PGS TS Nguyễn Hữu Ước tư vấn cách phát hiện sớm bệnh tim bẩm sinh

Cần biết - 11/24/2024

PGS. TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa phẫu thuật lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức tư vấn trực tiếp cách phát hiện sớm bệnh tim bẩm sinh.

Video chương trình (P1)

MC: Thưa bác sĩ Nguyễn Hữu Ước, anh có suy nghĩ gì sau khi xem clip trên ạ. Và đây có phải trường hợp hiếm gặp về việc phát hiện trẻ bị tim bẩm sinh muộn do cha mẹ còn hạn chế về nhận thức không ạ.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước: Năm 2015, tôi đi khám ở tỉnh biên giới, có cháu bé 13 tuổi người dân tộc, bệnh của cháu rất phức tạp, hết cơ hội chữa bệnh. Nhìn ánh mắt cháu như sự cam chịu số phận. Sau đó tôi có vận động các cơ quan đưa cháu về bệnh viện thăm dò, tìm thêm cơ hội. Kết quả vẫn là không thể khắc phục được nữa.

Tuy nhiên cơ hội sống sót của cháu có thể được cứu nếu mổ cho cháu lúc 2-3 tuổi. Tuy nhiên cháu hiểu chuyện, nói cảm ơn các bác sĩ và gạt nước mắt quay đi. Có trường hợp cháu bé con đồng chí trưởng đồn biên phòng ở Tây Nguyên, gia đình nghèo, đưa con đến khám, các bác sĩ sau hội chẩn rất phân vân vì cháu bị tăng áp phổi quá nặng.

Sau đó chúng tôi quyết định mổ, chăm sóc hậu phẫu rất vất vả. Tuy nhiên, cả đời cháu sẽ chịu cảnh tăng áp phổi, áp lực động mạch phổi rất mạnh, rất cao, dần sẽ làm tim nhanh suy và hỏng.

Phan Ngọc Anh (25 tuổi, Từ Sơn, Bắc Ninh): Thưa bác sĩ, con cháu được 9 tháng tuổi, sinh ra được 2,9kg, ăn ít, hay nôn trớ, hiện tại chỉ được 6kg, hay ốm vặt, nhưng cháu rất nhanh nhẹn, thông minh. Vậy con cháu nhẹ cân là do cơ thể hấp thụ kém hay là biểu hiện bệnh tim bẩm sinh ạ.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước: Có những trường hợp đến với chúng tôi, nhiều trẻ tim bẩm sinh chữa khỏi nhưng cân nặng cũng không tăng. Ngoài lí do chăm sóc của cha mẹ thì có nhiều nguyên nhân khiến trẻ còi cọc. Tuy nhiên, với trường hợp của cháu bé, tôi khuyên anh nên đưa cháu đến bác sĩ chuyên khoa ở y tế địa phương kiểm tra sức khỏe.

Nguyễn Văn Toàn (29 tuổi, Khoái Châu, Hưng Yên): Chào chương trình, con trai em được 4 tháng tuổi, cháu đang bú mẹ và có ăn thêm sữa ngoài do mẹ không đủ sữa. Cháu vốn hay nấc, từ khi trong bụng mẹ đã thường có biểu hiện nấc cụt, sau khi sinh hiện tượng này vẫn còn. Không ít lần bé nấc là trớ cùng sữa. Việc bé rất hay trớ này có phải biểu hiện của bệnh tim bẩm sinh không hay chỉ là hiện tượng bình thường ở trẻ nhỏ?

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước: Nghe anh mô tả dấu hiệu cháu hay nấc, trớ sau đẻ là không bình thường. Nguyên nhân có thể do bất thường về đường tiêu hóa, cơ hoành, hệ thống thực quản, đường hô hấp, chưa hẳn là do bệnh tim mạch. Nên cho cháu khám bác sĩ Nhi khoa, có thể khám cả tim để loại trừ cho trường hợp của cháu.

