Theo nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học đến từ một số trường Đại học ở Mỹ, virus SARS-CoV-2 lây lan chủ yếu qua đường không khí và đeo khẩu trang là cách hiệu quả nhất để ngăn chặn sự lây truyền từ người sang người.
Nhóm nghiên cứu gồm 5 người, đến từ Đại học A&M tại Texas, Đại học California, San Diego và Viện công nghệ California, đã so sánh xu hướng nhiễm SARS-CoV-2 tại Ý và New York cả trước và sau khi đeo khẩu trang là yêu cầu bắt buộc. Theo đó, tỷ lệ nhiễm bệnh đã giảm đáng kể khi người dân phải đeo khẩu trang ra ngoài.
Tính toán cho thấy việc này đã ngăn chặn hơn 78.000 ca mắc mới ở Ý trong khoảng thời gian từ ngày 6/4 đến 9.5 và hơn 66.000 ca mới ở New York từ 17/4 đến 9/5.
Nghiên cứu công bố trong tài liệu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia của Mỹ có đoạn: "Đeo khẩu trang ở nơi công cộng là biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa lây truyền từ người sang người. Biện pháp rẻ tiền này, kết hợp với giãn cách xã hội và cách ly có thấy cơ hội tốt để ngăn chặn đại dịch Covid-19 trước khi vắc-xin chính thức ra đời".
Các nhà khoa học Mỹ công nhận đeo khẩu trang là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa sự lây lan virus corona.
Theo các nhà khoa học, virus corona có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với giọt bắn khi một người ho hoặc hắt hơi hay thông qua tiếp xúc gián tiếp với các bề mặt mà người nhiễm bệnh (sau khi ho, hắt hơi) chạm vào.
Để xác định phương thức lây truyền chính của virus, các nhà nghiên cứu đã phân tích xu hướng về tỷ lệ lây nhiễm tại Vũ Hán, Ý và New York bằng cách xem xét các biện pháp đối phó được áp dụng tại những nơi này như xét nghiệm trên diện rộng, cách ly, truy tìm dấu vết, giãn cách xã hội và bắt buộc dùng khẩu trang.
Sau đó, họ so sánh thời điểm những biện pháp đó được đưa ra. Tại Vũ Hán, chúng được đưa ra cùng lúc. Trong khi đó, ở Ý và New York là vào các thời điểm khác nhau.
Họ phát hiện tỷ lệ lây nhiễm ở Ý và New York chỉ bắt đầu chậm lại sau khi có yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang chứ không phải sau khi Ý ban bố tình trạng phong tỏa hay sau khi New York yêu cầu người dân ở nhà.
Nghiên cứu lưu ý rằng trái ngược với Trung Quốc, việc đeo khẩu trang không phổ biến ở các nước phương Tây trong thời gian đầu đại dịch bùng phát. Cuối cùng, họ cũng thừa nhận rằng khẩu trang thực sự có thể làm chậm sự lây lan virus corona trong cộng đồng.
Nghiên cứu có đoạn: "Các biện pháp hiện tại như giãn cách xã hội, cách ly được thực hiện ở Mỹ là không đủ để bảo vệ công chúng".
Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, đến ngày 14/6, thành phố New York đã có ít nhất 209.000 trường hợp mắc SARS-CoV-2 và hơn 17.000 ca tử vong. Số ca dương tính, nhập viện và tử vong đã giảm dần kể từ khi New York đạt đỉnh dịch vào đầu tháng 4. Ngày 9/6, thành phố này đã chính thức chấm dứt tình trạng phong tỏa và nới lỏng nhiều hạn chế để bắt đầu mở cửa trở lại.
Mới đây, Thủ tướng Giuseppe Conte của Ý cũng cho biết nước này đang nới lỏng phong tỏa và cho phép tổ chức các sự kiện thể thao chuyên nghiệp như giải bóng đá Coppa Italia. Những cơ sở khác cũng có thể mở cửa trở lại từ ngày 25/6, bao gồm trại hè, nhà trẻ hay địa điểm cá cược. Một số môn thể thao không chuyên nghiệp liên quan đến tiếp xúc vật lý cũng có khả năng sớm được hoạt động trong thời gian tới.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!