Bệnh ung thư ngày nay không còn là một hiện tượng hiếm gặp, mỗi ngày trên ti vi, báo đài nhan nhản hình ảnh về ung thư ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, sẽ không có nhiều người hình dung được viễn cảnh, mà sự bất hạnh này ập lên đầu những đứa bé non nớt mới chỉ vài tuần tuổi đến vài tháng tuổi, khi mà chúng còn chưa nhận thức được điều gì đang xảy ra với mình.
Thực tế ở Việt Nam, tỉ lệ ung thư ở trẻ em chiếm khoảng 1.63% trong tổng số 150.000 ca mắc ung thư hằng năm (*). Bệnh ung thư ở trẻ em có những khác biệt lớn so với ung thư ở người trưởng thành, và việc phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư ở trẻ, đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc phát hiện và điều trị bệnh.
1. Khác biệt giữa ung thư ở trẻ em và người lớn
So với bệnh nhân ung thư ở tuổi trưởng thành, bệnh nhi ung thư có những điểm khác biệt cơ bản như sau:
- Ung thư ở trẻ em thường là kết quả của sự biến đổi ADN trong các tế bào. Sự thay đổi này có thể diễn ra từ rất sớm, ngay cả trước khi sinh. Đây là sự khác biệt hoàn toàn đối với bệnh nhân ung thư tuổi trưởng thành, nguyên nhân gây bệnh bắt nguồn từ lối sống hay yếu tố về môi trường.
- Bệnh ung thư ở trẻ em có diễn biến nhanh hơn so với người lớn. Bố mẹ có thể chỉ vừa mới phát hiện ra con mình bị ung thư, tuy nhiên khi đưa con mình đến xét nghiệm ở bệnh viện thì được chẩn đoán đã đi vào giai đoạn muộn.
- Cùng một loại bệnh ung thư nhưng sự di căn và phương pháp điều trị ở trẻ em hoàn toàn khác so với người lớn.
- Một số trường hợp ngoại lệ, bệnh ung thư ở trẻ em có xu hướng phản ứng tốt hơn khi hóa trị, so với các cơ quan của người lớn. Tuy nhiên, phương phápđiều trị ung thư bằng hóa trị và xạ trị ở trẻ em có thể gây ra tác dụng phụ lâu dài. Do đó trẻ em bị ung thư cần phải được theo dõi kỹ lưỡng để phòng ngừa hậu chứng sau điều trị, bởi một đội ngũ bác sĩ ung bướu khoa nhi, bác sĩ phẩu thuật, bác sĩ tâm lý, nhân viên xã hội, chuyên gia khoa sản, dinh dưỡng, phục hồi chức năng và vật lý trị liệu,...
2. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ung thư ở trẻ em
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ung thư ở trẻ em chủ yếu là do đột biến gen vàđột biến nhiễm sắc thể. Có những bé từ trong bào thai đã được chẩn đoán là bị ung thư, hay có những bé chỉ vài tuần tuổi hay vài tháng tuổi đã được phát hiện mắc phải căn bệnh quái ác này. Thời gian các bé sống ở môi trường bên ngoài bụng mẹ quá ngắn để có thể phơi nhiễm lâu dài với các chất độc hại, như nguyên nhân chính gây ra ung thư đối với người lớn.
3. Các dấu hiệu phát hiện ung thư ở trẻ nhỏ
Mặc dù ung thư ở trẻ em có biểu hiện rất đa dạng và phức tạp, tuy nhiên có đến 85% trẻ mắc ung thư có một trong những biểu hiện sau.
- Ở khoang bụng của bé xuất hiện các khối u và và có hiện tượng sưng nề, bố mẹ khi tắm cho các bé có thể dùng tay ấn thử và tự phát hiện ra điểm bất thường này.
- Trẻ có những cơn sốt kéo dài không rõ nguyên nhân, không tìm được vị trí bị nhiễm trùng ở trên cơ thể, điều trị lâu ngày bằng kháng sinh cũng không có tác dụng. Nếu như bé gặp phải triệu chứng này có khả năng rất cao là bé đã mắc ung thư.