Đặng Thị Hoài An (23 tuổi, Bảo Lộc, Lâm Đồng): Con trai tôi gần 3 tuổi, thỉnh thoảng cháu chơi đùa hay cười nhiều hoặc khóc lặng đi thì môi và mặt tím lại. Mọi người xung quanh nói có thể cháu có vấn đề về tim mạch. Tuy nhiên, nhiều lần cháu ốm tôi đều gọi bác sĩ gia đình. Khi khám bác sĩ đều nghe tim, phổi của cháu nhưng không ai nói gì về tim của cháu. Vậy có phải cháu bị bệnh tim không hay một chứng bệnh có biểu hiện tương tự như vậy.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước: Đối với các cháu bé, 1 số cháu còi cọc do dinh dưỡng, 1 số cháu hay khóc, hay hờn, thời gian dài, lặng đi rất lâu khiến người tím đi. Dấu hiệu đó chỉ là gợi ý mắc bệnh tim chứ không hẳn bị tim bẩm sinh. Nếu các bác sĩ đã khám, nghe tim rồi thì anh có thể yên tâm vì 95-98% bệnh tim có thể phát hiện nhờ ống nghe. Nếu có điều kiện anh nên cho cháu đi kiểm tra chuyên khoa tim mạch.

Vũ Tấn Phong (30 tuổi, Hà Đông, Hà Nội): Thưa bác sĩ, con cháu 9 tháng tuổi, bị khò khè 3 tuần nay. Cháu cứ nghĩ do thay đổi thời tiết nên bé bị như vậy. Con cháu cũng hay bị hiện tượng này, nhưng trước đó có nhanh khỏi hơn, cháu cũng lười ăn và chậm lên cân. Mẹ cháu thì rất kỵ việc dùng kháng sinh cho trẻ, con cháu trước nay bị khò khè thường trị bằng các bài thuốc dân gian. Nhưng cháu nghe nói trẻ bị tim bẩm sinh thì cũng hay bị viêm phế quản đúng không ạ.

Video chương trình (P2)

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước: Có 1 số nhóm bệnh tim bẩm sinh thường gây viêm phế quản. Có trẻ từ khi sinh đến khi chữa khỏi bệnh thường xuyên nằm viện. Theo anh mô tả, có thể cháu bị viêm phế quản, hen phế quản, dị ứng hay bệnh lí ở phổi. Xác suất bệnh tim của cháu chắc chắn không cao.

Ho, he, khó thờ, chậm lớn là dấu hiệu của nhiều bệnh, trong đó có bệnh tim. Anh nên đưa cháu khám chuyên khoa để loại trừ tim bẩm sinh để gia đình yên tâm chăm sóc sức khỏe cho cháu. Dùng bài thuốc dân gian phải hết sức thận trọng, đặc biệt khi trẻ mắc bệnh thực thể, cần phải điều trị bằng thuốc, rất nhiều trẻ đã bị suy kiệt vì áp dụng những bài thuốc dân gian.

Trước khi dùng cần loại trừ nguyên nhân mắc bệnh. Nếu trẻ ốm nhẹ, ngoài dùng kháng sinh cần thêm các biện pháp hỗ trợ sức khỏe cho trẻ như giữ ấm, tăng sức đề kháng, nhà cửa thông thoáng, vệ sinh sạch sẽ... Kháng sinh chỉ là 1 trong những liệu pháp điều trị sức khỏe cho trẻ.

