Tại các nhà thuốc có khá nhiều loại thuốc được người bán giới thiệu là thuốc “hỗ trợ điều trị gan”, “bảo vệ gan”. Ngoài một số thuốc có nguồn gốc dược liệu như nhuận gan giải độc, diệp hạ châu, trân châu thảo... thì cũng có khá nhiều thuốc có hoạt chất hóa học như silymarine, các biệt dược có cùng hoạt chất biphenyl dimethyl dicarboxylat (BDD). Các thuốc diệt virut rất đắt tiền như interferon, lamivudin với chỉ định rộng rãi trong dự phòng và điều trị các trường hợp viêm gan mạn tính, viêm gan do virut, rượu, thuốc (các kháng sinh, kháng nấm, kháng ung thư, các thuốc sulfamide, thuốc chống lao...), gan nhiễm mỡ, xơ gan, rối loạn chức năng gan...
Các thuốc bảo vệ gan, giải độc gan, hỗ trợ chức năng gan cơ bản chỉ là chất phụ trợ, dùng phối hợp với thuốc chính để nâng cao hiệu quả điều trị. Thực tế hiện nay, trong đơn thuốc kê cho người bệnh, việc phối hợp sử dụng thêm một số thuốc bảo vệ gan, tăng cường chức năng gan hoặc giải độc gan đang có xu hướng tăng lên. Hơn nữa, Việt Nam được xếp vào vùng lưu hành cao của viêm gan virut nên thuốc hỗ trợ gan càng được nhiều người sử dụng. Vậy việc lạm dụng này gây ra bất lợi gì?
Các yếu tố gây bệnh gan nhiễm mỡ.
Thuốc điều trị
Các thuốc có hoạt chất BDD
Việc dùng BDD trong điều trị viêm gan virut mạn tính và viêm gan do thuốc trước đây khá phổ biến do thuốc ức chế sự peroxyd hóa lipid và làm cho men gan SGPT đang tăng cao trở về giới hạn bình thường. BDD cũng đã từng được các bác sĩ lựa chọn trong việc điều trị viêm gan do thuốc (thuốc trị ung thư, thuốc kháng sinh và kháng lao...). BDD còn làm giảm các triệu chứng của bệnh nhân như đau gan, mệt và cảm giác trướng bụng...
Tác dụng điều trị của BDD trên viêm gan mạn tiến triển và viêm gan mạn tồn tại tỏ ra tốt hơn so với glycyrrhizin và silymarin. Tuy nhiên, qua thử nghiệm lâm sàng của nhiều nghiên cứu cho thấy kết quả giữa nhóm có dùng thuốc BDD và nhóm không dùng thuốc không khác nhau rõ ràng. Các xét nghiệm sinh hóa sau khi dừng thuốc cho thấy BDD không giải quyết tận gốc của vấn đề nên thuốc đã bị đình chỉ lưu hành.
Mặc dù đã đình chỉ lưu hành nhưng các thuốc có BDD vẫn còn trên thị trường và có lúc lại trở thành hàng hiếm. Đây là điều mà cả người bệnh và nhân viên y tế cần cập nhật thông tin về các thuốc để tránh dùng phải những thuốc đã bị đình chỉ lưu hành.
Thuốc có hoạt chất LOLA
Một loại thuốc hỗ trợ chức năng gan nữa cũng hay bị lạm dụng là các thuốc có hoạt chất L- ornithine- L-aspartate (LOLA) được dùng với nhiều dạng bào chế khác nhau như dung dịch tiêm, viên uống, siro... Khi dùng thuốc này dạng tiêm cần đặc biệt lưu ý thuốc có thể gây sốc phản vệ từ nhẹ đến nặng do trong thành phần có chất tá dược kali metabisulfit. Đã có trường hợp tử vong khi tiêm thuốc có LOLA cho bệnh nhân bị viêm gan.
Khi dùng thuốc dạng tiêm, nhân viên y tế phải hết sức thận trọng, đặc biệt là kỹ thuật tiêm truyền. Phải tiêm chậm để không tạo ra áp suất thẩm thấu quá cao, tránh gây tụt huyết áp đột ngột. Nên pha loãng thuốc và truyền qua đường tĩnh mạch. Thuốc này cũng hay được sử dụng như là một thuốc “bổ gan” trong nhiều phác đồ điều trị. Tuy nhiên, nó cũng chỉ là một chất hỗ trợ có tác dụng giải độc cho gan và phải dùng đúng liều lượng theo chỉ định để tránh bị những tai biến đáng tiếc do lạm dụng quá mức.
Và thuốc “bổ” gan
Hiện nay, các loại thuốc được gắn mác “bổ” gan, hỗ trợ điều trị các bệnh về gan, cải thiện chức năng gan có rất nhiều với hàng trăm loại biệt dược khác nhau, chủ yếu “núp” dưới “vỏ” thực phẩm chức năng dùng cho các đối tượng hay sử dụng rượu bia, chức năng gan kém, dùng thuốc dài ngày hoặc rối loạn chức năng gan (mệt mỏi, chán ăn...)... Chính loại thuốc này đang bị lạm dụng một cách vô tội vạ.
Các thuốc này thường có thành phần là thảo dược. Một số thảo dược lợi thấp thanh nhiệt và nhuận gan giải độc của Đông y có hàm lượng cao những chất chống ôxy hóa có thể đáp ứng trong việc điều trị viêm gan virut do tác dụng làm giảm quá trình peroxide hóa lipid ở gan và tăng cường chức năng gan.
Tuy nhiên, khi dùng thuốc cần lưu ý phần lớn các loại thuốc nhuận gan giải độc đều có tính bình hoặc hàn nên dễ phát sinh đầy bụng, đi ngoài lỏng, phân nát. Vì vậy, người tiêu dùng không nên quá tin tưởng vào các tác dụng “thần diệu” của các loại thuốc “bổ” gan này mà lạm dụng kẻo lại rước họa vào thân.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!