Phòng chống bệnh đau đầu khi thời tiết giao mùa

Vui khỏe - 01/20/2025

Đau nửa đầu cũng hay gặp ở học sinh, tuổi này con trai lại dễ mắc hơn con gái, điển hình là đau một bên, buồn nôn, đau bụng…

Thời tiết chuyển hè, rất nhiều người bị đau đầu, đau nửa đầu. Chứng bệnh này rất khó chịu và cứ vài ngày lại tái phát. Một trong những nguyên nhân là do mệt mỏi mà chúng ta bỏ bữa, lại không uống nước kịp thời.

Đau đầu vì thiếu nước

Theo các bác sĩ, thời tiết này có nhiều nguyên nhân gây đau đầu hoặc đau nửa đầu. Đáng chú ý là nắng mới, mồ hôi túa ra khiến cơ thể mất nước nhưng nhiều người uống thiếu nước, không bổ sung nước kịp thời cho cơ thể cũng gây đau đầu.

Việc bỏ bữa sáng, hay bỏ bữa trong ngày cũng có thể gây đau đầu không rõ ràng. Và theo các bác sĩ, riêng ăn uống thiếu chất, thần kinh căng thẳng… đã dẫn đến hơn 70% trường hợp đau đầu cấp tính (đau hai bên thái dương, đầu căng nhức liên tục, nhói lên ở một vùng rồi lan tỏa âm ỉ).

Phòng chống bệnh đau đầu khi thời tiết giao mùa

Không bổ sung nước cho cơ thể kịp thời rất dễ bị đau đầu. Ảnh minh họa

Còn nhiều nguyên nhân gây đau đầu khác, như thay đổi thời tiết, stress, ăn uống đồ lạnh nhanh, ăn ngủ thất thường, mùi thơm quá đậm, đèn quá sáng, tiếng ồn quá mức, môi trường không trong lành (đóng cửa bật điều hòa), có người hút thuốc còn gây nhức đầu chùm, đau nửa đầu cho người xung quanh…

Bị đau nửa đầu nếu không điều trị sớm có thể dẫn tới mờ mắt. Và nếu lặp lại nhiều lần còn có nguy cơ dẫn đến đột quỵ, nhất là phụ nữ, những người béo, người ít vận động, dân văn phòng (do ngồi máy tính nhiều, có tiền sử huyết áp thấp, thiếu máu não, chóng mặt, ngủ dậy hay bị đau, tê tê nửa đầu, mắt nhòa mờ…).

Theo các bác sĩ, đau nửa đầu có đặc điểm là đau đầu từng cơn, tái diễn có chu kỳ, khi tần suất nhiều là đã nặng.

Khi có người bị đau đầu, cần cho bệnh nhân nằm nghỉ nơi yên tĩnh, ít ánh sáng. Không nên di chuyển, tiếp xúc với tiếng động, ánh sáng vì sẽ đau đầu hơn.

Đa số ngủ được giấc sâu và dài, khi thức dậy sức khỏe hồi phục nhanh. Tuy vậy có người ngủ dậy hết đau, nhưng mệt mỏi uể oải vài ngày mới hết hẳn. Những người không ngủ được sẽ rất mệt mỏi, nhức đầu âm ỉ vài ngày. Và nếu không chữa trị, bệnh ngày càng nặng, tần suất dày và tồi tệ hơn, dẫn tới suy sụp tinh thần và những biến chứng nguy hiểm.

Phòng chống bệnh đau đầu khi thời tiết giao mùa

Cần nghỉ ngơi nơi yên tĩnh khi gặp cơn đau đầu. Ảnh minh họa

Mẹo ăn uống ngừa đau đầu

Nếu hay bị đau đầu 'tấn công', cần ăn thực phẩm có hàm lượng calo thấp, ít chất béo. Ăn các loại chất béo có lợi (dầu oliu, dầu cá thu, cá mòi… có omega 3 cao) ngừa chứng đau nửa đầu.

Vitamin B rất hiệu quả để trị chứng đau nửa đầu, nhất là B2, B3, B6. Magie (có trong gạo, đậu nành, nấm, đào, nhãn, lạc, rau lá xanh tươi, cà chua nghiền, các loại hạt, đậu, khoai tây, men chiết xuất từ những thức ăn giàu magie) giúp tăng cường sức đề kháng…

Các thực phẩm nhiều dinh dưỡng, giúp giảm đau đầu giao mùa xuân - hè nên dùng là rau tươi, quả tươi với các món đồ, hấp luộc, nướng.

Thực phẩm giàu protein như thịt gà tây, thịt gà, trứng, các sản phẩm từ sữa, chuối, đậu, gạo, các loại hạt cũng rất có ích để phòng ngừa đau đầu.

Hàng ngày nên uống các loại sữa đậu nành, sữa hạnh nhân, sữa và sản phẩm từ sữa… để bổ sung nước đủ để cơ thể không bị mất nước.

Uống 1-2 lít nước/ngày để giảm tần suất, mức độ cơn đau. Hãy uống nhiều nước ngay cả khi không cảm thấy khát, bổ sung ngay nước muối sinh lý khi ra nhiều mồ hôi để tránh đau đầu vì không bổ sung nước kịp thời.

Khi gặp cơn đau đầu không nên dùng nước có ga, cafein, thực phẩm có chỉ số đường huyết cao… để tránh tăng cơn đau

Theo BS Hữu Lợi (Viện Châm cứu Trung ương), không ai tránh khỏi đau đầu, nhưng càng thưa càng tốt, càng nhẹ càng hay. Y học cổ truyền có những liệu pháp giảm đau đầu không dùng thuốc đôi lúc nhanh, hiệu quả và giảm chi phí chữa trị hơn thuốc giảm đau như: Châm cứu, thủy liệu pháp, hương liệu pháp, mát-xa, yoga, dưỡng sinh, vật lý trị liệu… được khuyến khích hơn vì không có phản ứng phụ như với hóa chất tổng hợp.

Đau đầu nói chung nên đi khám chuyên khoa thần kinh để xác định nguyên nhân để chẩn đoán loại trừ, cắt cơn và tư vấn điều trị dự phòng cơn đau. Không nên sử dụng thuốc giảm đau bừa bãi.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!