếp xúc với nguồn lây bệnh phải tự giác cách ly, đeo khẩu trang phòng chống bảo vệ cho mọi người, liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn và có biện pháp kịp thời.

Ông Hà cũng đánh giá, những biện pháp phòng dịch của chúng ta trong thời gian qua rất tích cực, hiệu quả. Nếu như vừa rồi chúng ta không làm chắc, không làm mạnh mẽ, không làm tích cực, thì không thể hình dung được số ca mắc sẽ là bao nhiêu?.

'Ví dụ một trường hợp trên máy bay bị nhiễm Covid- 19, dù trước đó các hành khách tỏa đi khắp nơi,nhưng chỉ trong vòng 2 ngày chúng ta đã tìm được các hoạt động di biến động của họ. Đây có thể nói là những nỗ lực cực kỳ lớn mới làm được. Mình đã làm hết sức', ông Hà nhấn mạnh.

Đặc biệt, bắt đầu từ 0h ngày 18/3, Thủ tướng yêu cầu tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong khoảng thời gian 30 ngày.

Ngoài các trường hợp nhập cảnh được cách ly tập trung đã thực hiện, Thủ tướng yêu cầu cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ Mỹ, các nước châu Âu và khối ASEAN. Chính phủ yêu cầu công dân ASEAN hoặc hành khách từng quá cảnh các nước này trong 14 ngày trước khi nhập cảnh vào Việt Nam phải cách ly tập trung 14 ngày kể từ lúc nhập cảnh. Việc này có hiệu lực từ 0h ngày 18/3.

Nghĩa đồng bào

Trước đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid – 19 vào sáng 18/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định những nguyên tắc, chủ trương, chỉ đạo chống dịch của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư, của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ và của Ban Chỉ đạo quốc gia từ đầu tới nay là rất đúng đắn. Chúng ta tiếp tục kiên định, kiên quyết thực hiện nhưng bây giờ nguồn lực, phân công, tốc độ thực hiện vô cùng quan trọng để làm tốt hơn.

Trước hết, Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn bệnh xâm nhập vào Việt Nam thông qua các chính sách về xuất nhập cảnh, trên tinh thần mềm dẻo, hợp tác nhưng kiên quyết.

Thực tế, trong những ngày qua, cũng như nhiều nước, do không thể ngăn giao lưu ngay với bên ngoài, các lực lượng phải làm việc 'không có đêm, không có ngày' để rà soát, tìm kiếm, giám sát hành khách, các trường hợp nhiễm, nghi nhiễm COVID-19 trên hàng chục chuyến bay đến Việt Nam.

Do đó, trong nước vẫn còn hàng trăm nghìn người nước ngoài đã nhập cảnh chưa quá thời hạn 14 ngày, trong đó có rất nhiều người đến từ các nước có dịch. Tất cả các đơn vị, lực lượng phải tiếp tục hiệp đồng từ con người, cơ chế, công nghệ để phát hiện nhanh nhất người bệnh, những người tiếp xúc gần.

Tất cả mọi người, dù là người nước ngoài, phải tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn của Bộ Y tế, cung cấp thông tin về việc xác định, tiếp cận cách ly, hỗ trợ y tế những người có nguy cơ lây nhiễm nhanh nhất, không để bỏ sót một ai.

Phó Thủ tướng chỉ đạo tăng cường truyền thông qua tất cả các kênh để hướng dẫn, đề nghị người Việt Nam đang học tập, lao động ở nước ngoài tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của nước sở tại.

'Những trường hợp người Việt Nam ở nước ngoài thực sự cần thiết phải về nước, thì dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước luôn nỗ lực hết sức thực hiện các biện pháp cần thiết, để lo cho bà con một cách tốt nhất có thể. Đấy là nghĩa đồng bào'.

Nhiều ngày nay, các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 làm việc rất vất vả, dành những điều kiện tốt nhất cho người Việt Nam ở nước ngoài về nước. Vì vậy, dù sẽ có những bất tiện như các thủ tục sân bay, điều kiện nơi cách ly, nhưng Phó Thủ tướng mong mọi người nghiêm chỉnh chấp hành các quy định, hợp tác, chia sẻ.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!