Video chương trình (P3)

Trần Thị Thu Cúc (28 tuổi, Quận 7, TP HCM): Thưa bác sĩ, bé nhà cháu cứ khi nào khóc cũng rất hay bị tím hết cả mặt lại. Không tím người, nhưng khóc cứ lặng đi 1 lúc mới ra tiếng mà cháu bị như thế từ bé rồi ạ. Việc ăn uống thì trộm vía cháu vẫn ăn bình thường và khá tốt. Nhưng cũng không lên cân nhiều. Cháu được 15 tháng và hơn 10kg thôi ạ. Cháu cũng hay bị về hô hấp như viêm A rồi viêm phế quản nữa, cháu đã chụp phim tim phổi 3 lần rồi, bác sĩ nói tim bé không sao hết. Nhưng cháu băn khoăn nếu chỉ chụp phim thì có phát hiện ra tim bị sao không, hay phải thăm khám thế nào ạ.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước: 1 số trẻ có cách khóc khác nhau, thời gian lấy hơi lâu nên người thường tím lại. Chụp X-quang không phải là biện pháp phát hiện tim bẩm sinh, có thể khám bằng ống nghe và siêu âm tim. Với các cháu mắc bệnh tim bẩm sinh, bố mẹ cũng phải làm quen với khái niệm này, nên cho trẻ đi khám sàng lọc sớm để yên tâm chăm sóc, điều trị. Đưa các cháu đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

Trần Thị Yến (32 tuổi, Phủ Lý, Hà Nam): Thưa bác sĩ, cháu đang rất bối rối không biết xử trí như thế nào. Cháu mới có bé đầu, nay bé được 5 tháng. Từ khi gần 1 tháng cháu bị viêm phổi sau đó có tái lại 1 lần vào tháng thứ 3 nay thì đã đỡ hơn, bé cũng lên cân chậm (lúc sinh là 3,3kg, hiện cháu được 4,8kg). Cháu rất lo lắng và nghi con bị tim bẩm sinh nhưng mẹ chồng cháu lại cho là bọn cháu con đầu, không có kinh nghiệm nuôi con nên mới để con ốm chứ không có bệnh tim gì cả. Hiện cháu rất lo lắng ạ, mong bác tư vấn cho cháu.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước: Cháu ở không xa Hà Nội, thậm chí Hà Nam có thể khám sàng lọc được tim bẩm sinh. Với các dấu hiệu đó, nên cho khám bác sĩ Nhi khoa, nếu nghi ngờ có thể làm siêu âm tim. Sau khi có kết quả sẽ có hướng chăm sóc cháu bé tốt hơn.

Hà Thu Hương (23 tuổi, Tuyên Quang): Con tôi bị thông liên thất (6mm) và thông liên nhĩ (3mm), được 3.5 tháng có bị viêm họng, tôi cho cháu đi khám bệnh thì bác sĩ phát hiện cháu có tim bẩm sinh. Cả nhà rất bất ngờ vì thấy cháu chẳng có triệu chứng tím tái gì cả, chỉ thấy cháu ăn ít hơn những đứa bé khác nhưng lại cứ nghỉ là cháu kén ăn. Liệu có nhầm lẫn không bác sĩ.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước: Khi các bác sĩ chuyên khoa đã khám và siêu âm rồi thì chắc chắn trẻ bị tim bẩm sinh. Chọn giải pháp điều trị vì cháu mới 3.5 tháng cần để theo dõi, trừ trường hợp quá nặng mới phải mổ từ khi trẻ 2-3 tháng, thường thì ngoài 6 tháng sẽ thực hiện can thiệp tim mạch.

Video chương trình (P4)

Dấu hiệu phát hiện tim bẩm sinh:

- Xác suất trẻ sinh non bị tim bẩm sinh là rất cao.

- Tím người là dấu hiệu mắc bệnh tim bẩm sinh.

- Thường xuyên viêm phổi, kéo dài.

- Một số biểu hiện khác: ngực gồ lên, chậm lớn, không lớn được, ngủ mơ, giật mình, vã mồ hôi, áp ngực cháu vào tai mình nghe tiếng 'phụt', có thể nghi ngờ và đưa trẻ đi khám sàng lọc sớm.

- Mắc các bệnh dị tật bẩm sinh.

