Rau đắng hay còn gọi là cây càng tôm, biển súc (Polygonum avicularae L.), họ nghể (Polygonaceae). Rau đắng có ở đồng bằng, trung du và vùng núi thấp, mọc thành đám ở các ruộng hoa màu. Dùng toàn cây lúc ra hoa, dạng tươi hoặc khô với liều 10 - 20g (khô), sắc nước uống.
Rau đắng chứa ít tinh dầu, các dẫn chất polyphenol như avicularin, quercitrin, kaempferol…; các sắc tố, tanin, chất nhầy, đường, acid galic, cafeic... Theo Đông y, rau đắng vị đắng, tính bình. Có tác dụng lợi tiểu, tiêu sưng, giải độc. Dùng trị các chứng:
Viêm bàng quang cấp: rau đắng 12g; nam tỳ giải, bồ công anh mỗi vị 20g; sài hồ, hoàng cầm, hoạt thạch, cù mạch mỗi vị 12g; mộc thống 6g. Nếu tiểu tiện ra máu, thêm sinh địa, rễ cỏ tranh, chi tử (sao đen) mỗi vị 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần, trước bữa ăn 1h30 phút.
Rau đắng (biển súc) tác dụng lợi tiểu, tiêu viêm, giải độc, trị viêm bàng quang cấp, đau nhức cơ bắp…
Tiểu buốt, nước tiểu ít: rau đắng, mộc thông, hạt mã đề, hạt dành dành, cù mạch, hoạt thạch mỗi vị 12g; đại hoàng 8g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang.
Chữa cơ nhục sưng tấy, đau nhức: rau đắng ngâm rượu, xoa bóp hàng ngày nơi bị bệnh.
Rau đắng biển còn gọi là rau sam đắng (Bacopa monnieri L.), họ hoa mõm sói (Scrophulariaceae). Cây có ở các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Thuận... Bộ phận dùng là toàn cây, tươi hoặc khô.
Rau đắng biển chứa các alcaloid rất đắng, saponin... Theo Đông y, rau đắng biển có vị đắng, tính mát. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tiêu thũng. Trị xích, bạch lỵ, viêm gan vàng da, mắt đỏ sưng đau, chân tay, mình mẩy nhức mỏi, tê bại; ngã chấn thương. Có thể ăn như rau sống hoặc nấu canh ăn để kích thích tiêu hóa. Dùng ngoài, nấu nước tắm rửa khi bị ngứa lở. Dùng trong liều 6-12g (khô), sắc uống.
Rau đắng đất còn gọi là rau đắng lá vòng [Glinus oppositifolius (L.) DC.], họ rau đắng đất (Molluginaceae). Cây mọc hoang ở bờ biển hoặc ruộng nương ở Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế... Bộ phận dùng là toàn cây lúc bắt đầu ra hoa, rửa sạch, phơi khô.
Rau đắng đất có tác dụng nhuận gan, lợi mật, giải độc...
Rau đắng đất có flavonoid, saponin triterpenoid (spergulagenin A), trihydroxyceton... Theo Đông y, rau đắng đất vị đắng, tính mát. Có tác dụng hạ sốt, kích thích tiêu hóa, nhuận gan, lợi mật, thông tiểu, nhuận tràng, giải độc. Ngày dùng 20-30g, sắc uống hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.Trong nhân dân dùng rau đắng đất làm thuốc hạ sốt, chữa bệnh về gan và chứng vàng da.
Nhuận gan, lợi mật, thông tiện (đại tiện, tiểu tiện), giải độc: toàn cây rau đắng đất 12g, lá actiso (Cynara scolymus) 15g, hạt bìm bìm biếc (Semen Pharbitis) 2g. Sắc uống.
Giải độc gan, chữa vàng da:rau đắng đất, cỏ xước, rau má, ké đầu ngựa, dây mướp đắng, lá muồng trâu, rễ cỏ tranh, sài đất mỗi vị 6g; nhân trần, dành dành mỗi vị 5g; cam thảo 3g. Sắc uống ngày 1 thang, trước bữa ăn.
Trị dị ứng, mẩn ngứa, mụn nhọt: lấy cây tươi rửa sạch, giã nát, đắp vào nơi ngứa, ghẻ.
Rau đắng lông (Glinus lotoides L.), họ rau đắng đất (Molluginaceae). Rau đắng lông mọc hoang ở ven hồ, ven sông vùng đồng bằng sông Hồng hoặc ven biển từ Nam Định đến Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu... Dùng toàn cây (12g) làm thuốc trị ho, viêm họng, trị ỉa chảy, mụn nhọt, ngứa lở.
Rau đắng lá lớn (Mazus puminus (Burn. f.), họ hoa mõm sói (Scrophulariaceae).
Rau đắng lá lớn thường mọc dọc đường, nơi đất hoang ở các tỉnh ven biển từ Nam Định đến Đà Nẵng, các tỉnh miền núi phía Bắc: Sơn La, Lào Cai, Lạng Sơn...
Theo Đông y, toàn cây vị đắng, tính bình. Có tác dụng kiện vị, giảm đau, giải độc. Dùng ăn sống để khai vị, kích thích tiêu hóa. Trị cảm sốt: lấy 30 - 50g cây tươi, giã vắt nước uống.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!