- Bé thường xuyên mệt mỏi, da xanh nhợt, sút cân nhanh.
- Trên da bé xuất hiện các mảng bầm tím, có hiện tượng xuất huyết như chảy máu ở chân răng, hay chảy máu mũi thường xuyên mà không rõ nguyên nhân.
- Bé thường xuyên bị đau đầu, những cơn đau kéo dài và cảm giác buồn nôn; đây rất có thể là dấu hiệu trẻ mắc phải ung thư não.
- Hiện tượng mắt mèo (hay còn gọi là đốm trắng đồng tử). Đây là hiện tượng trong mắt bé xuất hiện nhiều đốm trắng. Bố mẹ thường vô tình phát hiện ra điều này khi thấy mắt của trẻ lóe lên trong bóng tối, cũng như khi chụp ảnh với đèn flash thì mắt của trẻ cũng lóe lên một cách bất thường.
- Một dấu hiệu nữa chính là hiện tượng mọc hạch hoặc u ở trên cơ thể. Trẻ vẫn phát triển và sinh hoạt bình thường, tuy nhiên trên cơ thể nổi nhiều hạch và có thể phát hiện ra dễ dàng khi nắn vào người của trẻ.
4. Phát hiện sớm giúp tăng khả năng chữa khỏi
Với những tiến bộ trong lĩnh vực y tế, thì cần khẳng định rằng tỷ lệ chữa khỏi trong điều trị ung thư ở trẻ em là rất lạc quan. Trong đó, điều trị hóa chất đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị ung thư ở trẻ em, ngay cả giai đoạn muộn cũng có thể đạt tỷ lệ đáp ứng cao.
Tùy theo từng loại bệnh và giai đoạn di căn phát triển của tế bào ung thư, sẽ có phương pháp điều trị kết hợp phẫu thuật, hoá chất, tia xạ một cách phù hợp. Với biện pháp điều trị tích cực, tỷ lệ sống thêm sau 5 năm có thể đạt được là: bệnh bạch cầu lympho cấp 83%; bệnh Hodgkin(ung thư hạch bạch huyết) là 95,9%; bệnh u hệ thống thần kinh trung ương 65%; u nguyên bào thần kinh 61,3%; u nguyên bào võng mạc 95,3%; u nguyên bào thận 83,6%; ung thư xương 60,4%; sacôm cơ vân (một dạng ung thư ác tính - Sarcoma mô mềm) khoảng 67,4%. (*1)
Kết, phát hiện sớm ung thư ở trẻ dựa vào những dấu hiệu lâm sàng ban đầu, đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình phát hiện và điều trị ung thư. Là một ông bố bà mẹ trong thời buổi hiện đại, các bậc phụ huynh cần phải trang bị cho mình những kiến thức cơ bản nhất về cách phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư ở trẻ em. Vì chúng ta tin rằng, mỗi đứa trẻ được sinh ra đều là một sinh mệnh kỳ diệu - mỗi đứa trẻ đều có quyền lớn lên trong khỏe mạnh và hạnh phúc.
Chú thích
(*) Theo phát biểu của GS-TS Nguyễn Bá Đức, nguyên giám đốc bệnh viện K Trung ương, phó Chủ tịch hội ung thư Việt Nam tại Hội thảo Tư vấn Y khoa các bệnh hiểm nghèo.
(*1) Theo cổng thông tin điện tử của bệnh viện Bạch Mai
Nguồn tham khảo
American Cancer Society
CEE/CIS
Cám ơn đã đọc bài viết!
3 chứng bệnh ung thư nguy hiểm nhất hiện nay
Ăn nhiều mì tôm có nguy cơ bị ung thư dạ dày
Phytosterol trong quả óc chó làm chậm tiến triển bệnh ung thư vú
Nấm lim xanh phương thuốc điều trị ung thư hiệu quả
Ăn gì tránh ung thư vòm họng
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!