Phan Thu Hà (23 tuổi, ở Đà Nẵng): Thưa chương trình, con tôi hiện được 4 tháng, trộm vía cháu ăn ngủ đều, trung bình tăng 7g/tháng nhưng tôi vẫn nghe thấy đằng sau lưng bé có tiếng thổi nhưng ở bên phải chứ không phải cạnh tim. Vậy đây có phải biểu hiện của bệnh tim bẩm sinh không?

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước: Nếu quả thực chị nghe thấy tiếng thổi, hoặc có thể nghe nhầm với tiếng thở (do viêm phế quản, do bệnh hen), chắc chắn cháu bị tim bẩm sinh. Nên cho cháu khám sớm và siêu âm sớm vì vị trí có thể ở ngực, cổ, sau lưng...

MC: Thưa PGS TS Nguyễn Hữu Ước, thưa quý vị khán thính giả. Rất nhiều thắc mắc của các bậc phụ huynh đã được bác sĩ giải đáp. Tuy nhiên, một vấn đề không ít người quan tâm đó là chẩn đoán bị tim bẩm sinh ngay từ khi trong bụng mẹ. Y học ngày càng phát triển, trong quá trình khám thai định kỳ đã có nhiều thai nhi đã được phát hiện bị dị tật tim. Bác sĩ Ước đánh giá như thế nào về việc phát hiện sớm bệnh tim từ khi trẻ trong bụng mẹ và việc phát hiện sớm như thế này có ý nghĩa như thế nào đối với quá trình điều trị sau này?

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước: Chẩn đoán bệnh trước sinh là một chuyên ngành phát triển mạnh ở các nước như Anh, Pháp, Nhật Bản... từ hàng chục năm nay, khả năng chẩn đoán đúng rất cao (>90%), đưa ra tư vấn sức khỏe thai nhi và bố mẹ có lộ trình điều trị. Kĩ thuật cao mới nhập vào Việt Nam cách đây chưa lâu, bước đầu do các bác sĩ sản khoa triển khai. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp chẩn đoán không hoàn toàn chính xác. Bác sĩ chỉ đưa ra lời khuyên và quyết định cuối cùng thuộc về bố mẹ trẻ. Chúng ta cũng chưa thể thực hiện can thiệp quá sớm cho những trường hợp trẻ 1-2 ngày tuổi sau sinh vì rủi ro khá cao.

Nguyễn Mạnh Cường (25 tuổi, đến từ quận 1, TP HCM): Thưa bác sĩ, vợ cháu đang mang bầu tuần thứ 20, sáng nay, cháu đưa vợ đi siêu âm 4D theo lịch, kết quả cho thấy em bé có bất thường tim thai và giới thiệu đến phòng khám của một bác sĩ để khám lại. Từ qua đến nay vợ chồng cháu rất lo lắng, vợ cháu khóc suốt. Bây giờ chúng cháu cần làm gì, bác sĩ tư vấn giúp chúng cháu với ạ.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước: Khám thấy tim thai bất thường là có vấn đề, nên anh cần tìm hiểu ở các bệnh viện sản khoa của các thành phố lớn, chẩn đoán trước sinh, chẩn đoán tim bẩm sinh được chính xác. Khám chuyên khoa về chẩn đoán trước sinh, bác sĩ có uy tín, sẽ cho lời khuyên chính xác nhất.

Video chương trình (P5)

Phạm Cẩm Giang (27 tuổi, Hậu Lộc, Thanh Hóa): Hiện cháu mang thai, được 19 tuần, siêu âm bác sĩ bảo thai nhi bị tim bẩm sinh (thông liên thất) rất nặng >3mm. Em bé nếu được sinh ra, dù phẫu thuật cũng không thể hoàn toàn bình thường. Cháu rất hoang mang. Đây là lần mang thai đầu tiên của cháu nhưng nếu sinh con mà con suốt ngày ốm đau thì cũng tội cho con và cả gia đình nữa. Xin bác sĩ cho cháu lời khuyên?

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước: Việc bỏ hay giữ thai rất khó trả lời. Trẻ bị thông liên thất không phải là trường hợp quá tuyệt vọng, nên cứ sinh và chăm sóc tốt, chuẩn bị tinh thần sau sinh có thể phải chữa bệnh thông liên thất.

