Vừa đi vừa sợ
Thường xuyên đi qua cầu Phú Kiểng, bà Võ Thị Mỹ ngao ngán: Mỗi ngày hàng ngàn người lưu thông, nằm luôn trong thành phố thế mà họ cứ để yên. Mỗi lần đi cầu là run sợ. Những sợi dây mỏng manh gắn kết các thanh ván được chống lên bởi những cọc gỗ mục nát vắt vẻo như tơ nhện, vài chiếc xe trên cầu là nghe tiếng kêu răng rắc từ dầm cầu. Thế nhưng, sợ cũng vẫn phải đi vì công việc.
Nhiều hộ dân ở hôn Hòn Nghê 1 (xã Vĩnh Ngọc) mong mỏi nhiều quá như chìm trong thất vọng, than thở: Cầu này rất quan trọng, nối liền giữa 3 thôn Xuân Ngọc, Hòn Nghê 1, Hòn Nghê 2 với 5 thôn khác của xã Vĩnh Ngọc, đồng thời là cửa ngõ cho một nửa xã Vĩnh Ngọc thông thương ra bên ngoài. Muốn vào trung tâm thành phố thuận tiện buộc phải đi qua cầu này. Vậy nhưng, nhiều lần vừa đi cầu vừa hoảng loạn vì chẳng may đang đi, thanh gỗ bật ra, không vững tay lái, rớt xuống sông ngay. Đàn ông còn đỡ, nỗi ám ảnh lớn nhất dồn lên phụ nữ, trẻ em.
Cây cầu gỗ đã từng gây nhiều thương vong, ám ảnh, nhất là khi mùa mưa đang về.
Theo UBND xã Vĩnh Ngọc: Cầu gỗ cheo leo này do tư nhân làm. Vì để xây dựng cầu bê tông nhu cầu vốn lớn, phải đợi cấp trên. Dự án đã có, đang đợi. Hầu như mùa mưa nào cầu cũng bị cuốn trôi hoặc chủ cầu chủ động tháo ra.
Một số người già ở thôn Hòn Nghê 2 (xã Vĩnh Ngọc) cho hay: Sợ hiểm nguy nên người cao tuổi bảo nhau thà cứ ru rú trong thôn chứ qua cầu rồi mắt kém rớt xuống thì nguy kịch ngay. Cầu quá hẹp, chỉ cần hai xe tránh nhau không cẩn thận là va quẹt.
Với những người dân trong ở 2 nửa của xã Vĩnh Ngọc là vậy còn những khách lạ, có người đến cầu là bỏ ngay ý định chạy xe qua. Ông Lê Văn Bình ở trung tâm thành phố Nha Trang cho biết: Giữa một đô thị phát triển mà tồn tại cây cầu gỗ đầy hiểm nguy thế này thì buồn quá. Dân kêu ca mãi. Tôi có người quen ở đó nhưng mỗi lần muốn qua cầu phải nhờ người chở chứ đi bộ đã run rồi đừng nói gì chuyện chạy xe. Có lần các mố đinh trên mặt cầu nhô lên, chủ cầu chưa kịp gia cố, hàng chục xe lủng lốp, cái ngả bên nọ, cái vẹo bên kia, khiếp hãi lắm.
Đã khổ còn mất tiền đóng phí
Đứng ra làm cây cầu gỗ Phú Kiểng là ông Nguyễn Xuân Thuận. Sau khi dựng cầu, ông Thuận lập ngay một chốt chặn thu phí ở đầu cầu. Mỗi lần qua cầu phải nộp phí 3.000 đồng, nếu đi 2 lượt là 6.000 đồng. Nếu xe máy chở hai người sẽ bị thu giá cao hơn.
Bà Nguyễn Thị Th. làm nghề bán vé số cho biết: Bán vé số từ nửa xã bên này muốn sang phía bên kia mà phí cao thế nhiều khi chẳng còn lời được bao nhiêu. Hầu hết dân ở xã Vĩnh Ngọc điều kiện kinh tế còn hạn chế, thế mà còn phải lo tiền cầu này nữa cực lại thêm cực. Ông Quách Văn Xuyến (thợ phụ hồ) thở dài: Tôi và nhiều người ở đây nhiều hôm phải nhịn cả ăn sáng để dành tiền đóng phí cầu. Không có cây cầu kiên cố khiến cuộc sống người dân Vĩnh Ngọc bị kìm hãm. Trẻ em đi học cũng bất tiện. Những người buôn bán càng bất tiện hơn vì không dám chở nhiều đồ qua cầu. Có ngày lời được trăm ngàn thì chạy qua, chạy lại mấy vòng hết vài chục tiền phí cầu rồi.
Mỗi mùa mưa kéo về, nhiều người già ở Vĩnh Ngọc lại ra cầu gỗ Phú Kiểng thả cái nhìn chất chứa nỗi buồn vô hạn. Bà Nguyễn Thị H. đau xót: Tai nạn thì như cơm bữa, gãy tay, gãy chân nhiều lắm rồi. Ám ảnh tột độ đó là có những cái chết thương tâm đã xảy ra khi nạn nhân ở độ tuổỉ thanh niên. Người dân hai bên cầu vẫn còn rưng rưng khi nghĩ về cái chết của Nguyễn Duy An (23 tuổi, ở TP Nha Trang). Cầu sập khi mưa về, cố vùng vẫy nhưng An vẫn bị cuốn trôi đi. Mỗi lần cầu trôi hay bị tháo ra là hàng ngàn người dân gần như bị cô lập. Họ chỉ mong mỏi có cầu kiên cố để cuộc sống thuận tiện hơn, đỡ bất an hơn.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!