Phụ nữ có thai dùng thuốc chống động kinh: Những ghi nhớ đặc biệt

Mang thai - 11/24/2024

Cũng như bất kỳ một loại thuốc nào, thuốc chống động kinh có thể có những tác dụng không mong muốn cho người sử dụng.

Trong trường hợp bệnh nhân lại là phụ nữ mang thai điều này càng đáng lo ngại gấp nhiều lần. Vậy thuốc chống động kinh nào có thể dùng được cho phụ nữ có thai và việc sử dụng cần như thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của thuốc đến thai nhi.

Bệnh động kinh có nguy hiểm?

Động kinh là các rối loạn kịch phát có nguồn gốc tại não, lặp đi lặp lại, giống hệt nhau. Như vậy động kinh là bệnh rất đa dạng và phong phú.

Căn cứ vào tình trạng mất ý thức hoặc không mất ý thức trong cơn động kinh, người ta chia động kinh làm các thể sau: Động kinh toàn thể và động kinh cục bộ. Cần lưu ý rằng bệnh nhân động kinh không nhất thiết phải có co giật (có thể chỉ là cơn đau đầu, đau dạ dày) và không nhất thiết phải mất ý thức. Bên cạnh đó cũng cần biết rằng không phải lúc nào điện não đồ của bệnh nhân động kinh cũng có các phức bộ sóng động kinh điển hình.

Cơn động kinh, nhất là cơn động kinh toàn thể gây rất nhiều phiền toái cho bệnh nhân, có thể đe dọa tính mạng của bệnh nhân như gây tai nạn giao thông, đuối nước, bỏng lửa…

Phụ nữ có thai dùng thuốc chống động kinh: Những ghi nhớ đặc biệt

Phụ nữ mang thai bị động kinh không nên dừng sử dụng thuốc chống động kinh.

Những lưu ý dùng thuốc ở phụ nữ mang thai

Hiện nay, việc điều trị động kinh vẫn chủ yếu là điều trị triệu chứng. Thuốc chống động kinh có vai trò ngăn chặn cơn động kinh xuất hiện chứ không có tác dụng loại trừ được nguyên nhân gây ra cơn động kinh. Như vậy, chúng ta hiểu ngay rằng bệnh nhân động kinh cần phải uống thuốc chống động kinh lâu dài, nhiều khi phải uống thuốc suốt đời.

Thuốc điều trị động kinh cần phải đạt được tối thiểu hai mục tiêu là ngăn chặn cơn động kinh và giúp bệnh nhân phục hồi chức năng để họ có thể lao động và sống độc lập.

Để theo dõi kết quả điều trị động kinh, người ta cần sử dụng hai công cụ là theo dõi cơn trên lâm sàng và điện não đồ của bệnh nhân. Tốt nhất là khi điều trị, bệnh nhân đạt được cả hai mục tiêu sau: Không có cơn động kinh trên lâm sàng; Điện não đồ không có các phức bộ sóng động kinh.

Những phụ nữ có thai bị động kinh chịu rất nhiều nguy cơ rủi ro xảy ra cho cả mẹ và thai nhi. Đó là cơn động kinh có thể gây sẩy thai, đẻ non hoặc tử vong (đuối nước, tai nạn, bỏng) cho người mẹ và các tác dụng không mong muốn của thuốc điều trị động kinh đối với thai nhi. Xin nhấn mạnh rằng bệnh nhân động kinh là phụ nữ có thai vẫn phải uống thuốc chống động kinh hàng ngày, có điều cần phải tuân theo các công thức điều trị động kinh ít tác động bất lợi nhất đối với thai nhi.

Trước khi thụ thai, bệnh nhân cần phối hợp với bác sĩ điều trị thiết lập kế hoạch xử trí bệnh một cách toàn diện.

Các thuốc có tác dụng bất lợi đối với thai nhi là phenobarbital (gardenal), phenyltoin (sodanton) và valproat natri (depakine, valparin, encorat). Các thuốc này có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi cao hơn các thuốc khác. Điều đó có nghĩa là các thuốc khác cũng có một số nguy cơ nhất định đối với thai nhi, nhưng tỷ lệ thấp hơn và ít trầm trọng hơn.

Hiện nay, các thuốc hay được khuyên dùng cho phụ nữ có thai là levetimacetame, topiramate, oxcarbaxepin… Bệnh nhân cần được bác sĩ chuyên khoa thần kinh, tâm thần kê đơn và theo dõi thường xuyên, phối hợp với bác sĩ sản khoa để theo dõi tình hình phát triển của thai nhi. Thời kỳ thuốc có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến thai nhi nhất là 3 tháng đầu của thai kỳ. Khi đó, bác sĩ thường sử dụng ít loại thuốc nhất có thể, liều thấp nhất có thể ngay cả với các loại thuốc chống động kinh được coi là “an toàn” cho bà bầu.

Dù cẩn trọng thật cao đối với phụ nữ có thai bị động kinh, nhưng chúng ta không nên quá lo lắng về ảnh hưởng xấu của thuốc đến thai nhi mà ngừng thuốc hoặc dùng liều quá thấp. Điều đó có thể khiến cơn động kinh quay lại và gây ra hậu quả cho mẹ và thai nhi còn tệ hại hơn tác dụng phụ của thuốc chống động kinh.

Ngoài ra, phụ nữ mang thai bị động kinh cần chú ý khám thai định kỳ như bình thường, tuy nhiên cần phải được siêu âm vào tháng thứ tư của thai kỳ để phát hiện sớm các dị dạng ống thần kinh nhằm chỉ định chấm dứt thai nghén trước khi thai quá to. Để hạn chế tối đa các nguy cơ co giật trong khi sinh và nguy cơ tử vong cao của trẻ sơ sinh, việc sinh nở cần được thực hiện ở những cơ sở sản khoa được trang bị tốt.

PGS.TS. Bùi Quang Huy (Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!