PGS TS Nguyễn Hữu Ước tư vấn cách phát hiện sớm bệnh tim bẩm sinh

Hình ảnh buổi tư vấn trực tiếp 'phát hiện sớm và lộ trình điều trị bệnh tim bẩm sinh'

Đào Anh Tuấn (29 tuổi, Lào Cai): Con nhà em bị tim bẩm sinh, thông liên thất 3.8mm, thông liên nhĩ 7.5mm nhưng bác sĩ bảo bao giờ con được trên 10kg mới mổ. Con mình 4 tháng nay không tăng cân, chỉ được có hơn 8kg (mặc dù bé ăn rất tốt). Nếu tình trạng con em mà cứ cân nặng thế này thì không biết bao giờ mới được hơn 10kg để mổ nữa. Mà nghe nói bệnh tim càng để lâu càng có nhiều biến chứng nên em lo quá. Mong chương trình tư vấn giúp.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước: Cách nghĩ của anh theo đúng cách nghĩ của thầy thuốc chuyên khoa. Chờ cân nặng 10kg là thời điểm phẫu thuật tim mạch còn chưa đủ mạnh. Tuy nhiên, với trình độ phẫu thuật hiện nay có thể thực hiện mổ cho trẻ 2kg bình thường. Trường hợp của con anh, chờ lớn vì một số trường hợp lỗ thông tự đóng, chứ không phải chờ đến 10kg để mổ. Nếu trẻ không lớn được, buồng tim giãn ra, anh cần đến bác sĩ chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn chính xác hơn.

Vũ Ngọc An (27 tuổi, Hải Dương): Thưa bác sĩ, con cháu cũng đang chờ phẫu thuật, và không cảnh nào khổ bằng chờ đợi trong thấp thỏm lo âu như thế này. Bệnh viện đông, cháu thấy có gia đình chờ đợi đến hơn nửa năm. Chỉ sợ đến lượt con mình thì cảm hay viêm họng lại hoãn lại. Bác sĩ tư vấn giúp cháu cách chăm con khỏe trong giai đoạn chờ đợi này với ạ.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước: Cách chăm con khỏe còn phụ thuộc vào loại bệnh, do đó, nếu trẻ mắc bệnh lí nhiễm trùng (viêm phổi, viêm răng lợi, tiêu chảy...) thì việc mổ tim cần phải hoãn lại. Không nằm điều hòa quá lạnh, không nằm dưới sàn nhà... Với số lượng trung tâm tim mạch như hiện nay thì không có trường hợp phải chờ đợi để mổ. Anh có thể kiểm tra lại thông tin hoặc chuyển cơ sở chữa bệnh.

Phạm Tuyết Mai (32 tuổi, ở Thái Nguyên): Thưa chương trình, cháu gái tôi 5 tuổi, phát hiện bị tim bẩm sinh từ hồi 1 tháng tuổi – thông liên thất 5mm, bác sĩ khuyên nên theo dõi thêm vì lỗ thông nhỏ có thể tự hồi phục được. Gia đình em vẫn mỗi năm đi khám 1 lần cho bé, lỗ thông thu nhỏ hơn nhưng tuần trước, bé khám định kỳ thì bác sĩ nói phải phẫu thuật ngay do bé bị di chứng xa tim, lỗ thông liên thất đường kính 3mm. Vậy sau khi mổ cháu có khỏi hoàn toàn không và sau này có phải mổ thêm nữa không.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước: Thông liên thất, 1 trong những chỉ định mổ là lỗ phải lớn, còn lỗ nhỏ thì theo dõi thêm. Tuy nhiên, lỗ thông liên thất có nhiều vị trí, và chỉ có 1 vị trí tự đóng thôi, còn các vị trí khác là phải mổ. Lỗ thông không lớn, vị trí hiểm, nếu phát hiện ra thì nên mổ sớm, từ 6 tháng trở ra, để tránh biến chứng cho tim. Ngoài ra, lỗ thông có thể nhỏ, nhưng trong quá trình phát triển có thể gây nhiễm trùng máu, hẹp động mạch phổi... cần mổ để vá lỗ thông để tránh biến chứng.

Hồ Thị Hà (25 tuổi, Kiến Xương, Thái Bình): Thưa bác sĩ, tôi nghe nói nếu bị tim mà phẫu thuật thì sau đó sẽ phải uống thuốc cả đời, có đúng không ạ.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước: Đại đa số bệnh tim bẩm sinh sau khi mổ là khỏi, không cần dùng thuốc. Chỉ một số trường hợp quá nặng, thì cần dùng thêm thuốc để hỗ trợ điều trị.

Chu Nhật Hà (29 tuổi, Quảng Bình): Kính chào bác sĩ. Bác sĩ cho tôi hỏi nếu bít dù thông liên thất, thông liên nhĩ thì sau đó có phải mổ bít lại giống như nong tim không? Nếu có thì khoảng sau mấy năm ạ.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước: Đây là những kĩ thuật mới, nếu thành công thì cả đời không phải mổ lại, nếu có biến chứng thì mới cần phải thực hiện lại.

Phan Văn Tường (Ý Yên, Nam Định): Con cháu sinh non, tròn 1 tháng tuổi, khi 6 ngày tuổi thì phát hiện bị tam chứng, 1 tháng sau khám lại tăng thành tứ chứng. Bác sĩ có yêu cầu mổ trong tháng tới nhưng hiện con cháu chỉ có 2,6kg thì có nên phẫu thuật không thưa bác sĩ.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước: Tứ chứng fallot, quan điểm đẩy tuổi mổ xuống nhỏ một chút, bớt gây ảnh hưởng trên tim, hạn chế dị tật, ảnh hưởng chất lượng sống và tuổi thọ của bệnh nhân. Tốt nhất từ 6 tháng đến 1 tuổi. Đứa trẻ đảm bảo cân nặng từ 5kg trở lên, sức khỏe tốt, thương tổn giải phẫu trên thăm dò tốt thì có thể mổ.

Bác Đặng Thị Hiền (52 tuổi, Đồng Hới, Quảng Bình): Thưa bác sĩ, gần nhà tôi cũng có gia đình con bị tim bẩm sinh, cháu phải phẫu thuật 3 lần lúc 3 tháng tuổi, 6 tháng sau và lúc 6 tuổi. Hiện tại tôi thấy cháu bé phát triển và hòa nhập bình thường, sức khỏe tốt. Cháu tôi được 6 tháng tuổi, cháu bị viêm phế quản đi khám thì biết bị tim bẩm sinh. Vậy cháu tôi có phải phẫu thuật nhiều lần như cháu bé hàng xóm không?

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước: Phẫu thuật nhiều hay ít là do bệnh, có những bệnh cần phải mổ nhiều lần, có bệnh chỉ mổ 1 lần là khỏi, có bệnh không thể mổ được, có bệnh không cần mổ cũng tự khỏi. Thậm chí mổ nhiều lần do biến chứng, thương tổn xử lí chưa hết, tai biến phẫu thuật...

Thiều Thu Vân (23 tuổi, Hải Phòng): Thưa bác sĩ, con cháu được 7 tháng, tuần trước ăn ít, trớ nhiều, đi tướt, hôm qua bị sốt, tôi đưa cháu đến bác sĩ khám thì nói cháu bị tim bẩm sinh. Nhưng trước đó con tôi ăn uống bình thường, tăng cân khá đều, không bị tím môi, thỉnh thoảng có khò khè, viêm họng. Vậy liệu có sự nhầm lẫn ở đây không thưa bác sĩ.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước: Không phải cứ mắc tim bẩm sinh là viêm phế quản, chậm lớn, tím tái, tiêu chảy... vì có 1 số thể bệnh không tím. Tùy bệnh có biểu hiện khác nhau, chị nên đưa cháu đến cơ sở y tế khám và có hướng điều trị cho cháu.

Võ Thu Trang (26 tuổi, Bảo Lộc, Lâm Đồng): Thưa bác sĩ, con em hiện được 20 ngày tuổi được chẩn đoán tim bẩm sinh tứ chứng, nhưng cháu sinh non, rất nhỏ, hiện được 2,7kg. Vậy phẫu thuật trong nước có an toàn không hay nên ra nước ngoài như Singapore hay Thái Lan để phẫu thuật?

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước: Nếu cháu mắc tứ chứng fallot thì 20 ngày tuổi chưa cần phải mổ. Trong nước hiện nay, một số cơ sở có thể thực hiện mổ cho trẻ nhỏ nhưng tỉ lệ chưa nhiều, rủi ro vẫn còn cao do thiết bị y tế, trình độ y học... Đi nước ngoài chữa bệnh hay ở trong nước là do điều kiện kinh tế gia đình, xác suất rủi ro có nhưng không cao hơn nhiều so với các nước xung quanh.

Đặng Thị Kiều (24 tuổi, Hà Tĩnh): Con tôi hiện 6 tháng tuổi, mới chẩn đoán bị tim bẩm sinh. Tôi lo lắng quá vì cháu còn nhỏ mà ra nước ngoài mổ nhiều lần như vậy thì gia đình tôi không đủ chi phí. Mong chương trình tư vấn cho tôi phương pháp hiệu quả để chữa trị cho con mình.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước: Quả thực, tình trạng bố mẹ đưa trẻ đi nước ngoài chữa tim bẩm sinh cách đây 15 năm do cơ sở y tế trong nước không giải quyết hết nguồn bệnh nhân và những ca bệnh quá khó không thể giải quyết được. Hiện nay y tế nước nhà đã có nhiều tiến bộ đáng kể. Trường hợp của chị có thể đến các bệnh viện lớn để được tư vấn, thăm khám cho trẻ và có hướng điều trị.

Vũ Đình Hưng (Mỹ Hào – Hưng Yên): Thưa bác sĩ con tôi 4 tuổi , 13kg cháu bị tim bẩm sinh Apso Type III, trong đó động mạch chủ đi ra hoàn toàn từ thất phải, thông liên thất lỗ 17mm, không thấy thân và van động mạch phải. Theo kết luận của BV Tim Hà Nội con tôi phẫu thuật sửa toàn bộ hết 140 triệu. Đây là một chi phí khá lớn với gia đình tôi tuy nhiên điều tôi lo lắng là sức khỏe con tôi có chịu được ca phẫu thuật không. Và sau phẫu thuật cháu có khỏi hoàn toàn không?

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước: Đây là bệnh rất phức tạp, nhiều thương tổn, sửa chữa khó, chi phí cao, khả năng hồi phục khó hơn các bệnh khác. Nếu cháu còn khả năng chữa được, thì đó là may mắn cho anh, cho gia đình và cho cháu. Anh cần chuẩn bị tâm lí mổ cho cháu với chi phí cao, có thể có rủi ro.

Nguyễn Thị Thu Thủy (29 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội): Thưa bác sĩ, con trai cháu được 26 tháng tuổi, nặng 12 cân, rất hay bị ốm, sốt, có khi 1 tháng ốm đến 3 lần, mỗi lần sốt khoảng 38 độ sau đó tự khỏi, rất ít ho. Những dấu này có phải bé bị tim bẩm sinh không.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước: Nên cho cháu đi khám chuyên khoa Nhi, không hẳn là bệnh tim mà có thể cháu mắc bệnh lí về miễn dịch khác như hen, viêm phổi... Khám tim là 1 trong những quy trình khám bắt buộc của chuyên khoa Nhi, nên bạn yên tâm sẽ được phát hiện sớm.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!